Tôi vay nợ mua chung cư Thảo Điền ở tuổi 30

Những ngày nghỉ ở nhà không có thu nhập, tôi 'toát mồ hôi' tìm cách xoay xở tiền trả ngân hàng.

Những ngày nghỉ ở nhà không có thu nhập, tôi "toát mồ hôi" tìm cách xoay xở tiền trả ngân hàng.

Tôi là Trịnh Kim Điền, sinh năm 1991, một photographer tự do ở TP.HCM. Tháng 4/2021, tôi mua căn hộ 2 phòng ngủ, rộng 65 m2 ở Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) với giá 4,1 tỷ đồng.

Sau 7 năm đi ở thuê ở TP.HCM, tôi rất hạnh phúc vì đã có cho riêng mình một tổ ấm.

Vay nợ 2 tỷ để mua nhà

Tôi là người rất thích ở nhà. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi chỉ thích về nhà nấu nướng, dọn dẹp rồi nghỉ ngơi chứ không muốn ra ngoài ăn uống, tụ tập. Vì vậy, tôi sớm đặt mục tiêu mua được nhà ở TP.HCM.

Với tôi, một chỗ ở ổn định sẽ mang lại giá trị tinh thần, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đơn vị: VNĐ

Sau nhiều năm đi làm cộng với sự giúp đỡ của gia đình, tôi có trong tay khoảng 2,1 tỷ đồng. Tôi dự tính sẽ dùng số tiền và vay thêm ngân hàng khoảng 2 tỷ đồng để mua nhà.

Vạch ra tiêu chí cụ thể để dễ chọn nhà

Tôi chọn mua nhà chung cư thay vì nhà đất. Đầu tiên, tôi rất coi trọng không gian và môi trường sống văn minh, an toàn.

Tôi cũng thích nơi ở phải có nhiều tiện nghi như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, phòng gym, bể bơi.

Dù nghĩ, việc mua nhà đất có thể mang lại hiệu quả đầu tư hơn trong lâu dài, tôi vẫn chọn đáp ứng nhu cầu của bản thân trước.

Khi đi xem nhà, tôi xác định rõ nhu cầu của mình và gạch đầu dòng các tiêu chí:

Ở gần khu vực trung tâm, thuận lợi cho việc di chuyển
Khu dân cư văn minh, nhiều tiện ích
Giá cả nằm trong giới hạn cho phép

Sau khi xác định xong các tiêu chí, tôi khoanh vùng và đi xem rất nhiều các chung cư ở quận 1, quận 2 (cũ) và quận 7. Càng đi xem nhiều, tôi càng có cơ sở để so sánh về chất lượng công trình, sự hoàn thiện về nội thất, các tiện ích...

Ban đầu, tôi đã “chấm" một căn hộ ở quận 7 có giá khoảng 3,7 tỷ. Tuy nhiên, khu vực này chưa hoàn thiện các tiện ích và khuôn viên nội khu.

Đi từ khu vực này đến trung tâm thành phố cũng rất dễ bị kẹt xe, nhất là trong các khung giờ chụp show. Sau khi so sánh, cân nhắc các tiêu chí, tôi đã chọn căn hộ hiện tại vì nó đáp ứng đầy đủ các mong muốn mà tôi đặt ra.

Tôi chọn căn hộ có view nội khu, là căn rẻ nhất trong tòa nhà. Nếu muốn mua căn có view đẹp và thoáng hơn, tôi cần tốn thêm khoảng 500 triệu.

Căn hộ tôi đang ở đã hoàn thiện nội thất cơ bản. Chủ nhà cũ là người khá có gu nên tôi yên tâm là mình có thể dọn vào ở ngay mà không tốn tiền mua sắm, sửa sang quá nhiều sau khi đã gần như rỗng túi vì mua nhà.

Về mặt pháp lý, căn nhà đã có sổ hồng nên tôi khá yên tâm. Thông qua môi giới, tôi nhẹ nhàng được nhiều về mặt giấy tờ và chỉ cần kiểm tra kỹ lại.

2020 là một năm nhiều biến động với sự xuất hiện của Covid-19. Tuy vậy, tôi vẫn có thu nhập ổn định vào khoảng 30 triệu đồng/tháng từ các hợp đồng nhiếp ảnh freelance. Đây là tiền đề để tôi quyết định đi xem và mua nhà vào đầu năm 2021.

Sau khi “chốt đơn" căn hộ có giá 4,1 tỷ đồng, tôi cần vay thêm ngân hàng 2 tỷ đồng.

<

Tôi chọn gói vay từ một ngân hàng trong nước với giá trị 2 tỷ đồng, thời hạn vay là 20 năm. Lãi suất ưu đãi 3 năm đầu là 9%/năm. Sau đó, lãi suất sẽ “thả nổi" và không thấp hơn 10,5%/năm.

Thực ra, một số ngân hàng nước ngoài có mức lãi suất hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, họ cần nhiều hồ sơ chứng minh tài sản cũng như thu nhập ổn định, tôi là lao động tự do nên khá khó được duyệt.

Như vậy mỗi tháng, tôi phải trả khoảng 23 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. Tôi lên kế hoạch sẽ trả nợ trong vòng 5-6 năm bằng hình thức trả trước khi có thu nhập đột xuất.

