Tốn hơn một tấn máu giả để tạo nên xác sống rùng rợn trong 'Kingdom'

Chuyên gia hóa trang Hwang Hyo Kyun và nhóm cộng sự tốn hơn một tấn máu giả, hóa trang cho 3.000 người đóng zombie trong suốt 5 tháng.

Hwang Hyo Kyun là chuyên gia hóa trang hàng đầu Hàn Quốc, người đứng đầu Technical ART Studio CELL, công ty sản xuất hiệu ứng đặc biệt và trang điểm. Danh tiếng của anh bắt đầu vượt ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung khi được biết tới là người đứng sau thành công về mặt hình ảnh của series ăn khách Kingdom (Vương triều xác sống).

Ngoài Kingdom, Hwang Hyo Kyun còn là "bàn tay phù thủy" từng tạo nên những hình ảnh độc đáo, tinh xảo đến từng chi tiết trong những bom tấn điện ảnh hàng đầu Hàn Quốc như Train To Busan, Alive, Okja, Peninsula, Parasite, Sweet Home...

 Hwang Hyo Kyun là chuyên gia tạo hình cho phim Kingdom (Vương triều xác sống). Ảnh: CNN.

Hwang Hyo Kyun là chuyên gia tạo hình cho phim Kingdom (Vương triều xác sống). Ảnh: CNN.

Zombie trong Kingdom được tạo nên như thế nào?

Theo bài đăng của CNN, Hwang Hyo Kyun và nhóm nhân viên của Technical ART Studio CELL đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra hình mẫu zombie riêng của Hàn Quốc, không lẫn lộn với bất kỳ tác phẩm Âu Mỹ nào. Với Kingdom - một tác phẩm được đặt trong bối cảnh cổ đại, Hwang đặc biệt chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt liên quan đến đời sống, bối cảnh lịch sử.

Chẳng hạn, theo lý giải của Hwang Hyo Kyun, thây ma hoặc xác sống của người dân bình thường phải có làn da sẫm màu hơn, vì họ phải lao động ngoài trời nắng trước khi chết. Trong khi đó, nhà vua và cung nữ vốn ở trong nhà nhiều, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nên da trắng sáng hơn.

Chuyên gia người Hàn cho biết nhóm của anh đã thử nghiệm đa dạng kiểu dáng và phong cách hóa trang cho loạt zombie trong phim, rất nhiều mẫu thử nghiệm không được đưa vào phim. “Có một thây ma đã chết vào mùa đông, chúng tôi đã thử sơn màu đen vào đầu mũi và tai để khiến người xem nhận ra người này bị chết cóng. Nhưng cuối cùng, trông thây ma ấy lại quá hài hước, không chân thực", Hwang chia sẻ.

Hwang Hyo Kyun tiết lộ anh là người theo đuổi sự hoàn hảo. Đối với anh, vẻ đẹp nằm trong những chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn vết máu quanh miệng zombie, hay những hạt giống cây phục sinh dính trên phần lợi của chúng.

Hwang trả lời CNN: “Chúng tôi đã làm răng giả rồi dán từng hạt giống (cây phục sinh) lên phần răng và lợi ở ngay trên phim trường. Trong mỗi cảnh quay zombie há to miệng để tấn công người, khán giả chỉ cần nhìn kỹ sẽ thấy hạt giống. Nhưng cũng có thể khán giả không thấy quá rõ qua những thước quay, dẫu đạo diễn đã tập trung mô tả từng chi tiết nhỏ nhất về hình dáng của zombie rồi".

Ê-kíp của Hwang đã hóa trang cho khoảng 3.000 người đóng vai zombie, dùng hơn một tấn máu giả. Ảnh: CNN.

Ê-kíp của Hwang đã hóa trang cho khoảng 3.000 người đóng vai zombie, dùng hơn một tấn máu giả. Ảnh: CNN.

Quy trình hóa trang cho các diễn viên đóng vai zombie kéo dài khoảng 1 giờ đối với các thây ma bình thường, và khoảng 3 giờ đồng hồ với những nhân vật cần được quay cận cảnh chi tiết như nhà vua. Để "biến hình" cho nhân vật vị vua, ê-kíp phải huy động tới 10 chuyên viên hóa trang.

Tổng số zombie được hóa trang trong các phần phim đã ra mắt là khoảng 3.000 người, sử dụng hơn một tấn máu giả. Hwang Hyo Kyun ước tính trung bình ê-kíp của anh đã hóa trang cho khoảng 100-150 người mỗi ngày, trong thời gian 150 ngày (5 tháng) ghi hình.

"Có 2-3 người xử lý màu da, trong khi một số khác phụ trách dán da giả và vết thương. Một số lại chuyên vẽ tĩnh mạch, người khác đeo kính sát tròng và chỉnh sửa chi tiết phụ", Hwang Hyo Kyun mô tả cách làm việc theo dây chuyền sản xuất anh đặt ra cho ê-kíp. Đây là cách nhanh nhất để hoàn thành công việc hóa trang cho lượng lớn diễn viên trên phim trường.

