Tội phạm vị thành niên ngày càng manh động
Ba bị cáo vướng vào lao lý khi tuổi đời còn rất trẻ. Ảnh: TỐ NỮ
Hai trong ba bị cáo phạm tội giết người khi chỉ mới bước sang tuổi 15. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, ba bị cáo đã dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn. Việc hành xử hung hăng, côn đồ, xem thường tính mạng, sức khỏe người khác lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm trẻ vị thành niên ngày càng manh động.
Giải quyết mâu thuẫn bằng… dao
Đó là một buổi chiều cuối tháng 2/2021, N.D.T.T (19 tuổi, trú TP Tuy Hòa), N.T.V (15 tuổi), N.A.T (15 tuổi, cùng trú huyện Phú Hòa) cùng một nhóm bạn tổ chức nhậu tại nhà. Trong lúc nhậu, A.T và V nhớ lại việc bị N.Q.Đ (14 tuổi, trú TP Tuy Hòa) chơi xấu, nên A.T nhắn tin hỏi Đ đang ở đâu để giải quyết mâu thuẫn. Thấy vậy, T.T nói: “Hôm nay là ngày vui của anh, có gì cũng phải từ từ” rồi cả nhóm tiếp tục ngồi nhậu, nhưng trong lòng V vẫn chưa nguôi cơn giận. Một lúc sau V hỏi T.T: “Có “đồ” không anh?”. T.T ngầm hiểu V đang hỏi mượn hung khí để đi đánh Đ; nhưng thay vì can ngăn, T.T lại vào nhà lấy dao Thái Lan đưa cho V.
Sau khi nhận được thông tin phản hồi của Đ hẹn A.T đến quán nước để “nói chuyện”, A.T và V đến chỗ hẹn, V lấy dao đưa cho A.T. Đến nơi, A.T bảo Đ đi vào một con hẻm để “nói chuyện”. Sau một hồi hai bên cãi vã, A.T rút dao đâm trúng ngực trái của Đ rồi vứt dao xuống đường bỏ đi.
Đ sau đó được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích, Trung tâm Pháp y Phú Yên kết luận, tỉ lệ tổn thương cơ thể Đ là 37%.
Đứng trước tòa hôm ấy, bị cáo V, bị cáo A.T mặt mũi non choẹt. Khi phạm tội, cả hai chỉ mới bước sang tuổi 15. Cả V và A.T rúm ró, sợ sệt khi nghe chủ tọa phiên tòa thẩm vấn hành vi phạm tội của mình. Nhìn hai vóc dáng, gương mặt ấy, không ai nghĩ các bị cáo lại hành xử hung hăng, côn đồ như vậy.
Trong vụ án này, bị cáo T.T là người lớn tuổi nhất. Khi phạm tội, T.T đã bước sang tuổi 19, nhưng không có cách giải quyết mâu thuẫn đúng mực mà hành xử rất manh động. Tại tòa, vị luật sư bào chữa cho bị cáo T.T hỏi: “Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo có điều gì để nói với bị hại và gia đình bị hại không?”. T.T trả lời: “Không”. Khi vị luật sư tiếp tục lặp lại: “Trước đây, bị cáo nói không biết nhà bị hại ở đâu nên không đến được, còn tại phiên tòa hôm nay có Đ, cha mẹ Đ, bị cáo có nói lời gì không?”. Im lặng một lúc lâu, T.T mới ngập ngừng xin lỗi gia đình bị hại.
Đánh giá về thái độ ăn năn hối cải của bị cáo T.T về hành vi phạm tội của bản thân, chủ tọa phiên tòa nói: “Tại phiên tòa hôm nay, luật sư hướng dẫn cho bị cáo mà bị cáo còn khó nói lời xin lỗi. Điều này chứng tỏ bị cáo T.T chưa thực sự ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bản thân”.
Phía sau hành vi phạm tội
Ba bị cáo trong vụ án nói trên đều có gia đình không yên ấm, trọn vẹn. V từ nhỏ không biết mặt cha mình là ai, còn bị cáo T.T thì sớm mồ côi cha. Ngày diễn ra phiên xét xử, chỉ duy nhất bị cáo A.T là có mẹ đến tham dự phiên tòa. Đó là một người phụ nữ tuổi ngoài tứ tuần, vóc dáng tảo tần, lam lũ. Khi đến phiên xét hỏi A.T, mẹ bị cáo nghẹn ngào: “Con dại cái mang, bản thân tôi chấp nhận bồi thường khoản tiền thiệt hại mà gia đình bị hại yêu cầu”. Thấy mẹ khóc, bị cáo A.T hối hận đưa tay quệt hai hàng nước mắt chảy trên má. Từ ngày con trai phạm tội, chị như ngồi trên đống lửa, chị vội vã tìm đến gia đình bị hại xin lỗi, rồi tất tả đón xe vào bệnh viện ở Khánh Hòa để đưa chi phí chữa chạy cho gia đình Đ.
Công việc mua bán cá chỉ đủ để lo chút tiền chợ hàng ngày trong nhà, vì vậy để có khoản tiền mấy chục triệu đồng lo chi phí chữa trị cho bị hại, chị chỉ còn cách đi vay nóng bên ngoài. Chị ứa nước mắt: “Bình thường con trai tôi rất hiền lành, hai anh em nó không bao giờ mất lòng xóm làng. Tôi không bao giờ nghĩ nó lại cầm dao đâm người…”. Bao năm nay, ba A.T bỏ ba mẹ con đi theo người đàn bà khác. Chị nuốt nỗi đau vào lòng, một mình tảo tần khuya sớm nuôi hai con khôn lớn, nào ngờ...
Không chỉ trong vụ án này, mà chứng kiến phiên tòa xét xử tội phạm giết người trong những năm gần đây, không ít người giật mình bàng hoàng khi các bị cáo tuổi đời còn quá trẻ. Thực tế cho thấy, các bị cáo phạm tội một phần do thiếu sự quan tâm dạy dỗ, uốn nắn của cha mẹ hoặc gia đình không hạnh phúc. Ở vào lứa tuổi vị thành niên “ăn chưa no, lo chưa tới”, tâm sinh lý chưa phát triển, lại thiếu kỹ năng ứng xử phù hợp, thiếu kiềm chế bản thân, các bị cáo thường giải quyết mâu thuẫn bằng các hành vi côn đồ, bạo lực để rồi vướng vào lao lý. Sự trả giá này quá đắt!
Căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo T.T 4 năm tù, bị cáo A.T 3 năm 6 tháng tù, bị cáo V 2 năm 6 tháng tù. Tòa cũng tuyên phạt các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại trên 99 triệu đồng, trong đó bị cáo A.T bồi thường 50%; bị cáo V và bị cáo T.T cùng bồi thường 25% số tiền còn lại.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/296912/toi-pham-vi-thanh-nien-ngay-cang-manh-dong.html