Tôi tìm thấy một xã hội học tập ở Công dân và Khuyến học

Qua một năm hòa mạng Internet toàn cầu, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học đã xuất bản trên 10 ngàn tác phẩm báo chí các thể loại, thu hút gần 1 triệu người dùng thường xuyên với gần 2 triệu lượt truy cập là con số rất ấn tượng.

Vào đúng dịp kỉ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6 năm 2022, tôi tình cờ đọc được thông tin trên một số tờ báo đăng tải về việc ra mắt Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học. Tôi truy cập tên miền http://congdankhuyenhoc.vn thì thấy giao diện của Tạp chí rất bắt mắt, dễ nhận diện thương hiệu; hình ảnh đẹp; chữ dễ đọc cả trên điện thoại thông minh và máy vi tính. Tôi thiện cảm với Tạp chí ngay giây phút đó.

Xem kĩ hơn, tôi thấy Tạp chí có nhiều chuyên mục độc đáo, mới mẻ nhưng tôi quan tâm nhất là mục Khuyến học và Góc nhìn công dân vì nhiều bài viết có liên quan đến nghề nghiệp của tôi – giáo viên.

Tôi gửi một số bài viết về lĩnh vực giáo dục đến Tạp chí và đều được trao đổi làm rõ hơn vấn đề đã nêu và đăng tải. Điều khiến tôi hài lòng nhất là bài báo sau khi được xuất bản vẫn giữ hầu như nguyên vẹn văn phong của tôi.

Tạp chí Công dân và Khuyến học giới thiệu môi hình tổ chức tòa soạn hiện đại áp dụng công nghệ mới tới độc giả nhỏ tuổi. Ảnh: TTH

Tạp chí Công dân và Khuyến học giới thiệu môi hình tổ chức tòa soạn hiện đại áp dụng công nghệ mới tới độc giả nhỏ tuổi. Ảnh: TTH

Tôi đọc báo không chỉ đơn thuần để nắm bắt thông tin. Trước một vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục, bao giờ tôi cũng có cái nhìn đa chiều, phản biện. Và thật mừng, tôi đã bắt gặp quan điểm đó ở Tạp chí Công dân và Khuyến học. Tạp chí thể hiện rất rõ tầm nhìn qua nội dung các bài báo mà không phải tờ báo nào cũng có được, kể cả các báo thuộc ngành giáo dục.

Tạp chí Công dân và Khuyến học công bố sứ mệnh là cơ quan báo chí hiện đại có tính chuyên biệt, tuyên truyền, phản ánh nhưng đồng thời kiến giải, phản biện những vấn đề đặt ra hôm nay đối với mỗi công dân học tập; khởi tạo những giá trị mới trong truyền thông về lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tạp chí cũng tuân thủ tiêu chí nhân văn làm giá trị cốt lõi, hoạt động tuân theo tiêu chuẩn đạo đức, tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính chuyên nghiệp với trách nhiệm chính trị cao; tôn trọng danh dự, uy tín nghề nghiệp, phẩm chất của báo chí cách mạng, phục vụ công dân học tập, và vì một xã hội Việt Nam học tập.

Qua một năm hòa mạng Internet quốc tế, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã xuất bản trên 10 ngàn tác phẩm báo chí các thể loại, thu hút gần 1 triệu người dùng thường xuyên với gần 2 triệu lượt truy cập là con số rất ấn tượng đối với một cơ quan truyền thông còn non trẻ.

Tuy vậy, tôi với tư cách độc giả, cũng là cộng tác viên của Tạp chí xin mạn phép có đôi điều cùng chia sẻ những mong Tạp chí có thêm đội ngũ bạn đọc ngày càng đông đảo. Đó là, Tạp chí cần đăng tải nhiều hơn nữa những chủ trương, chính sách có liên quan đến đội ngũ giáo viên. Chẳng hạn, việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên; chế độ của giáo viên; những bất cập về tiền lương; thăng hạng chức danh nghề nghiệp…

Đây là những vấn đề mang tính cấp thiết luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của hơn một triệu giáo viên các cấp trên cả nước, cũng là đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác giáo dục - khuyến học cho người học chính quy trong nhà trường. Hiện tại, đồng lương giáo viên không đủ sống là bài toán nan giải. Hay những quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng chưa sát thực tế mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi các Thông tư có liên quan.

Giáo viên tìm đọc những bài viết trên Tạp chí vừa thỏa mãn nhu cầu về thông tin, vừa bổ túc thêm kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn nữa, những bài báo chạm đến quyền lợi chính đáng của giáo viên thì đó còn là một sự sẻ chia rất lớn về tinh thần mà đôi khi là một giáo viên ở cơ sở, họ không biết giãi bày với ai.

Tôi luôn đặt niềm tin, sự kì vọng rất lớn đối với Tạp chí là làm sao có những bài báo đề xuất, kiến nghị giải pháp về lĩnh vực giáo dục – đào tạo, để các bộ, ban, ngành được lắng nghe, từ đó giúp sửa đổi chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn giảng dạy của giáo viên là điều tuyệt vời.

Ví dụ, hiện nay giáo viên các cấp đều làm nhiệm vụ chính là giảng dạy và giáo dục học sinh. Giáo viên trung học phổ thông thì dạy 17 tiết theo chuyên môn được đào tạo. Vậy thì giáo viên thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng 3 lên hạng 2, hạng 1 để làm gì?

Bởi vì, không có căn cứ khoa học nào khẳng định giáo viên hạng cao thì dạy giỏi còn hạng thấp hơn thì không. Cần nói thêm, giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chỉ làm bài về các kiến thức trong một số văn bản quy phạm pháp luật, ngoại ngữ, tin học và tuyệt nhiên không liên quan gì đến chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cả.

Thiết nghĩ, bên cạnh đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, nhất thiết Tạp chí cần có có thêm nhiều cộng tác viên là các giảng viên, giáo viên, người làm công tác quản lí giáo dục để có những bài viết mang tính chuyên sâu. Có thể khẳng định, để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hôm nay, rất cần đội ngũ đông đảo những nhà giáo cùng tham gia làm báo.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi kính chúc toàn thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Tạp chí Công dân và Khuyến học dồi dào sức khỏe, luôn giữ "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Chúc Tạp chí Công dân và Khuyến học tiếp tục sải những bức dài trong thời gian tới để phụng sự sự nghiệp giáo dục - khuyến học toàn dân ngày càng tốt hơn.

Phan Thế Hoài

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cong-dan-va-khuyen-hoc-se-tien-dai-buoc-phat-trien-trong-thoi-gian-toi-179230620233358654.htm