Tôm cá - lắm những khúc quanh!

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt NamKết quả tiêu thụ tôm tháng 8 cho thấy tỷ lệ sụt giảm so với cùng kỳ thu hẹp dần qua các tháng; với tình hình này, có nhiều dự đoán thành quả năm nay xoay quanh mức 85 - 90% so với năm ngoái, đáng chú ý đến hết tháng 8 con số này chỉ đạt khoảng 75%.

Nhận định này là phù hợp, khó lòng tốt hơn bởi lúc này bước vào cao điểm giao hàng, đơn hàng tuy có tăng nhưng không tăng mạnh và nhất là giá cả chưa cải thiện; nguyên nhân, tuy đã vào lúc thấp điểm cung ứng tôm nguyên liệu nhưng kho hàng các nước, nhất là Ecuador, vẫn còn tốt.

Mặt khác, lạm phát chưa có dấu hiệu trở lại bình thường, thậm chí đồng yen đang ở mức thấp kỷ lục (148 yen/USD) trong khi Nhật Bản là thị trường trọng điểm lúc này. Đó cũng là lý do vì sao lúc này tôm nuôi của chúng ta giảm lượng mạnh, nhưng không có tình trạng thiếu nguyên liệu ở các doanh nghiệp chế biến, bởi nhu cầu không cao và còn nguyên liệu dự trữ trong kho.

Khó khăn này ngành tôm chưa rõ thời gian thoát ra thì một khúc quanh mới đầy hiểm trở xuất hiện. Hiện nay tôm nuôi vất vả với bệnh vi bào tử trùng và phân trắng khiến tôm chậm lớn và tỷ lệ thu hồi giảm, nay thêm bệnh nặng hơn. Sự xuất hiện của một biến chủng từ vi khuẩn gây tôm bị hoại tử gan tụy, chết sớm hàng loạt có độc lực mạnh hơn cả nghìn lần khiến tôm 6 - 8 ngày tuổi có thể bị cảm bệnh và dĩ nhiên cũng chết sớm. Tên bệnh này là hậu ấu trùng trong suốt được phát hiện từ Trung Quốc 3 - 4 năm trước và nó đã có mặt ở vùng trọng điểm cung ứng tôm giống của chúng ta. Thách thức này là vật cản lớn nhất, và cái cần nói thêm là cơ quan chức năng vào cuộc còn chậm quá.

So với ngành tôm, ngành cá vướng khó còn nhiều hơn khi mức tiêu thụ so với cùng kỳ chỉ khoảng 2/3 trong 8 tháng năm nay; cá bố mẹ thoái hóa khiến tỷ lệ cá bột, tỷ lệ thu hồi nuôi thấp quá nhưng hệ số thức ăn có xu thế cao vì thời gian nuôi dài hơn do tốc độ cá phát triển không như trước đây. Đây là nút thắt cổ chai các doanh nghiệp cá phản ánh thời gian dài, cần cơ quan chức năng hỗ trợ.

Đầu tháng 9, một khúc quanh đi lên sáng sủa xuất hiện ở ngành cá. Đợt xem xét hành chính lần thứ 19, mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cá tra cho hai bị đơn bắt buộc là 0% (Vĩnh Hoàn) và 0,14 USD/kg (Caseamex). Một số doanh nghiệp là bị đơn tự nguyện theo mức thuế 0,14 USD/kg. Như vậy, đầu mối doanh nghiệp bán cá vào Hoa Kỳ tăng lên và chi phí có phần nhẹ thở hơn so với lúc trước. Điểm tích cực, rất đáng khen ở đây là hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đã chuẩn bị hồ sơ sổ sách rất tốt để nỗ lực vượt qua khó khăn đang diễn ra. Điểm phân vân là còn doanh nghiệp chưa tự tin, vẫn chấp nhận thương lượng đình chỉ vụ kiện hàng năm để hưởng mức thuế thấp, nhưng chi phí bên lề là con số không nhỏ.

Một điểm cũng đáng chú ý là trong văn bản ký kết quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ vừa ký có ghi phía Mỹ sẽ sớm xem xét quy chế kinh tế thị trường cho nước ta. Nếu điều đó được thực hiện sớm, việc xem xét kết thúc vụ kiện chống bán phá giá con tôm và cá tra của chúng ta sẽ có nền tảng, căn cứ vững vàng hơn.

Chu kỳ hoạt động từng lĩnh vực cơ bản có hình sin, nhưng tốt nhất xu thế là hình sin đi lên, và trong chừng mực có thể đi xuống tạm thời. Chúng ta có lòng tin, khúc quanh khó khăn con tôm con cá đang vướng chỉ là tạm thời, có hạn. Tuy nhiên, lúc nào vượt qua, dù bị chi phối không nhỏ từ môi trường bên ngoài nhưng sự chủ động của các doanh nhân thủy sản sẽ tạo yếu tố tích cực không nhỏ, sớm xoay chuyển tình hình. Chúng ta có lòng tin vào bản lĩnh giới doanh nhân thủy sản đã từng vượt qua nhiều thách thức còn lớn hơn hôm nay.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tom-ca-lam-nhung-khuc-quanh--i343768/