Tôn trọng Nhân dân trong lập quy hoạch

Theo dõi phiên họp sáng qua, 30.5 của Quốc hội về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay, cử tri và Nhân dân đánh giá cao chất lượng báo cáo giám sát tối cao và ý kiến thảo luận của các ĐBQH. Cuộc giám sát tối cao công phu, đổi mới từ việc lựa chọn trúng chuyên đề đến cách thức tiến hành; các ý kiến thảo luận sâu sắc, tâm huyết của ĐBQH về nhiều vấn đề người dân đang rất quan tâm. Cử tri cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, nhất là bảo đảm việc công khai, lấy ý kiến thực chất, tôn trọng Nhân dân trong lập quy hoạch.

Công khai, lấy ý kiến thực chất

Nhiều cử tri và Nhân dân rất quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; công tác quy hoạch đang phục vụ gì cho cuộc sống của Nhân dân, có gây khó khăn gì không cho các quan hệ dân sự của dân; Nhân dân tham gia góp ý xây dựng, giám sát việc thực hiện quy hoạch như thế nào… Tuy nhiên, những vấn đề quan tâm trên thường chưa được đáp ứng thỏa đáng, sâu rộng. Nhấn mạnh thực trạng này và qua theo dõi phiên thảo luận, cử tri Nguyễn Vân Hậu, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng cho rằng: Ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu, nhất là ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) khi viện dẫn số liệu điều tra khảo sát hiệu quả quản trị hành chính cấp tỉnh của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam rất xác đáng, cho thấy còn quá ít người dân biết đến cũng như ít có cơ hội tham gia góp ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú. Cử tri cũng rất tán đồng với các ý kiến phát biểu của các ĐBQH khác cho rằng cần có chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, công khai chưa đúng đối tượng, thời hạn quy định.

ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Hồ Long

Ở góc nhìn khác, cử tri Lê Văn Tam - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An thẳng thắn chia sẻ: “Nói đến quy hoạch, nói thật cử tri và Nhân dân nông thôn như chúng tôi quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không hiểu đâu. Toàn là nghe nói ruộng sẽ bị thu hồi cho dự án này, công trình nọ, ngành chức năng về kê biên thì biết là có quy hoạch này nọ. Nói thật với o (cô), niêm yết thì có ở trụ sở UBND xã, rồi cũng có cán bộ về tuyên truyền ở nhà văn hóa nhưng mà nói qua loa, nhìn bản vẽ dân hoa mắt cò hiểu chi mô (không hiểu gì). Nên theo tui, nói như Bác Hồ nạ, về tuyên truyền với dân thì nên sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu. Đặc biệt là cái ông quy hoạch ni (này) là phải lấy ý kiến tận Nhân dân cho rõ ràng, cụ thể chơ tui (tôi) thấy vẫn còn hình thức, dán nơi trụ sở UBND, không có chuyên môn mần răng mà dân hiểu được. Một bộ phận người dân lâu nay cũng không mấy quan tâm đến quy hoạch, chỉ khi động đến đất đai, ruộng nương trong diện phải thu hồi vì vướng quy hoạch thì mới “ô chạ” (vỡ lẽ).

Tuy nhiên, đợt sốt đất vừa rồi, kéo theo những thay đổi của thị trường cũng như trình độ dân trí cao hơn nên tui (tôi) nghĩ cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến Nhân dân trong vấn đề này, tránh những hệ lụy về sau, đặc biệt là bảo đảm dân chủ, minh bạch”, cử tri bày tỏ.

Chung ý kiến với cử tri Lê Văn Tam nhưng cử tri Nguyễn Trọng Chín, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh lại có cách nhìn sâu sắc hơn với vấn đề quy hoạch: Trước đây, nói đến quy hoạch ngay cả cán bộ cơ sở còn mơ hồ huống chi cử tri và người dân thường. Thực tế, công tác thông tin tuyên truyền pháp luật về lập, xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thông qua, công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch... còn rất hạn chế. Có những đồ án quy hoạch lấy ý kiến dân một cách cho có lệ hoặc chỉ lấy ý kiến trong phạm vi hẹp. “Tôi rất tán đồng với ý kiến phát biểu củaĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh):Đối với quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết có lợi ích liên quan trực tiếp đến người dân thì cần phải lấy ý kiến rộng rãi của những người có liên quan chứ không chỉ là đại diện tổ dân phố, đề nghị Quốc hội xem xét, đưa vào nội dung quyết sách sau giám sát”, cử tri tâm đắc.

