Tới thời Gen Z quản cha mẹ
Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Đang ngồi ăn tại một nhà hàng Italy ở Ohio (Mỹ), Sherry Howard bất ngờ khi cô con gái 28 tuổi gọi điện để nhờ mang về một ít đồ ăn. Howard sửng sốt, không phải vì yêu cầu của con mà về chuyện con gái biết chính xác bà đang ở đâu.
Hóa ra Howard đã bị theo dõi trong suốt hai năm mà không hề hay biết. Kể từ lần bà một mình đi du lịch đến vùng Caribe, các con đã kích hoạt chế độ Find My People (tạm dịch: Tìm người của tôi) trên điện thoại của bà. Họ đã có thể theo dõi chính xác vị trí của Howard.
"Thật buồn cười, nhưng tôi đã bị sốc. Thật tình mà nói tôi không biết mình cảm thấy thế nào về chuyện đó", bà mẹ 53 tuổi nói với Bussiness Insider.
Đây là sự đảo ngược hoàn toàn vai trò so với thời mà các con của Howard còn nhỏ - trước thời đại có điện thoại thông minh - khi bà là người giám sát chặt chẽ các con.
"Nếu 15 phút trôi qua mà không thấy chúng ở nhà, tôi bắt đầu bật chế độ hoảng loạn. Sau đó tôi sẽ nhìn ra ngoài hoặc gọi điện cho bạn bè để tìm kiếm chúng", bà kể, nói thêm rằng các con hiếm khi về nhà trễ. "Chúng biết rằng mẹ sẽ phát điên nếu con về nhà muộn".
Vai trò đảo ngược
Nhưng Howard vẫn ngỡ ngàng khi mình bị con theo dõi mà không hề hay biết suốt thời gian dài. Bà đã đăng lên TikTok để chia sẻ về sự "bất bình" của mình. "Thông điệp này là dành cho mọi đứa con đã trưởng thành ngoài kia. Hãy ngừng theo dõi cha mẹ của bạn", bà nói một cách vui nhộn.
Video đã thu hút hàng triệu lượt xem, và nhiều bình luận bên dưới đến từ những người tự nhận là mình là con cái đã trưởng thành, cũng luôn theo dõi vị trí của cha mẹ.
Trong khi các bậc phụ huynh thường cài đặt các ứng dụng theo dõi vị trí để dễ theo dõi con cái, những đứa con đã trưởng thành thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1986-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012) cũng đang hướng sự giám sát ngược vào cha mẹ.
Một cuộc thăm dò năm 2022 của The Harris Poll và The New York Times cho thấy cứ 6 người được hỏi thì có một người báo cáo rằng họ luôn bật tính năng chia sẻ vị trí, và 37% trong số những người cho biết họ sử dụng các ứng dụng chia sẻ vị trí (như Find My) thừa nhận làm vậy khiến họ cảm thấy an toàn hơn.
Chỉ riêng năm ngoái, Life360 - một trong những ứng dụng theo dõi nổi bật nhất - đã báo cáo có 50 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, với lượt tải xuống tại Mỹ tăng gấp đôi kể từ năm 2021 khi ứng dụng này trở nên phổ biến trong thế hệ Gen Z.
Dường như ngày càng có nhiều lo lắng về sự an toàn lan rộng sang cả một thế hệ - trẻ em ngày nay quan tâm đến an toàn của cha mẹ thay vì chỉ hướng ngược lại như trước đây.
Trong một số gia đình, việc theo dõi nhau bằng các ứng dụng như Find My và Life360 của Apple đã trở thành chuẩn mực. Họ coi đó là một cách thú vị để giữ liên lạc và giữ an toàn cho những người thân lớn tuổi.
Nhưng khi các mối quan hệ trở nên độc hại hoặc mọi người bắt đầu theo dõi người khác một cách bí mật, việc chia sẻ vị trí có thể dễ dàng trở thành sự xâm phạm quyền riêng tư khiến các thành viên trong gia đình phẫn nộ nếu phát hiện.
Gắn kết hai chiều
Ngày nay, sự giám sát diễn ra cả hai chiều. Những đứa trẻ lớn lên trong sự giám sát của cha mẹ giờ đây cũng cẩn thận theo dõi nhất cử nhất động của phụ huynh. Những người theo dõi bây giờ thành người bị theo dõi.
Phần lớn những người nói chuyện với BI đều cảm thấy việc theo dõi các thành viên trong gia đình mang lại cho họ sự an tâm.
