Tôm cá tìm về biển Kê Gà, Cây Găng
Có thời điểm, hàng trăm ngư dân làng biển Kê Gà, Cây Găng treo lưới, bán thúng vì biển vắng bóng tôm cá. Nhưng nay, vung lưới là có tôm cá, có đêm thu về cả trăm triệu đồng
Làng biển thôn Cây Găng (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) nằm dưới chân ngọn hải đăng Kê Gà - một trong những ngọn hải đăng xưa và cao nhất cả nước. Những ngày cuối tháng 8-2023, bờ biển nơi đây nhộn nhịp ghe thúng vào chính vụ cá Nam.
"Vung lưới là hái ra tiền"
Cùng vợ và em trai kéo chiếc thúng chai chở hơn 3 tạ mực ống còn lấp lánh mi nơ sau nửa đêm quăng lưới, anh Hùng nói: "Lúc trước, một đêm cặp thúng hai người đi kiếm 500.000 đồng là đỏ cả mắt. Vậy mà liên tiếp 2 tháng vừa rồi, có nhiều chuyến tui kiếm được 3 triệu đồng hoặc 5 triệu đồng. Hôm trước, có ghe lưới cá mực ở xã bên lên đây kiếm được hơn một trăm triệu đồng". Anh Hùng cười rồi nhắc lại câu "cả trăm triệu đồng" hai, ba lần nữa, vì sợ chúng tôi nghe nhầm.
Những tia nắng đầu ngày vừa ló dạng, vươn lên khỏi hải đăng Kê Gà. Hàng trăm thuyền thúng của ngư dân thôn Cây Găng, thôn Kê Gà và vùng lân cận bắt đầu vào bờ bán sản phẩm. Những vất vả, cực nhọc của đêm trắng bám biển được bù đắp bằng niềm vui cá, tôm đầy thúng.
Phải nhìn nhận từ sau khi mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản đưa vào triển khai, làng biển nơi đây hồi sinh mạnh mẽ. Nhiều người trước đây treo lưới, bán thúng vì hải sản cạn kiệt, nay đã trở lại với nghề, với những chuyến đi biển ắp ụ cá tôm.
Dưới biển, hàng chục loài cá, tôm đã quay trở lại các cụm chà (các bãi rạn nhân tạo) được Hội Cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tân Thành thả xuống.
"Cá bây giờ trú ngụ nhiều lắm. Trước đây, hải sản có giá trị cao biến mất. Giờ thì mực ống, tôm, ghẹ, vẹm…, thậm chí cả tôm hùm, đã trở lại" - ông Phan Văn Ba (Ba Linh), Hội trưởng Hội Cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tân Thành, nói.
Ông Ba Linh gắn bó với biển Cây Găng từ năm 16 - 17 tuổi. Lúc ấy, ông kể bãi biển hoang sơ, cá tôm nhảy đầy lên bờ. Rồi một thời nguồn hải sản cạn kiệt, ông nghỉ biển và giao lại cơ nghiệp cho người con trai. Đến nay, 60 tuổi đời, trải qua nhiều thăng trầm, ông mới thấy nhiều loài hải sản quay về. Trong đó, lần đầu tiên kể từ năm 1976, tôm bạc, loại có giá trị kinh tế cao, đã xuất hiện trở lại.
"Từ sau khi thả chà đến nay, giờ 10 người là đi biển trở lại hết cả 10 rồi. Nguồn lợi thủy sản quá nhiều. Như con cá cơm trắng rất ít khi đánh bắt được nhưng nay lưới vây đánh chỉ 150-200 m thôi mà có thể thu được 10 tấn. Ít cũng được 5-7 tấn" - hớp hết chén trà, ông Ba Linh hồ hởi kể tiếp câu chuyện làng biển hồi sinh mạnh mẽ.
Hòa chung niềm vui được mùa khai thác của ngư dân Tân Thành, những ngày qua, các thành viên Hội Cộng đồng quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) cũng hết sức phấn khởi khi khám phá ra ở đáy biển sò lông sinh sản rất nhiều.
Đầu năm 2023, hội được Chi cục Thủy sản Bình Thuận hỗ trợ thêm 11 cụm chà thả xuống biển, nâng tổng số cụm chà đã thả lên gần 30 cái. Các bãi rạn nhân tạo ngày một nhiều, thu hút những loài nhuyễn thể 2 mảnh về cư ngụ, trong đó nhiều nhất là sò lông và sò móng tay.
Nặng lòng với biển
Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2000 đến 2015, khi khảo sát nhiều khu vực biển tại đây, trong phạm vi 100 m² không còn bất cứ con gì, bởi nạn khai thác kiểu hủy diệt.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết bờ biển Bình Thuận dài 192 km nhưng lực lượng kiểm ngư chỉ có 3 tàu tuần tra cũ kỹ, tốc độ 7 hải lý/giờ, chỉ bằng một nửa tốc độ tàu đánh cá nên khi tàu kiểm ngư đến thì tàu vi phạm đã chạy mất.
"Nhiều lão ngư lúc đó phản ánh với tôi, thậm chí chửi, vì cho rằng chúng tôi giữ biển kiểu đó thì con cháu lấy gì mà ăn. Sau đó, họ đề nghị được giao biển để tự giữ" - ông Huy chia sẻ ý tưởng trao quyền cho cộng đồng ngư dân tự khai thác, tự bảo vệ bãi biển.