Ở khoản vay này, ngân hàng sẽ phạt trả trước 0,5-1,5% trong 5 năm đầu. Tôi thấy con số này có lợi hơn so với việc kéo dài thời gian trả nợ.

"Toát mồ hôi" trả nợ trong thời gian dịch bệnh

Gánh nợ để mua nhà hay đi ở thuê rồi dùng tiền để mua đất, đầu tư vẫn là câu hỏi khiến nhiều người phải cân đo, đong đếm. Cá nhân tôi thấy việc mua nhà lợi hơn.

Trước khi mua nhà, tôi phải trả 7,5 triệu đồng/tháng cho việc thuê nhà. Sau 7 năm, tôi đã tốn 630 triệu đồng để thuê nhà.

Hiện tại, mỗi tháng sau khi trả nợ, tôi chỉ còn 7 triệu đồng cho các sinh hoạt cá nhân như ăn uống, đi lại, mua sắm, giải trí. Đây không phải là một khoản chi tiêu thoải mái. Tuy nhiên, tôi cũng xác định mình sẽ sống thắt lưng buộc bụng cho một mục tiêu lớn hơn.

Khi mua nhà, tôi và bạn gái không còn tốn tiền thuê nhà. Tôi còn cho thuê lại 1 phòng ngủ trong căn hộ với giá 6 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống.

Bạn gái cũng hỗ trợ tôi các khoản chi phí như phí chung cư, tiền điện, nước...

Các khoản thu và chi trong một tháng
Đơn vị: VNĐ

Vì đang trả nợ, tôi sẽ suy nghĩ kỹ càng hơn nếu cần nâng cấp máy móc phục vụ cho công việc. Tôi nghĩ mình sẽ chọn phương án đi thuê những thiết bị không dùng quá nhiều để không phải chi một khoản quá lớn cho việc mua sắm.

Tôi nghĩ, việc nợ nần một cách chủ động cũng giúp tôi có động lực để làm việc hơn cho lựa chọn của mình.

Bài toán mua nhà - trả nợ trở nên nan giải khi dịch bệnh diễn biến xấu đi trong năm nay, chỉ 1 tháng sau khi tôi mua nhà. Tôi không thể đi làm và không có thu nhập trong nhiều tháng. Khoản tiền tiết kiệm ít ỏi chỉ đủ để tôi duy trì sinh hoạt cá nhân trong khoảng 6 tháng.

Ban đầu, tôi nghĩ dịch bệnh sẽ sớm được giải quyết và tôi sẽ đi làm trở lại. Tuy nhiên, giãn cách xã hội đã kéo dài trong nhiều tháng.

Đến hạn trả nợ, tôi cũng “toát mồ hôi" xoay tiền khắp nơi. Trong lòng tôi ngập tràn cảm giác căng thẳng, lo lắng khi không thể cáng đáng khoản tiền 23 triệu đồng mỗi tháng.

Cuối cùng, tôi đành nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Trong 4 tháng giãn cách xã hội, họ đã giúp tôi trả nợ tiền mua nhà. Số tiền này tôi dự định sẽ trả lại dần cho bố mẹ khi tình hình tài chính của tôi tốt hơn.

Thực tế, số tiền trả nợ lên đến hơn 60% thu nhập mỗi tháng là một tính toán mạo hiểm. Tuy vậy, gia đình chính là nền tảng vững chắc để tôi an tâm hơn vay tiền mua nhà.

Kinh nghiệm từ giai đoạn khó khăn này, tôi nghĩ chúng ta đều cần tính toán một phương án dự phòng cho những điều xấu nhất có thể xảy ra. Nếu không, bạn dễ dàng rơi vào khủng hoảng khi không thể tìm ra cách xoay xở trước những sự cố bất ngờ.

Sai lầm của tôi là quá tự tin rằng mình đã vững vàng đi qua đợt dịch Covid-19 trong năm 2020 mà không nghĩ rằng dịch bệnh sẽ căng thẳng nhiều hơn trong năm nay.

Hiện tại, công việc của tôi đã bắt đầu khởi sắc trở lại. Tôi hi vọng mình sẽ đảm bảo được thu nhập và tiếp tục trả nợ thuận lợi mỗi tháng.

Mua nhà vẫn là một cột mốc cuộc đời

Theo tôi, mua nhà hay không là lựa chọn mang tính cá nhân. Mỗi người sẽ có cách đầu tư tiền bạc, chấp nhận rủi ro cho những mục tiêu, ý nghĩa khác nhau mà họ hướng đến.

Với tôi, mua nhà và gánh nợ ở tuổi 30 là một cột mốc quý giá đánh dấu sự trưởng thành. Trong những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn không hối hận về quyết định của mình.

Theo tôi, không có công thức chung nào cho việc mua nhà, trả nợ hay đầu tư. Bạn luôn phải cân nhắc nhu cầu của mình và chấp nhận rủi ro cho bất kỳ quyết định nào.

2021 là một năm nhiều khó khăn và nó đã dạy cho tôi cần phải tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn. Dẫu vậy, tôi vẫn tự tin rằng công việc của mình sẽ thuận lợi, phát triển hơn để giúp tôi hoàn thành việc trả nợ theo kế hoạch.

Mai Đăng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-vay-no-mua-chung-cu-thao-dien-o-tuoi-30-post1274613.html