'Tôi vẫn tìm anh cho dù nơi đâu'

'Tay cuốc tay leng đào đào bới bới/ Tôi vẫn tìm anh cho dù nơi đâu/ Mênh mông non nước chập chùng/ Trong lòng quê hương anh nằm đâu?' - tiếng hát của đại tá Lê Thanh Tâm (nguyên Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Chính trị viên Đội K93) vang lên giữa bốn bề cây lá, hòa với tiếng kèn saxophone và đàn guitar của các nghệ sĩ, mang lại một xúc cảm khó quên. Hành trình vạn dặm 20 năm đi tìm đồng đội hy sinh của Đội K93 chất đầy gian lao, vất vả, giọt nước mắt lẫn niềm day dứt khôn nguôi: những liệt sĩ chưa được tìm thấy, anh nằm đâu?

Theo thông lệ thì thời điểm này, Đội K93 đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Campuchia. Nhưng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, kế hoạch tạm thời hoãn lại, đơn vị chỉ tập trung tìm kiếm ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Gần đến ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), thời điểm làm lễ cải táng hài cốt liệt sĩ, nên cả đội càng nỗ lực gấp bội. Trọng trách và tâm nguyện của họ là bằng mọi giá đưa được càng nhiều hài cốt liệt sĩ trở về quê hương càng tốt. Vì vậy, cứ tờ mờ sáng, họ ăn vội bữa cơm, mang vác đồ đạc lỉnh kỉnh lên đường. Nắng hay mưa, ngày làm việc hay cuối tuần, đều như thế.

Ít ai biết, Đội K93 đang “chạy đua” với thời gian. Càng trôi qua lâu, những gì còn sót lại của người đã khuất càng ít đi, dấu tích càng mơ hồ, việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Người trực tiếp chôn cất liệt sĩ nay đã già, không còn minh mẫn, hoặc đã qua đời. Cũng có khi, họ không nhận ra vị trí chính tay mình chôn cất đồng đội, bởi cảnh vật thay đổi hoàn toàn sau ngần ấy năm.

Trong khi đó, chủ đất hiện tại chỉ “nghe ông bà xưa kể lại” rằng lúc trước có liệt sĩ được chôn trên đất mình, còn cụ thể ở đâu thì... Chưa kể, đôi lúc chủ đất chần chừ, e ngại khi Đội K93 đề nghị cho phép tìm kiếm. Họ không muốn ảnh hưởng đến cây trái, đến tài sản của mình. Họ chưa hiểu sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh mất mát của thế hệ trước và ý nghĩa nhân văn của hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Các anh trong Đội K93 nói vui với tôi rằng, họ vừa giống lao động chân tay, khi gắn liền với cây leng, cây cuốc, vừa giống như một thám tử, khi phải tìm manh mối từ nhiều dữ kiện, thông tin được cung cấp, phán đoán vị trí có hài cốt liệt sĩ. Bên cạnh đó, họ vừa là cán bộ dân vận, ngoại giao, tạo lòng tin trong nhân dân, thuyết phục họ hỗ trợ đội hoàn thành nhiệm vụ...

Đại tá Nguyễn Quốc Thông (Đội trưởng Đội K93) thường xuyên dặn dò cán bộ, chiến sĩ (CBCS): đào bới xong phải trả lại nguyên trạng, không làm ảnh hưởng hay thiệt hại tài sản của người dân. Một trái xoài, một khúc cây cũng không được chạm đến, nếu chưa được sự đồng ý của chủ đất. Đó là kỷ luật của quân đội, là uy tín của bộ đội. Thế nên, có những khu đất, đơn vị được cho phép tìm kiếm hàng chục năm trời, đều nhờ vào sự tin tưởng, quý mến của người dân với Đội K93.

Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong nội địa thuận tiện hơn so với sang Campuchia. Dẫu vậy, các anh vẫn phải tay xách nách mang dụng cụ vượt núi, đối mặt với nắng cháy da tháng 4, mưa bất chợt tháng 6. Ngồi một chút thôi, muỗi bu kín người. Bữa ăn gập ghềnh theo triền đá, giấc ngủ chao nghiêng giữa hàng cây.

Tùy theo địa hình, CBCS phải đào từ 3-4 lớp đất, hoặc sâu quá đầu. Các thành viên được chia theo tổ (mỗi tổ 3 người), thay phiên nhau đào, cuốc và quan sát. Nếu khu vực tìm kiếm là đất mềm, đất cát thì mỗi tổ có thể đào được 7-8 hố/ngày. Nếu gặp đất đá cứng, rễ cây chằng chịt thì mất nhiều thời gian hơn.

Đặc biệt, trong quá trình tìm kiếm, các thành viên phải vừa đào, vừa chú ý quan sát để phát hiện hài cốt. Thi thể liệt sĩ có khi không được quấn trong tăng bộ đội, miếng cao su; áo quần và xương cốt đã bị phân hủy gần hết. Do vậy, CBCS phải dày dặn kinh nghiệm và khả năng quan sát, sớm phát hiện ra hài cốt để quy tập.

Vất vả cỡ nào, Đội K93 cũng chịu đựng được, miễn là tìm thấy đồng đội của mình. Nhiều lúc, cả tháng trời đào bới hết khu vực này đến khu vực khác, họ chỉ nhận về sự thất vọng, ray rứt. Có khi, trong một thời gian ngắn, họ liên tiếp đào được hàng chục bộ hài cốt. “Hễ có tổ nào la lên “thấy rồi!” là y như rằng tất cả mọi người đều quăng leng cuốc trong tay, xúm lại hỗ trợ. Bao vất vả, mệt nhọc đều tan biến. Thậm chí, tới giờ cơm, giờ nghỉ, anh em vẫn không ngừng tay, quyết tâm làm xong việc” - thượng tá Xuyên bày tỏ.

Hôm trước (ngày 5-6), đơn vị phát hiện một hài cốt liệt sĩ tại xã An Phú (Tịnh Biên), sau nhiều lần tìm kiếm ở nơi đây. Ngay lúc này, đoàn văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh vừa tham gia trại sáng tác thực tế, may mắn được tận mắt chứng kiến quang cảnh quy tập hài cốt liệt sĩ.

Hài cốt bị vùi sâu dưới đất, sau nhiều năm mưa gió, thay đổi địa hình. Bên trong tấm ny-lon là vài chiếc răng, nút áo, một mảnh hộp sọ, mặt thắt lưng hoen gỉ. Còn lại, đã hòa vào đất cát. Người liệt sĩ ấy đã trở về với hành trang nhẹ tênh, mà lòng người sống chợt trĩu nặng, nhói đau! Nhiều thành viên trong đoàn quay mặt đi, không ngăn nổi xúc động.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Tư (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) cất giọng: “Con đã về, mẹ đừng ngồi khuya quá/ Mẹ đừng ngồi vấn tóc mãi trong đêm/ Mẹ ơi! Khói lửa đã tan rồi/ Mẹ ơi chiều nay con về với mẹ/ Con đã về, mẹ có thấy con không?/ Con không chết, và con sống suốt đời mười tám tuổi xuân/ Như buổi chiều chào mẹ con đi...”.

Đợt 1 giai đoạn mùa khô 2019-2020 tại Campuchia, Đội K93 đã tìm kiếm, quy tập hồi hương 30 hài cốt liệt sĩ. Trong nội địa, Đội K93 quy tập được 30 hài cốt. Trong số đó, chỉ có 3 hài cốt xác định được danh tính, số còn lại khuyết danh.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-toi-van-tim-anh-cho-du-noi-dau--a275054.html