Vượt ra khỏi xác sống

Không chỉ là Kingdom hay Train to Busan - những tác phẩm lấy chủ đề zombie, xác sống, tài năng của Hwang Hyo Kyun đã ghi dấu ấn đậm nét trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc suốt hai thập kỷ qua, với nhiều thể loại phim và các kiểu tạo hình cho phim, từ làm hình nộm, chế tạo đạo cụ, đến vẽ tranh hoạt hình.

Tư duy và ẩn ý trong sáng tạo nghệ thuật của Hwang Hyo Kyun cùng cộng sự không phải lúc nào cũng "rành rành" trên màn ảnh. Đôi khi, khán giả phải nhìn toàn cảnh và suy ngẫm để nhận ra tác phẩm của Hwang đóng vai trò gì. Chẳng hạn, trong Parasite, nhóm đã chú ý và nhấn mạnh vào hình ảnh quả đào ngay từ đầu, chú ý đến từng chi tiết như lông tơ trên mặt trái đào, để máy quay dễ ghi hình cận cảnh và làm nổi bật tính biểu tượng của trái đào trong phim.

 Chuyên gia người Hàn đã từ bỏ ước mơ gia nhập Hollywood khi các tác phẩm của anh bắt đầu phổ biến toàn cầu. Ảnh: CNN.

Chuyên gia người Hàn đã từ bỏ ước mơ gia nhập Hollywood khi các tác phẩm của anh bắt đầu phổ biến toàn cầu. Ảnh: CNN.

Năm 2008, Hwang Hyo Kyun tham gia tạo hình cho phim The Good, The Bad, The Weird. Hwang cho biết nhóm của anh đã tạo nên những chú ngựa đồ họa đầu tiên ở Hàn Quốc, diễn viên ngồi trên mô hình giả ngựa và diễn xuất, thay vì cưỡi trên những chú ngựa thật. Mục đích của việc trên nhằm giảm thiểu áp lực đặt lên động vật khi quay phim, đồng thời cũng giữ an toàn cho diễn viên. "Tôi tự hào vì có thể góp phần tạo nên môi trường quay phim an toàn hơn bằng cách phát triển công nghệ đồ họa".

Trong phim kinh dị Sweet Home, ê-kíp sản xuất đã kết hợp những sáng tạo của Technical ART Studio CELL với công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng kỹ thuật máy tính để tạo ra loạt cảnh quái vật tàn phá thế giới.

Hwang nói: “Chúng tôi phải tạo ra những sinh vật với chiếc xúc tu khổng lồ mà chúng tôi chưa từng thấy ở Hàn Quốc. Chúng tôi tự hỏi làm sao làm được đây, công nghệ đồ họa mô phỏng có giải quyết được vấn đề không? Cuối cùng, khi xem lại thành phẩm, chúng tôi làm được những điều mình từng nghi ngờ bản thân làm không nổi. Cảm giác lúc đó thật tự hào".

Tuy nhiên, khi công nghệ hình ảnh và màn chiếu ngày càng phát triển, phim ảnh có độ phân giải ngày càng cao, Hwang lại gặp nhiều áp lực hơn. Theo anh, hình ảnh ngày càng nét, tức là những sai lầm, dù là nhỏ nhất, của anh cũng ngày càng dễ bị nhìn thấy một cách rõ ràng. "Nếu khán giả phát hiện ra đồ hóa trang, hoặc nhận ra chi tiết hóa trang quá giả, họ sẽ mất tập trung trong suốt phần thời gian còn lại của tác phẩm. Do đó, chúng tôi có gánh nặng phải làm mọi thứ thật hoàn hảo", anh chia sẻ.

Hwang từng mơ ước được đặt chân tới Hollywood, gây dựng sự nghiệp ở kinh đô điện ảnh này. Nhưng, với tầm phủ sóng toàn cầu của các dự án Hàn Quốc mà anh đã và đang tham gia, giấc mơ của Hwang Hyo Kyun đã thay đổi.

"Bây giờ, tôi có thể vui vẻ kể với đồng nghiệp rằng tôi đã tham gia nhóm trang điểm hiệu ứng đặc biệt cho Train to Busan và Kingdom đấy. Nhờ những bộ phim như thế, tôi không cần phải đến Hollywood để được làm việc và lan tỏa sáng tạo của mình nữa. Thành tựu ngày nay như phần thưởng với tôi rồi", Hwang Hyo Kyun tâm sự.

 Những chú ngựa trong The Good, The Bad, The Weird được tạo nên từ công nghệ đồ họa.

Những chú ngựa trong The Good, The Bad, The Weird được tạo nên từ công nghệ đồ họa.

Nghiêm Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ton-hon-mot-tan-mau-gia-de-tao-nen-xac-song-rung-ron-trong-kingdom-post1242880.html