'Tôi sẽ góp phần để pháp luật gần gũi, có tuổi thọ dài hơn'
'Tôi sẽ đóng góp để quy trình soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật ngày càng chặt chẽ, gần gũi hơn với cuộc sống. Từ đó, những quy định pháp luật sẽ có sức sống, có tuổi thọ dài hơn..' - ứng cử viên Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM.
Chiều 10-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị 4 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 10, TP.HCM.
Đơn vị 4 gồm có các ứng cử viên: bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính – tư pháp (Bộ Công an); ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM; ông Phan Anh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và đối ngoại nhân dân; bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Đóng góp để pháp luật có sức sống, tuổi thọ
Trình bày chương trình hành động của mình, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, khẳng định với cương vị là Phó Giám đốc Sở, bà sẽ quyết tâm và kiên trì thực hiện tốt các giải pháp về cải cách hành chính đối với các thủ tục của ngành tư pháp.
Theo bà Hạnh, ngành tư pháp có khoảng 259 thủ tục hành chính, trong đó có nhiều thủ tục gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chẳng hạn như: đăng kí khai sinh, kết hôn, cấp phiếu lý lịch tư pháp…
“Những năm gần đây, lượng hồ sơ giải quyết hành chính của ngành tăng lên. Mặc dù thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên đối với người dân đi làm hồ sơ, hẳn có điều chưa hài lòng về thủ tục hoặc thái độ phục vụ của cán bộ tư pháp” – bà Hạnh nhìn nhận.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM khẳng định sẽ đeo bám các giải pháp cụ thể, thiết thực trong cải cách hành chính như: ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông kết nối các sở-ngành, tăng cường cơ sở dữ liệu. Làm sao giải quyết hồ sơ cho dân đúng đắn, tránh sai sót, giảm sự chờ đợi của dân, giảm hồ sơ trễ hẹn và tăng sự hài lòng của bà con.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng cam kết sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ bổ trợ tư pháp, hướng đến việc nâng cao dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho người dân.
“Khi cần sự tư vấn của các luật sư, chắc hẳn người dân rất mong gặp được luật sư có kiến thức sâu; còn khi đi công chứng hồ sơ cũng muốn đến nơi có công chứng viên nhiệt tình, có đạo đức hành nghề” – bà Hạnh nói và khẳng định sẽ tham gia vào việc giúp hoạt động tố tụng được công khai, minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng nhấn mạnh sẽ tham mưu lãnh đạo TP xây dựng thể chế, cùng các sở-ngành tháo gỡ vướng mắc pháp lý khi triển khai các dự án lớn về giao thông, đô thị, môi trường,….
Bà cho rằng việc tham mưu này phải đảm bảo quy trình pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng triển khai dự án.
Với kinh nghiệm 23 năm làm công tác tư pháp, ứng cử viên Nguyễn Thị Hồng Hạnh cam kết sẽ tham gia nhiều hơn vào quá trình lập pháp của Quốc hội nếu trúng cử.
Bà Hạnh nói: “Tôi sẽ đóng góp để quy trình soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật ngày càng chặt chẽ, gần gũi hơn với cuốc sống. Từ đó, những quy định pháp luật sẽ có sức sống, có tuổi thọ dài hơn, không phải sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho người dân”.
Vấn đề ngân sách là mong mỏi của người dân TP.HCM
Tại hội nghị, các cử tri quận 10 đã bày tỏ kỳ vọng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đối với các ứng cử viên.
Trong đó, cử tri Nguyễn Đức Nghị băn khoăn về việc hoàn thiện các văn bản pháp luật. Ông nói: “Luật pháp của chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh, đưa ra thực hiện nhưng còn nhiều kẽ hở, bất cập, sơ hở để các phần tử xấu lợi dụng, tuyên truyền, xuyên tạc những chủ trương, chính sách của Đảng”.
Cử tri Nghị cũng lo lắng về tỉ lệ ngân sách được điều tiết cho TP.HCM còn quá ít. “Nếu trúng cử, mong rằng trên nghị trường, các đại biểu làm sao cố gắng góp ý để ngân sách để lại cho TP tương đối hơn, góp phần vào sự phát triển của TP” – cử tri Nghị nói thêm.
Thay mặt tổ ứng cử viên trả lời trước cử tri, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, đã hứa nếu trúng cử sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện những nội dung đã trình bày.
“Trong năm ứng cử viên thì có ba người lớn lên và trưởng thành tại TP.HCM, chắc chắn chúng tôi sẽ có trách nhiệm để đóng góp phát triển TP. Hai ứng cử viên còn lại mặc dù không sống ở TP.HCM nhưng quá trình công tác trong những năm vừa qua cũng đã rất gắn bó với TP và sẽ có trách nhiệm đóng góp xây dựng TP”- bà Tuyết khẳng định.
Nói riêng về vấn đề ngân sách để phát triển TP, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết Thành ủy đã có chỉ đạo và tập trung làm đề án này suốt ba năm qua, đã bước đầu xin ý kiến đóng góp của một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và đã nhận được sự đồng thuận rất cao.
Theo bà, đề án này là mong mỏi của người dân TP, với trách nhiệm là đại biểu được người dân, bà sẽ có trách nhiệm làm hết sức mình để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu, cơ quan Quốc hội, các địa phương.
Từ đó, để TP có nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư, phát triển, khắc phục những khiếm khuyết về hạ tầng mà hiện nay người dân TP đang phải gánh chịu. Đặc biệt là tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, thu ngân sách nhiều hơn để đóng góp cho đất nước trong thời gian tới. Đồng thời làm cho người dân TP có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Về vấn đề xây dựng pháp luật, bà Tuyết nhấn mạnh các ứng cử viên trong quá trình công tác của mình đã thấy nhiều điểm bất cập, hạn chế, những kẽ hở bị lợi dụng.
“Chúng tôi, những người trúng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kì này sẽ tiếp tục tham gia để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, để hệ thống pháp luật của Việt Nam có tuổi thọ dài hơn, tạo động lực để đất nước chúng ta phát triển” – bà Tuyết nhấn mạnh.