Lớn lên ở Tây Virginia, Kacy Shafer cho biết cô có cha mẹ thuộc kiểu "khá bảo vệ". Cô là con một và cha cô phục vụ trong quân đội, vì vậy mẹ chủ yếu là người đặt ra các quy tắc.
Tôi không được phép đi chơi bất cứ nơi nào tôi muốn phải gọi điện cho bố mẹ", Shafer (29 tuổi) cho biết. Khi Shafer còn nhỏ, điện thoại chưa có chế độ giám sát, nhưng bố mẹ cô đã đặt ra "giới hạn cứng" về số giờ cô có thể sử dụng điện thoại di động đầu tiên và những người cô có thể liên lạc.
Bây giờ đã trưởng thành, Shafer theo dõi điện thoại của mẹ cô.
"Thật buồn cười khi tình thế đã đảo ngược", cô nói. Khi người mẹ 61 tuổi của cô ngày càng già hơn, cô thấy việc kiểm tra xem bà đang ở đâu ít nhất một lần một ngày mang lại "sự an tâm".
Mẹ cô không bận tâm đến việc bị theo dõi. Trên thực tế, hai bên kiểm tra nhau và nói đùa về chuyện đó rất nhiều. "Đôi khi, tôi chỉ kiểm tra xem bà đang ở đâu, và tôi kiểu như: 'Mẹ đang ở cửa hàng à? Mẹ có thể mua cho con cái này không?'", Shafer kể.
Stephiney Foley (37 tuổi) cũng có cha mẹ nghiêm khắc. Gia đình cô di cư từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) khi cô 8 tuổi. Cô mô tả phong cách nuôi dạy con của cha mẹ là "rất điển hình của những bậc cha mẹ độc đoán, đặc biệt là cha mẹ nhập cư".
Công nghệ theo dõi chưa xuất hiện khi Foley còn là một thiếu niên, nhưng cha mẹ vẫn giám sát cô rất chặt chẽ. "Mẹ tôi liên tục theo dõi tôi và nhìn qua vai tôi khi làm việc, ngay cả khi tôi còn học trung học", Foley nói với tôi.
Giống như Shafer, Foley đang theo dõi cha mẹ cô, những người đã ở độ tuổi 60 và 70. Đây thường là biện pháp phòng ngừa an toàn khi họ đi du lịch. Có lần mẹ cô bị lạc đường khi lái xe RV ở Great Smoky Mountains ở Tennessee và qua điện thoại, Foley đã giúp bà tìm đường ra khỏi công viên.
"Các vai trò giờ đã đảo ngược, như thể tôi trở thành cha mẹ", cô nói. Việc theo dõi cho phép Foley, người sống ở Seattle, cảm thấy gắn bó hơn với cha mẹ đang sống ở Florida của mình và cảm thấy có đủ khả năng giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
Ngày càng có nhiều cha mẹ và con cái trưởng thành giữ liên lạc chặt chẽ hơn so với các thế hệ trước.
Một nghiên cứu của Pew Research được công bố vào tháng 1 cho thấy hơn 70% số người được hỏi có con 18-34 tuổi cho biết họ nói chuyện với con cái ít nhất vài lần một tuần qua điện thoại. Nhiều phụ huynh theo dõi con cái của họ ở trường đại học để giúp xoa dịu nỗi lo lắng.
Đây là sự thay đổi lớn so với trước đây, khi cha mẹ và con cái chỉ gọi điện hàng tuần hay hàng tháng để kiểm tra tình hình của nhau. Nhiều gia đình thích sự tương tác thường xuyên. Đối với nhiều người, chia sẻ vị trí không hẳn là giám sát, chỉ đơn giản là một cách để duy trì kết nối.
Sau khi Howard vượt qua cú sốc ban đầu vì bị theo dõi mà không báo trước, bà bắt đầu hiểu được sự hấp dẫn của công nghệ này và cũng bắt đầu theo dõi vị trí của con mình.
"Con gái tôi vừa mới ra khỏi thị trấn cách đây vài tuần, tôi nhìn ảnh định vị nó đi trên đường I-75, và tôi nghĩ trong đầu rằng 'Con lái xe nhanh quá'", Howard kể. Bà nói thêm rằng việc theo dõi lẫn nhau giúp bà an tâm rằng con mình không gặp nguy hiểm.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-thoi-gen-z-quan-cha-me-post1501809.html