“Dán nơi trụ sở rồi lên loa, a lô cho dân đến mà xem hay là đăng tải trên mạng internet các dự thảo và làm một thông báo nói dân vào khai thác để xem, góp ý” quả thực không hiệu quả. Việc tổ chức hội nghị để góp ý chủ yếu cán bộ và đại cử tri. Báo cáo viên nói “như hát hay”, cử tri không hiểu gì cả nên theo tôi cần đổi mới cách thức tuyên truyền, lấy ý kiến Nhân dân vào các nội dung quy hoạch, nhất là quy hoạch đất đai. Theo đó, ngoài tận dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, chính quyền nên phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, các hội, lồng ghép với việc sinh hoạt để lấy ý kiến. Khi lấy ý kiến người dân, nên chuẩn bị nội dung dễ hiểu, dễ tiếp cận để người dân hiểu, tránh dùng ngôn ngữ chuyên ngành. Riêng với đảng viên, có thể thông qua sinh hoạt chi bộ. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch cho dân, cần “nối dài cánh tay” từ mỗi cấp để tới người dân, nói cho dân biết là vùng này, vùng kia quy hoạch thế này, thế kia - cử tri Lê Vân, thành phố Quy Nhơn, Bình Định bày tỏ.

Quy hoạch tích hợp từ trên xuống

Một thực trạng khá nhiều ĐBQH bàn thảo tại phiên thảo luận hôm qua của Quốc hội đó chính là vấn đề bất cập trong thủ tục hành chính lĩnh vực quy hoạch; quy hoạch không phù hợp giữa vùng, ngành, tỉnh, quy hoạch chung với quy hoạch địa phương; lựa chọn nhà đầu tư (tư vấn) khi lập quy hoạch, như ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Tạo, ĐBQH Nam Định Nguyễn Hải Dũng.

“Tôi tâm đắc với ý kiến của nữ ĐBQH đoàn TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, muốn quy hoạch đô thị chuẩn thì quy hoạch sử dụng đất phải đi trước, bài bản. Quy hoạch quốc gia, quy hoạch chung phải có trước, sau đó là quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Tôi nghĩ làm quy hoạch phải từ trên xuống, tránh mỗi anh một phách, thiếu sự phối hợp dẫn đến lãng phí công sức, tiền của. Cần có sự rõ ràng, minh bạch hơn nữa trong khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, tránh các tiêu cực, bôi trơn, lợi dụng quy hoạch vì mục đích riêng”, cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ.

“Quan trọng nhất là tư vấn, phải hiểu về địa phương, vùng miền và nắm được quy hoạch chung thì làm quy hoạch mới chất lượng được. Có tình trạng tư vấn làm xong xuôi mà nhiều địa danh đưa vào quy hoạch còn sai. Nếu như thiếu sự phối hợp với cơ quan, phòng ngành phụ trách thì rất mất công. Do đó, tôi nghĩ như ý kiến của ĐBQH Nguyễn Tạo là phù hợp, phải làm tốt khâu chọn tư vấn. Tư vấn không chuẩn và phòng chức năng mặc kệ cho tư vấn nữa là “bể nhoe”, cử tri Lê Hà, TP. Vinh, Nghệ An nhấn mạnh.

Thực tế, thiếu sự phối hợp trong quy hoạch chung các cấp, ngành, lãnh thổ dẫn đến tình trạng vướng mắc, mâu thuẫn phải điều chỉnh. Thiết nghĩ quy hoạch chung (quốc gia) phải đi trước một bước, quy hoạch tỉnh phải có trước quy hoạch huyện, khi đó mới hạn chế được điều chỉnh. Như quy hoạch đất đai ở cấp huyện giai đoạn 2020 - 2030, HĐND nhiều địa phương phải thông qua điều chỉnh nhiều lần để đủ hồ sơ trình tỉnh thẩm định, phê duyệt. Lý do huyện làm trước, đưa vào nay là trái quy hoạch quốc gia, mai trái quy hoạch vùng, tỉnh… nên phải làm lại nhiều lần. Như địa phương chúng tôi, HĐND phải điều chỉnh tới hai lần mà vẫn chưa xong. Tôi cho rằng, Quốc hội giám sát chuyên đề này rất ý nghĩa, chắc chắn sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc cho cơ sở, cử tri Đặng Minh Khang - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh kỳ vọng.

BÌNH NGUYÊN – PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ton-trong-nhan-dan-trong-lap-quy-hoach-i290850/