'Tôi vẫn nhớ 3 lần Giáo xứ Hòa Bình đón đại diện Tòa thánh Vatican'
Linh mục Nguyễn Trung Thoại - người chăm sóc phần hồn cho hơn 3.000 giáo dân ở giáo xứ Hòa Bình đã nói như vậy khi nhớ về khoảnh khắc đại diện Tòa thánh Vatican có mặt trên đất Hòa Bình. Ông Nguyễn Trung Thoại là linh mục Chính xứ Hòa Bình thuộc giáo phận Hưng Hóa.
Giáo xứ Hòa Bình 3 lần đón đại diện Tòa thánh Vatican không thường trú tại Việt Nam
Nằm ở vị trí cửa ngõ, trên quốc lộ số 6 từ Hòa Bình đi Sơn La và Điện Biên, Nhà thờ Giáo xứ Hòa Bình uy nghi, tọa lạc trên đồi cao và ở vị trí trung tâm nhất của thành phố Hòa Bình. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát thành phố xinh đẹp bên dòng sông Đà. Nhà thờ giáo xứ Hòa Bình thuộc phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình.
Vơi sự chấp thuận của chính quyền sở tại, những người công giáo ở đây đã chính thức khởi công ngôi Thánh đường này ngày 17/8/2012 trên một quả đồi rộng 10.000m2. Sau 18 tháng thi công, Nhà thờ Giáo xứ Hòa Bình có chiều dài 55m, rộng 18m, 2 tháp cao 44m, quảng trường rộng 6.500m2 đã được khánh thành. Đây là nơi sinh hoạt chung của 12 giáo họ với khoảng 3.000 giáo dân Giáo xứ Hòa Bình, sống trải rộng trên địa bàn thành phố Hòa Bình và 4 huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và Đà Bắc.
Linh mục Nguyễn Trung Thoại – quản nhiệm giáo xứ Hòa Bình cho biết, kể từ khi khởi công xây dựng đến nay, Nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đã 3 lần được đón đại diện Tòa thánh Vatican không thường trú tại Việt Nam - Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli. Đó là một vinh dự lớn. Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli là người đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Nhà thờ năm 2012. Ngày 21/11/2014, chính ông cũng dự lễ Khánh thành nhà thờ giáo xứ Hòa Bình với sự có mặt của hơn 60 linh mục trong và ngoài giáo phận. Đến năm 2015, Đức Hồng y Tổng trưởng Leopoldo Girelli lại lên Hòa Bình dâng Thánh lễ cùng một số Tổng giám mục và Giám mục ở Việt Nam. Đây là Lễ Thánh của Giáo phận Hưng Hóa, tổ chức ở Giáo xứ Hòa Bình.
“Đó là các vị bề trên của chúng tôi. Hôm Ngài Girelli lên đây, Nhà thờ Hòa Bình đón khoảng 5000 người, lễ rất đông vui. An ninh trật tự tuyệt vời. Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Vatican Pietro Parolin, Tổng giám mục Girelli đi từ Hà Nội lên Hòa Bình có cảnh sát giao thông dẫn đường, rất trang trọng. Trong khuôn viên nhà thờ, chúng tôi cũng thành lập các đội giữ gìn an ninh cho nên buổi thánh lễ diễn ra rất tốt đẹp” - Linh mục Nguyễn Trung Thoại xúc động nhớ lại.
Giáo xứ Hòa Bình hồi sinh
Những ngày này, 12 giáo họ thuộc giáo xứ Hòa Bình đang bận rộn để chuẩn bị cho ngày Thiên chúa Giáng sinh. Như thường lệ, 19h tối, nhà thờ Giáo họ Trung Minh (Tổ dân phố Tân Lập I, phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình lại bắt đầu Thánh lễ cho hơn 100 giáo dân trong căn phòng rộng chừng 300 m2. Ông Nguyễn Bá Ngọc, 60 tuổi (tổ dân phố Tân Lập I, phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình) cho biết: Ông cùng vợ con thường xuyên tới lễ tại Giáo họ Trung Minh. Việc đi lễ thường diễn ra trong suốt cả tuần, mùa hè thường bắt đầu từ 19h; mùa đông từ 19h30 phút.
