Tôi thấy Bộ Giáo dục đã có giải pháp đặc hiệu chấm dứt 'cơn mưa giấy khen'
Những quy định trong Thông tư 22/2021 sẽ đánh giá, xếp loại học sinh một cách thực chất hơn và góp phần chấm dứt cơn 'mưa' giấy khen như trước đây.
Cụm từ “loạn học sinh giỏi” đã không còn xa lạ với nhiều người. Hiện tượng một lớp học 45 học sinh mà có tới 44 em học sinh giỏi và 1 học sinh tiên tiến cũng không còn là cá biệt trong nhiều trường học.
Trong vô số nguyên nhân dẫn đến việc nhận danh hiệu học sinh giỏi còn dễ hơn học sinh bình thường một phần cũng do những quy định quá dễ dàng của Thông tư 58/2011 và Thông tư 26/2020 trong việc xếp loại đánh giá học sinh.
Hạn chế những bất cập ấy, ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
Sự ra đời của thông tư này, theo quan điểm của cá nhân người viết chắc chắn cụm từ “loạn học sinh giỏi” sẽ được khắc phục triệt để.
Sự khác biệt lớn nhất của thông tư đánh giá xếp loại học sinh cũ so với thông tư mới
Đó là việc, tăng thời lượng làm bài kiểm tra định kỳ với các môn nhiều tiết.
Thay đổi cách xếp loại học lực, hạnh kiểm và danh hiệu thi đua.
Xóa bỏ đánh giá dựa trên trung bình các môn mà chỉ dựa vào số lượng môn trên 2/3 để xếp loại.
Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến
Trong thực tế giảng dạy, những học sinh có lực học chưa tốt vẫn có được danh hiệu học sinh tiên tiến vì những quy định quá dễ dàng.
Học sinh chỉ cần đạt điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên;
Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0 và các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
Nay, Thông tư 22/2021 đã không còn danh hiệu học sinh tiên tiến nữa cũng chính là hạn chế một kiểu khen “vô tội vạ”.
Cùng với đó, để đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi là rất khó
Thông tư cũ đánh giá học lực của học sinh theo 5 mức: Giỏi; Khá; Trung bình; Yếu; Kém thì thông tư mới đã giảm một bậc là Tốt; Khá; Đạt; Chưa đạt.
Học sinh đạt học lực Tốt, rèn luyện Tốt sẽ đạt một trong 2 danh hiệu:
Nếu có 6 môn học đạt từ 9.0 trở lên (cấp trung học cơ sở chỉ có tối đa có 8 môn đánh giá điểm) sẽ nhận danh hiệu học sinh xuất sắc.
Nếu có ít nhất 6 môn đạt từ 8.0 trở lên sẽ nhận danh hiệu học sinh giỏi.
Để có 6/8 môn đạt 9.0 chẳng hề đơn giản, những học sinh đạt dược danh hiệu học sinh xuất sắc phải học toàn diện và thật sự xuất sắc ở các môn. Trong thực tế, có lớp sẽ không có học sinh nào đạt được, cả trường đôi khi cũng chỉ tính trên đầu ngón tay.
Hay có 6/8 môn đạt từ 8.0 trở lên cũng sẽ không có nhiều em đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Yêu cầu của thông tư mới đã cao gấp tới 3 lần so với thông tư cũ, vì thế việc đạt được danh hiệu này đã không dễ dàng gì.
Với sự thay đổi siết yêu cầu của các danh hiệu thi đua lần này chắc chắn sẽ đánh giá, xếp loại học sinh một cách thực tế hơn và góp phần chấm dứt cơn “mưa” giấy khen như trước đây.