Tôn trọng sự khác biệt

'Họ cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau'. Đó là câu nói đầy ấn tượng và cũng đầy xót xa của Joker-nhân vật phản diện được yêu thích nhất trong bộ phim 'Hiệp sĩ bóng đêm' sản xuất năm 2008 của đạo diễn Christopher Nolan. Có lẽ càng sống trong kỷ nguyên của sự tương tác và kết nối, mỗi cá thể lại càng khát khao được nhìn nhận và tôn trọng giá trị riêng biệt của mình.

Tôi thường nghĩ về câu nói của Joker như một cách nhìn nhận lại vấn đề tôn trọng sự khác biệt, bởi chính tôi cũng đang sống giữa các mối quan hệ xã hội đa chiều. Lẽ thường, những người có cùng một hệ giá trị và trường năng lượng thì sẽ có xu hướng tìm đến nhau. Nhưng ngay cả đối với bạn bè thân thiết, đôi khi, chúng ta vẫn khác biệt trong quan niệm, lối sống, cách hành xử… chứ chưa nói đến số đông ngoài kia. Thế mà trên thực tế, chúng ta thường không chấp nhận những gì khác biệt với mình hoặc tỏ ra rất khó chịu khi thấy ai đó không cư xử theo cách mình mong muốn. Điều này vô tình dẫn đến những bất hòa, cự cãi không đáng có. Cũng vì thiếu tôn trọng sự khác biệt mà ta tùy tiện buông lời phán xét, dị nghị người khác. Tôi biết, nhiều lúc xuất phát từ tình thương và sự kỳ vọng, con người hay áp đặt và muốn thay đổi nhau. Đã có nhiều mối quan hệ dần rạn vỡ từ đó.

Thế giới có hơn 8 tỷ người. Ai cũng đều có lý do để trở nên khác biệt. Tuổi thơ, hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục, tâm thức, trải nghiệm và những biến cố hoàn toàn khác nhau nên mỗi người chọn một lối riêng trong cách nhìn nhận và ứng xử với cuộc đời là điều dễ hiểu. Nếu sự lựa chọn ấy không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và lương tri con người thì đều được chấp nhận. Cũng giống như khi tôi chọn trang phục tối màu còn bạn thích rực rỡ. Không có đúng hay sai trong trường hợp này, chỉ là có phù hợp hay không. Hoặc tôi thích nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, trữ tình, còn bạn thích remix sôi động, điều ấy không có nghĩa tôi thiếu trẻ trung còn bạn thiếu tĩnh lặng.

Thú thật, khi biết ai đó phật ý trước cách hành xử của mình, tôi đều áy náy và tự xem xét bản thân có lỗi gì hay không. Sau này mới dần hiểu ra, không hẳn là sai mà đơn giản chỉ vì mình đã ứng xử không đúng theo ý của họ. Tôi nghĩ, mọi kết giao cần dựa trên nền tảng là sự tôn trọng. Nhưng để tôn trọng được sự khác biệt thì phải thấu hiểu. Hầu như chẳng ai đủ thông thái để hiểu hết lý do vì sao từng người quanh mình lại suy nghĩ như thế, cư xử như thế. Đôi mắt có tinh tường đến đâu thì cũng khó giúp con người thấu suốt mọi vấn đề. Chưa kể có nhiều chuyện không thể bằng mắt mà nhìn ra được. Vậy cớ gì chúng ta lại cứ áp đặt người khác, bắt họ nhất nhất theo ý mình?

Nếu ta hiểu xã hội là tổng hòa của mọi khác biệt thì có lẽ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Bằng vốn sống đã tích lũy được qua năm tháng, bản thân mỗi người đều hiểu được mình là ai, muốn gì, lựa chọn ra sao để dù nhỏ bé đến đâu vẫn giữ được trọn vẹn giá trị bản thể. Tôi thích những người dám khác biệt. Có được bản lĩnh ấy là vô cùng đáng quý. Tất nhiên, dám khác biệt không phải là cố trở nên lập dị để đi ngược với số đông mà là can đảm sống đúng với hệ giá trị mà bản thân mình đã lựa chọn ngay từ đầu. Bây giờ, khi đứng trước những suy diễn, xét nét, tôi cũng không còn quá bận tâm tìm cách thanh minh; cũng không vì cả nể mà gượng ép mình phải thay đổi để làm vừa lòng người khác. Tôi bỗng nhớ tới một thông điệp, đại ý là hãy trả mỗi người về với giá trị vốn có của họ. Để mỗi người được là chính mình. Không nên vội vàng phán xét hay xoi mói vì nếu cứ mang tâm thế ấy đi vào đời sống thì rốt cuộc chỉ tạo ra nguồn năng lượng tiêu cực mà thôi.

Nếu đòi hỏi mọi người phải sống theo mẫu số chung thì xã hội sẽ mất dần màu sắc cá nhân. Chẳng còn ai dám bộc lộ cá tính. Tôn trọng sự khác biệt cũng là tôn trọng tự do của mỗi người. Đối với những gì khác biệt, nếu chưa thể đồng tình, ủng hộ thì ít nhất cũng nên có sự tôn trọng và chấp nhận. Đôi khi không cần phải đi đến tận cùng của đúng-sai, đen-trắng. Vì biết đâu, ranh giới giữa những điều ấy cũng mong manh. Tôi luôn nhắc mình phải cẩn trọng khi nói về người khác, nhất là những người không cùng một hệ giá trị và trường năng lượng với mình. Bởi tùy tiện phán xét không chỉ thể hiện sự cạn hẹp trong nhận thức của bản thân mà còn phương hại cho người.

Nghiệm lại, nếu không hiểu và tôn trọng được sự khác biệt thì thương mến giữa người với người cũng chỉ là một thứ tình cảm hời hợt, nhất thời. Tôi vẫn giữ niềm tin về một xã hội rộng mở và tốt lành, ở đó, cuộc sống đa màu theo đúng nghĩa của nó. Và con người được sống hạnh phúc với hết thảy giá trị chân thực mà không cần phải lo sợ rằng mình khác với số đông. Nhắc đến chuyện này, trong đầu tôi lại chợt nhớ câu nói: “Quý người, đối đãi với người, xin hãy đi từ bản chất”.

LỮ HỒNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ton-trong-su-khac-biet-post240031.html