Tôi xin cảm ơn quý thầy cô đã 'đì' con tôi!
Kinh nghiệm của tôi là không bắt con đi học thêm, để cháu tự học ở nhà; chỉ có tự học mới khắc sâu kiến thức, trở nên học sinh giỏi được.
Cuộc họp phụ huynh học kỳ 1 đã kết thúc hơn một tuần nay, thế nhưng từ góc chợ cho đến quán cóc trong xã vẫn râm ran câu nói "bất hủ" của anh N.
Thầy H. luân chuyển về làm hiệu trưởng trường xã đầu năm nay, nghe tiếng con cái anh N. học giỏi, đạt thành tích cấp Quốc gia; đứa con út lại vừa ẵm giải Nhất cấp huyện môn Hóa học cho nhà trường; họp phụ huynh cả trường tại hội trường, thầy H. đã "cao hứng" đề nghị anh N. chia sẻ với phụ huynh kinh nghiệm dạy con.
Sau hai lần khiêm tốn từ chối, trước sự nhiệt tình của "hội trường", N. cầm micro chia sẻ:
"Kính thưa quý thầy cô cùng tập thể phụ huynh, trước tiên thay lời muốn nói, tôi xin gửi đến hội trường bài hát "Người thầy".
Bài hát mang lại cho cả hội trường không khí vui vẻ, thân thiện chưa từng có trong các cuộc họp phụ huynh trước đây.
Sau bài hát anh N. chia sẻ kinh nghiệm "Nhà tôi không phải ai cũng biết, con tôi thi học sinh giỏi đạt nhiều thành tích ai cũng biết; con tôi chỉ tự học, không đi học thêm, rất ít người biết.
Các cháu đi học về, kể chuyện "được" thầy cô giáo dạy toán… hỏi đủ thứ từ trong sách giáo khoa đến … sách tham khảo.
Chính những lần "được" hỏi như thế là "động lực" để cháu tự học. Chính nhờ tự học để trả lời được các câu hỏi khó của thầy cô, kiến thức của cháu vững vàng. Càng vững, cháu lại càng "được" quý thầy cô "quan tâm", nên kiến thức phổ thông cháu rất vững.
Vì thế kinh nghiệm của tôi là không bắt con đi học thêm, để cháu tự học ở nhà; chỉ có tự học mới khắc sâu kiến thức, trở nên học sinh giỏi được.
Các bạn cùng lớp bảo con tôi bị thầy cô "đì" vì không đi học thêm, tôi không nghĩ thế. Nhưng tôi xin cảm ơn quý thầy cô đã "đì" con tôi".
Không đi học thêm, học giỏi cũng là cái tội?
Thật vô lý mà có thật, có giáo viên khi thấy học trò không đi học thêm mình, nhưng học tốt, đã có hành vi không đẹp; họ khắt khe với những học trò này; cố gắng "hỏi xoáy, đáp xoay" để "hạ bệ" những "thần tượng" này của học trò.
Trong bài kiểm tra miệng, họ hỏi học trò kiến thức có thể học vài tháng trước; hỏi sao cho học trò "tịt" mới thôi; tìm mọi cách "mời" học trò đi học thêm mình, nhờ mình mới "giỏi" như thế.
Không đi học thêm sao điểm bài kiểm tra lại cao? Chỉ có thể là "quay cóp" của bạn đi học thêm; họ sẵn sàng dành thời gian soi xét bài của học trò này với bài bạn xung quanh từng "chân tơ, kẽ tóc", chỉ cần có "dấu hiệu" tiêu cực là trừ điểm ngay không thương tiếc!
Họ lại có suy nghĩ "chắc nó đi học giáo viên khác, coi thường mình quá"; cứ thế, họ gây áp lực để buộc học sinh phải đến học lớp mình dạy.
Chính việc gây áp lực đó, không ít học trò đành từ bỏ tự học, đi học thêm cho an thân.
Thực tế, cũng có những học trò "bản lĩnh", vô tư vượt qua tất cả áp lực; không đi học thêm, tự học hoàn toàn, điểm kiểm tra có thể không cao nhưng khi kiểm tra đề chung, đề không phải do giáo viên đứng lớp ra là kết quả rất tốt.
Trong mọi phương pháp học tập, tự học vẫn tốt nhất, bền vững nhất, căn cơ nhất; thành công nhất của giáo viên là giúp học trò tự học, thất bại nhất là kéo học trò đi học thêm.
Đại đa số giáo viên chúng ta rất tốt, sống thanh bạch; nhưng thực tế không ít giáo viên đã, đang tha hóa, thực dụng, tìm mọi cách để ép học sinh đi học thêm; mục đích duy nhất của họ là "dạy thêm để thu tiền".
Cuộc sống chỉ còn lại điều tử tế với mỗi người; với giáo viên, chỉ có thể hạnh phúc khi mình là giáo viên tử tế.
Học trò rồi sẽ trưởng thành, những ký ức "hỏi xoáy, đáp xoay" khó phai mờ trong tâm trí. Sống sao cho lương tâm mình thoải mái, mai này gặp ánh mắt học trò trưởng thành không xấu hổ, mới thực sự hạnh phúc.
Dành cho phụ huynh, học sinh những ký ức vui vẻ mỗi khi nghĩ đến tuổi học trò, mùa xuân của mỗi người, là nhiệm vụ cao cả của các nhà giáo.
Theo Giáo dục Việt Nam