Hơn 20 năm trước, không ai có thể nghĩ rằng, giáo xứ Hòa Bình lại có thể "hồi sinh " như ngày hôm nay. Giáo xứ có lịch sử hình thành và phát triển khá thăng trầm. Vào năm 1925, một số giáo dân giáo xứ Hà Thao, Tổng giáo phận Hà Nội lên Hòa Bình lập nghiệp và gây dựng cộng đồng giáo dân tại mảnh đất này. Đến năm 1930, giáo phận Hưng Hóa thành lập giáo xứ Hòa Bình với khoảng 300 giáo dân và 1 số giáo họ như giáo họ Phương Lâm, Thịnh Lang, Trung Minh…
Khi chiến tranh xảy ra, những người dân tộc Mường di chuyển vào vùng sâu, vùng xa. Những giáo dân người Kinh lại trở về Hà Nam, Nam Định, Hà Nội…Đến đầu những năm 1980, Nhà nước khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, những công nhân miền xuôi lên Hòa Bình làm việc, buôn bán, lai gây dựng lên cộng đồng giáo dân ở Hòa Bình
Hơn nửa thế kỷ, Giáo xứ Hòa Bình vắng bóng linh mục (từ năm 1946 khi cuộc chiến tranh chống Pháp nổ ra). Năm 2002, Tòa Giám mục Hưng Hóa đã bổ nhiệm linh mục Giuse Nguyễn Trung Thoại quản nhiệm giáo dân tại tỉnh Hòa Bình. Hơn 10 năm sau, giáo xứ Hòa Bình đã lớn mạnh và trưởng thành. Nhà thờ Hòa Bình được khởi công và khánh thành năm 2014 là minh chứng sinh động cho sự hồi sinh của cộng đoàn giáo dân ở Hòa Bình.
Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, đối với giáo xứ Hòa Bình, tất cả giáo dân hiện nay đều là người Kinh. Ông Ngô Văn Nhân, giáo dân ở phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình cho biết: “Trước kia, chúng tôi cũng có nhà thờ nhưng bị giặc Pháp tàn phá từ năm 1947. Sinh hoạt của bà con giáo dân gặp rất nhiều khó khăn. Vào những ngày lễ trọng, hàng ngàn giáo dân phải về quê để làm lễ. Mỗi lần như vậy rất tốn kém tiền bạc. Từ khi xây dựng nhà thờ Hòa Bình, chúng tôi rất phấn khởi. Sinh hoat tôn giáo diễn ra thuận lợi. Giáo xứ phải có nhà thờ để chăm sóc phần xác, phần hồn cho bà con giáo dân”.
Không có hiện tượng lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền, kích động
Trên toàn tỉnh Hòa Bình, giáo dân thuộc 3 giáo phận. Giáo xứ Hòa Bình thuộc giáo phận Hưng Hóa gồm thành phố Hòa Bình và 4 huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và Đà Bắc. Giáo dân ở Kim Bôi, Lạc Thủy lại thuộc Giáo phận Hà Nội. Một số huyện khác của tỉnh Hòa Bình lại thuộc Giáo phận Phát Diệm.
“Đối với chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Nhà nước, chúng tôi căn cứ vào Nghị định của Chính phủ rồi Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cao nhất là Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng tôi cứ bám vào đó mà sinh hoạt, rất ổn định. Khi chúng tôi có nhu cầu thành lập các giáo họ, đều được tỉnh Hòa Bình hoặc các huyện tạo điều kiện. Các linh mục được đến tất cả các giáo họ để dâng lễ, phục vụ bà con giáo dân”- Linh mục Nguyễn Trung Thoại, quản nhiệm Giáo xứ Hòa Bình cho hay.
Cũng theo linh mục Thoại, Hòa Bình là tỉnh mới phát triển. Những người miền xuôi lên đây thường là những người có đầu óc làm ăn kinh tế. Họ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của địa phương, ví dụ như mô hình nuôi cá lồng trên Sông Đà với sản lượng 200-300 tấn cá mỗi năm. Những hộ nuôi cá lồng lớn ở đây đều là người công giáo hay các y bác sĩ, giảng viên các trường cao đẳng…là người công giáo.
“Tôi ở đây từ khi giáo xứ Hòa Bình được phục hồi, tôi chưa thấy có hiện tượng lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền, kích động. Giáo dân cứ yên tâm làm ăn, đi lễ vào ngày chủ nhật. Kể cả tà đạo cũng không thấy xuất hiện” - linh mục Nguyễn Trung Thoại cho biết.
Nhân mùa Giáng sinh năm nay, chính quyền các cấp ở tỉnh Hòa Bình đã và đang tổ chức thăm hỏi và chúc mừng bà con giáo dân ở thành phố và các huyện thị. Đáng chú ý, Công an tỉnh Hòa Bình đã tổ chức cuộc gặp mặt các chức sắc công giáo trên địa bàn tỉnh, trao đổi thẳng thắn, chân tình rất nhiều vấn đề. Cũng như các chức sắc công giáo khác, linh mục Nguyễn Trung Thoại cũng bày tỏ ý kiến của mình.
“Tại cuộc gặp gỡ vừa qua, tôi có trao đổi về một vấn đề cụ thể ở huyện Cao Phong. Thứ nhất, tỉnh và huyện đã cho thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, tức là giáo họ Cao Phong. Tôi cũng xin được cấp đất để làm một nhà thờ nhỏ cho giáo họ này. Huyện đã lập hồ sơ và chuyển lên UBND tỉnh. Tôi được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang hoàn tất hồ sơ để họp với các sở, ban ngành khác để giải quyết. Chắc không có vấn đề gì khúc mắc” - linh mục chính xứ Hòa Bình khẳng định.