Để có được những mùa biển bội thu như hôm nay, công đầu phải kể đến là Hội Cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Huy kể những buổi đầu gặp gỡ ngư dân, họ ngờ vực tính khả thi của dự án. "Tôi xuống gặp dân, bỏ ra 30 buổi ngồi cà phê, ngược xuôi nhiều ngày mới thuyết phục được 5 người theo tôi làm dự án. Rồi từ 5 người đó mới phát triển thành 10 người rồi thành lập ban vận động hình thành cộng đồng. Sau đó là rất nhiều văn bản, hướng dẫn, phản biện cả cấp huyện và cấp tỉnh nữa, chúng tôi mới được thí điểm làm mô hình này" - ông Huy nhớ lại.
Ông Ba Linh là người đi đầu trong vận động bà con tham gia mô hình này, kể về những khó khăn ban đầu: "Họ lấy đá ném vào nhà tui 2 lần. Rồi ở ngoài đường gặp đâu là họ chửi đó, nói rằng tụi tui thả cụm chà xuống khiến họ quăng lưới bị rách, cản trở thúng ra vào".
Chỉ tay về phía mô đất sau nhà, ông Ba Linh cho biết những ngày đầu khi tiếp nhận tài liệu kỹ thuật làm cụm chà, ông và các thành viên trong hội xin phép UBND xã, rồi từng người lên mô đất cao để chuyển đá lên xe. Khi chuyển đá, rọ sắt ra vùng biển cách bờ 4-5 hải lý, không có sà lan để chuyển, nên từng thành viên trong hội phải vận động ngư dân chuyển thúng máy đến, rồi chở ra biển thả xuống làm bãi rạn cho cá. Cứ thế, họ kiên trì chuyển lần từng đợt, trong nhiều ngày, cho đến khi cụm chà hoàn chỉnh.
"Vận chuyển đá, rọ ra biển xong, tụi anh phải giữ rọ cho đúng vị trí, giữ thăng bằng, không bị sóng đánh úp để khiêng từng cục đá một thả xuống biển. Đến khi xong thì tiếp tục cử thợ lặn xuống xem đá đã vào rọ và cố định chưa, mới yên tâm" - ông Ba Linh kể lại những ngày kỳ công làm cụm chà tạo nơi trú ngụ cho cá.
Sau nhiều khó khăn, Hội Cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tân Thành ra đời vào tháng 4-2018, với 30 thành viên. Điều đặc biệt, 20 người trong số này khi mới thành lập đã không còn đi biển, nhưng họ vẫn tham gia dự án mà không nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Đây đều là những lão ngư nhiều kinh nghiệm.
"Chúng tôi không còn hưởng lợi gì từ biển, vì ai cũng già rồi. Nhưng quan trọng là để lại một vùng biển có cá, có tôm đủ đầy cho con cháu" - ông Dũng, một thành viên trong hội, chia sẻ.
Từ sau khi dự án cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản triển khai, cá tôm về trú ngụ, làng trên xóm dưới ở vùng biển Tân Thành đều đã mua sắm ghe trở lại. Tiếng máy thúng, tiếng gọi nhau giữa khuya mỗi khi phát hiện đàn cá, vang cả một vùng.
Từ đôi ba mươi hộ còn làm nghề, giờ vùng biển Kê Gà, Cây Găng tấp nập ghe thúng. Lúc cao điểm lên cả ngàn. Tiếng lành đồn xa, không chỉ ngư dân địa phương mà nhiều thúng, ghe từ các vùng khác cũng tìm đến khai thác. Những người trước đây phản đối dự án, ném đá vào nhà ông Ba Linh, chửi bới các thành viên của hội cộng đồng nay đã có cái nhìn hoàn toàn khác. Nhiều người xin vào hội và tình nguyện giữ các cụm chà như giữ tài sản của mình.
"Ngư dân ăn sóng nói gió quen rồi, có đi đâu, làm gì rồi cũng nhớ biển mà quay lại" - anh Ngọc, ngư dân chuyên đi thúng rê, chia sẻ.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo ông Huỳnh Quang Huy, sau 3 năm triển khai dự án, số lượng giã cào bay xâm phạm sai tuyến giảm 90%. Giã cào bay đi sát bờ biển, cào sát biển thì không còn con gì sống hết. Nay thì mỗi mét vuông đã có 462 loài hải sản. Bình Thuận đã triển khai được tổng cộng 5 mô hình cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại 2 huyện Hàm Thuận Nam, Tuy Phong.
Bên cạnh phục hồi nguồn lợi thủy sản, cái được rất lớn nữa từ mô hình này là góp phần thay đổi nhận thức của ngư dân, giúp họ hiểu được cách làm cộng đồng, đứng ra bảo vệ vùng biển của chính mình để khai thác. Diện tích mặt biển 43 km² của huyện Hàm Thuận Nam hiện đã được phủ kín 3 mô hình đồng quản lý bờ biển.
Từ thí điểm thành công, mô hình đã được luật hóa trong Luật Thủy sản, với quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hướng dẫn để thực hiện.
Tuy vậy, để mô hình phát triển bền vững, hồi sinh thêm nhiều làng biển, theo ông Huy thì rất cần có những chính sách hỗ trợ người tham gia mô hình. Đến nay, tất cả những người tham gia chưa có sự hỗ trợ nào chính thống. Việc hướng dẫn cho bà con ngư dân cũng chưa được giao cụ thể cho đơn vị nào.
"Phải quy định chức danh và cơ chế để duy trì mô hình này" - ông Huy nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tom-ca-tim-ve-bien-ke-ga-cay-gang-20230909213544291.htm