Tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa
Di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Việc gìn giữ, phát huy giá trị các di tích là hoạt động luôn được quan tâm, chú trọng.
Xã hội hóa đầu tư, tôn tạo các di tích
Giữa nắng hè như “đổ lửa”, hàng cây trên đường vào DTLS Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt vẫn xanh tươi, nở hoa rực rỡ. Công trình xây dựng DTLS Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt giai đoạn 2 đang ở những bước cuối cùng. Ngoài các công trình triển khai trong giai đoạn 1, di tích tiếp tục được đầu tư xây dựng cảnh quan phần mở rộng với nhiều hạng mục: Cây xanh, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, sa bàn các trận đánh,.... với tổng kinh phí hơn 54 tỉ đồng. Ngoài ra, di tích còn được lắp đặt hệ thống camera giám sát, hệ thống loa gắn tường và kết nối wifi miễn phí dành cho du khách. Vùng kháng chiến xưa, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, cũng là biểu trưng của tinh thần “vị quốc vong thân” ngày nay được đầu tư quy mô, trang nghiêm và bề thế, giúp thế hệ sau có thể hiểu rõ, tự hào và tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân.
Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An - Trần Bình Nhiên cho biết: “DTLS Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt hiện là một trong những "địa chỉ đỏ" nổi bật, điểm đến thu hút trên địa bàn huyện. Bên cạnh các đoàn khách tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống dành cho học sinh, thanh niên thì thân nhân, gia đình các liệt sĩ hy sinh trên tuyến biên giới và người dân từ khắp nơi cũng đến khu di tích ngày càng nhiều hơn. Năm 2023, huyện đón khoảng 22.000 lượt khách, chủ yếu tập trung vào Lễ hội Rằm tháng Giêng tại di tích chùa Cổ Sơn, lễ kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại DTLS Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt”.
Để có được kết quả đó, Đảng bộ, các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành Văn hóa huyện Vĩnh Hưng luôn chú trọng công tác quản lý, bảo tồn DTLS-VH trên địa bàn huyện, đặc biệt là xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các khu di tích. Chỉ tính riêng DTLS Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt, tổng kinh phí đầu tư 2 giai đoạn lên đến hơn 100 tỉ đồng, trong đó có khoảng 50% từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, huyện còn vận động kinh phí tu bổ khu di tích văn hóa chùa Cổ Sơn và hoàn chỉnh xây dựng công trình nhà truyền thống Tiểu đoàn 504 trong khuôn viên DTLS Gò Ông Lẹt.
Việc trùng tu, tôn tạo các khu DTLS-VH được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Tại huyện Cần Đước, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, DTLS trên địa bàn huyện luôn được quan tâm thực hiện tốt; đồng thời, huy động nhiều nguồn lực trong xã hội cùng tham gia.
Huyện Cần Đước là một trong những địa phương thực hiện tốt việc giữ gìn nguyên vẹn, đầy đủ các di tích được xếp hạng, không để xuống cấp, tổn thất. Công tác tu bổ, phục hồi, tôn tạo DTLS-VH trên địa bàn huyện được triển khai, thực hiện thường xuyên, liên tục theo đúng quy định. Trong đó, có thể kể đến công trình trùng tu, tôn tạo đình Vạn Phước năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng, làm “nức lòng” người dân địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Vui (Ban Hội hương đình Vạn Phước) chia sẻ: “Được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ, vận động kinh phí trùng tu, xây dựng đình, Ban Hội hương đình và người dân trong vùng ai cũng mừng vui. Hàng năm, nhân lễ Kỳ yên, tại đình đều có giao lưu đờn ca tài tử, nhiều tỉnh, thành tụ họp về đây. Có mái đình khang trang để tổ chức chương trình và đón tiếp bạn bè khắp nơi, chúng tôi vừa vui, vừa tự hào về quê hương mình”.
Thông tin từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Đước, huyện tiếp tục đề xuất xin một phần kinh phí trùng tu, sửa chữa các DTLS-VH khác trên địa bàn: Ngã tư Rạch Kiến, Nhà Trăm Cột, Chùa Phước Lâm,...
Theo đánh giá của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đa số các di tích trên địa bàn tỉnh được quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống và tham quan du lịch. Một số địa phương chủ động làm tốt công tác xã hội hóa, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong việc trùng tu, xây dựng (chủ yếu là cải tạo, sửa chữa nhỏ như xây nhà trưng bày; bia, đài tưởng niệm; làm tường rào, cổng chào; cải tạo cảnh quan môi trường;...).
Hiện toàn tỉnh có 125 DTLS-VH, trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia và 104 di tích cấp tỉnh; 3 công trình văn hóa. Đa số di tích được quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống và tham quan du lịch. Một số địa phương đã chủ động làm tốt công tác xã hội hóa, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong việc trùng tu, tôn tạo các DTLS-VH.
Hướng đến phát triển du lịch
Các địa phương trong tỉnh vẫn đang phát huy tốt giá trị các DTLS-VH. Một số di tích tiêu biểu trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút người dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, một số di tích bước đầu gắn kết với hoạt động du lịch, phát huy các giá trị truyền thống qua lễ hội tại các di tích như Lễ hội Rằm tháng Giêng tại chùa Cổ Sơn; Lễ kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại DTLS Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng); Lễ Kỳ yên đình Vạn Phước và Giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ tại đình Vạn Phước (huyện Cần Đước); Lễ kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ);...
Tại huyện Cần Đước, việc phát triển du lịch gắn với các DTLS-VH được chú trọng từ nhiều năm trước. Các tour, tuyến du lịch đang khai thác đều gắn liền với một số DTLS-VH nổi bật: Nhà Trăm Cột, Đồn Rạch Cát, Đình Vạn Phước,... Ngoài đội ngũ hướng dẫn viên tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện, một số di tích trên địa bàn huyện còn có hướng dẫn viên được du khách đánh giá cao: Nhà Trăm Cột, Chùa Phước Lâm,... Điều đó tạo nên điểm nhấn, nét đặc trưng thu hút du khách. Chỉ trong quí I-2024, huyện Cần Đước đón khoảng 1.500 lượt khách đến tham quan tại các khu DTLS-VH trên địa bàn.
Từ tháng 11/2023, khi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu các địa phương quan tâm “nâng tầm” các DTLS-VH trong phát triển du lịch; đồng thời, đẩy mạnh giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương cho học sinh thông qua việc tham quan, tìm hiểu lịch sử tại các khu DTLS-VH trên địa bàn tỉnh, các địa phương càng quan tâm hơn đến việc phát triển du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các DTLS-VH.
Tại huyện Vĩnh Hưng, bên cạnh việc tập trung trùng tu, tôn tạo các khu DTLS-VH, địa phương còn chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, bảo đảm đường đến di tích luôn thông thoáng, thuận tiện. Công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao chất lượng dịch vụ, ẩm thực, vệ sinh an toàn thực phẩm,... cũng được chú trọng và thực hiện thường xuyên.
Việc trùng tu, phát huy giá trị các DTLS-VH ngày càng được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó là các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh, thu hút du khách đến tham quan, vừa góp phần giáo dục truyền thống, vừa tạo tiền đề cho việc phát huy giá trị DTLS-VH gắn với phát triển du lịch./.