Tôi vẫn tin vào lời thề Hippocrates
Mới đây, khi sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 thứ 91, một phi công người Anh, khá lên, tôi thấy có một số người nói giá mà BN người Việt cũng được bác sĩ mình chạy chữa nhiệt tình như vậy. Tôi thấy buồn.
Cách đây hơn 10 năm, đang khỏe mạnh, trọng lượng gần 60 kg, bỗng tôi gầy sút đi rất nhanh, gần 15 kg trong hai năm mà không hiểu vì sao. Số là trước đó, tôi trải qua ba lần tán sỏi ở BV Bình Dân. Mỗi lần tán như vậy mất nhiều máu nhưng đáng nói nhất là kháng sinh liều cao sau đó gây ra viêm, loét dạ dày, tá tràng, đại tràng. Rồi mấy bệnh tiêu hóa trên cũng được các bác sĩ ở bệnh viện nổi tiếng này chữa lành. Nhưng vẫn gầy sút. Những cơn thở dốc và chóng mặt bắt đầu kéo tới.
Nghĩ rằng đó là hậu quả của bệnh viêm xoang mạn tính, tôi đi nội soi và điều trị ở BV Tai - Mũi - Họng. Cái bệnh “đỏng đảnh” này cũng giảm phần nào.
Nhưng vẫn gầy sút và thở dốc. Tôi bèn đi khám lao, khám hai lần, đều cho kết quả âm tính.
Kiểm tra suy nhược, cũng không phải.
Rồi tôi đi khám tổng quát ở BV ĐH Y Dược TP.HCM. Tất cả đều ổn, chỉ có viêm xoang, hang vị viêm nhẹ. “Không thể nào sút hơn 15 kg mà không có lý do. Với các kết quả mà anh cầm trên tay, tôi có thể kết luận là BÌNH THƯỜNG. Nhưng tôi không chấp nhận điều này” - TS-BS Nguyễn Thị Út nói.
- Có khi nào tôi bị K không bác sĩ? - tôi đánh canh bạc ngửa.
- Không, nếu vậy mà lại sút 15 kg trong hơn hai năm thì anh đã không còn ngồi đây. Đừng bi quan như vậy. Vả lại kết quả tầm soát cũng không thể hiện gì.
- Sáng giờ chạy qua chạy lại mệt không anh? - BS Út hỏi.
- Dạ mệt chớ chị, muốn đứt hơi luôn. Tôi thay từ bác sĩ bằng từ chị cho gần gũi.
BS Út bỗng ngồi dịch lại gần tôi, nhẹ nhàng “ra lệnh”: Đưa hai tay ra trước, cho chúng song song nhau, nhìn thẳng về trước. Để yên.
- Tay run quá trời đây nè. Lên cầu thang mệt lắm phải không? - Dạ mệt!
- Nuốt nước miếng có cảm giác vương vướng không? - Dạ có, nhiều khi thấy như viêm họng.
Bác sĩ rút hai tờ giấy, tiếp tục ra lệnh: Chạy nhanh tới chỗ xét nghiệm máu, nói họ sử dụng chỗ máu còn lưu hồi sáng, không phải lấy máu mới, rồi chạy đi siêu âm cổ. Nhanh lên nha. Gần hết giờ rồi đó.
16 giờ 5 phút, cả máu và siêu âm cho kết quả bướu cổ, thể loại cường giáp (Basedow). Tôi lao vào phòng Tổng hợp 5, xìa xấp giấy. Một nụ cười nở trên môi TS Nguyễn Thị Út. Tôi không bao giờ quên được nụ cười mỉm của vị nữ bác sĩ này. Một nụ cười thánh thiện. Một nụ cười lương y đích thực.
Nữ tiến sĩ kết luận ở mục chẩn đoán: Cường giáp, chuyển Khoa nội tiết.
Tôi chạy đến phòng nội tiết và được BS Quỳnh cho thuốc, nhẹ nhàng giải thích chế độ ăn uống thì cũng vừa hết giờ làm việc.
Tôi điều trị ở BV ĐH Y Dược 27 tháng rồi xuất viện, lấy lại được 8 kg. Song bệnh tôi lại tái phát và tôi được giải thích là nằm trong nhóm xác suất 1/3 không thể khỏi hẳn, có khi phải sống chung với Basedow suốt đời.
Dù vậy, tôi vẫn hạnh phúc và xem TS Nguyễn Thị Út là người đã tái sinh ra mình. Làm sao tôi quên được lời yêu cầu đưa tay lên trước mặt, hai cánh tay song song trong một thời gian, rồi “quát” tôi chạy đi thử máu và siêu âm cổ “nhanh đi anh” kẻo hết giờ. Mấy động tác bổ trợ đó đã cứu sống tôi.
Một đời đi khám bệnh, tôi có gặp một vài bác sĩ đáng ghét. Nhưng thử hỏi số lượng bác sĩ đáng ghét chiếm tỉ lệ bao nhiêu? Nên tôi tự hỏi: Tại sao có kẻ đánh, chửi bác sĩ, điều dưỡng, y tá? Không có những người mặc áo trắng ấy, chúng ta sẽ ra sao? Trời đất nào tha những hành vi như vậy?
Còn tôi, tôi vẫn tin vào lời thề Hippocrates!
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/toi-van-tin-vao-loi-the-hippocrates-919631.html