Tôn trọng thiên nhiên để Đà Lạt lấy lại vẻ đẹp vốn có
Tình trạng TP. Đà Lạt ngập lụt xảy ra thường xuyên trong thời gian qua; đặc biệt vụ sạt lở vào ngày 29/6 khiến 2 người tử vong đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nhanh chóng có những giải pháp cấp bách để 'xứ sở ngàn hoa' phát triển bề vững.
Cứ mưa là ngập, sạt lở chết người
Khoảng 2h30’ ngày 29/6, tại đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP. Đà Lạt) đã xảy ra một vụ sạt lở kinh hoàng sau trận mưa. Hàng trăm tấn đất đá cùng bờ ta luy bê tông ở đường Yên Thế bất ngờ đổ ập xuống.
Hậu quả vụ sạt lở khiến sáu người bị mắc kẹt. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường giải cứu nạn nhân. Sau khoảng một giờ, bốn nạn nhân đã được giải cứu từ đống đổ nát nhưng hai người được xác định đã tử vong.
Hiện trường khu vực sạt lở là một khu dân cư sống cheo leo, phía trước mặt là thung lũng, sau lưng là một đồi cao đang chuẩn bị xây dựng một công trình nhà ở lớn.
Báo cáo sơ bộ của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân xảy ra sự cố sạt taluy khiến 2 người tử vong do thời gian gần đây tại TP. Đà Lạt có mưa liên tục, lưu lượng mưa lớn. Đồng thời chủ đầu tư đang triển khai công tác đắp đất để tạo mặt bằng thi công.
Lượng nước thấm xuống đất lớn cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn làm gia tăng áp lực lên taluy, gây mất khả năng chịu lực. Điều này dẫn đến sạt lở taluy bê tông chắn đất gây sạt lở đất và sụp đổ công trình.
Hạng mục taluy đã hoàn thành thi công cách đây khoảng 1 năm theo giấy phép xây dựng được UBND TP. Đà Lạt cấp. Tổng chiều dài taluy trong hồ sơ là 381m, chiều cao taluy 13,4m. Hiện phần taluy còn lại có một số vết nứt trên bề mặt đất đắp tại đỉnh taluy, có nguy cơ tiếp tục gây sạt trượt.
Cách đó không lâu vào ngày 23/6, mưa lớn trong gần một giờ kèm giông và gió mạnh khiến nhiều tuyến đường phố ở TP. Đà Lạt úng ngập. Một số nơi ngập sâu hơn nửa mét, nhiều ôtô chết máy, người đi đường dắt xe máy tìm nơi sửa. Nước chảy thành dòng tràn cả vào nhà dân ở nơi thấp trũng.
Việc Đà Lạt mưa là ngập đã ảnh hưởng lớn đến “thành phố du lịch”. Trao đổi với PV, quản lý một khách sạn cho biết, các trang mạng xã hội không ngừng chia sẻ hình ảnh Đà Lạt ngập lụt, mưa gió khiến khách du lịch hoang mang, gọi điện thoại hủy phòng liên tục.
Nhân viên khách sạn phải liên tục trấn an, gửi cho khách xem hình ảnh thời tiết của Đà Lạt, thậm chí gọi video trực tiếp hình. Tuy nhiên vẫn có du khách hủy đặt phòng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của khách sạn.
Người Đà Lạt và du khách tát nước, bơi xuồng, bắt cá trên đường... không phải là những hình ảnh truyền thông sống động cho một thành phố thanh lịch, hiền hòa mà đó thực sự là một lời cảnh báo nghiêm trọng tới các cơ quan quản lý có chức năng, thẩm quyền.
Ngày 20/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Lâm Đồng phải chú ý phát triển xanh, bao trùm, bền vững, hài hòa. Hạ tầng xã hội phải chú trọng hơn nữa. Là một trung tâm du lịch thì phải “xanh, sạch, đẹp”.
Phải giữ bằng được những nơi đẹp ở trung tâm để phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, còn phát triển bất động sản phải lùi xa. Phát triển làm sao hài hòa giữa sinh thái, môi trường, cuộc sống, giữa nông thôn và thành thị.
Xắn tay vào cuộc, cần những giải pháp đồng bộ
Dù TP. Đà Lạt nằm trên trên cao nguyên Lâm Viên có độ cao 1.500m so với mực nước biển với nhiều ao hồ, suối để tiêu thoát nước. Nhưng tình trạng mưa ngập là hiện tượng bất thường ở phố núi trong những năm gần đây.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra như tốc độ gia tăng dân số nhanh, mật độ xây dựng bê tông hóa cao, diện tích nông nghiệp nhà kính không giảm, sức nén khu trung tâm ngày càng lớn trong khi hạ tầng chưa đáp ứng,... khiến Đà Lạt ngày càng trở nên nhạy cảm và yếu ớt trước thiên tai.
Mô hình nhà kính bắt đầu xuất hiện tại Đà Lạt từ những năm 1990 và đã chứng minh hiệu quả sản xuất mang lại khá cao. Vì vậy nhà kính ở Đà Lạt gia tăng với tốc độ “chóng mặt”, đến nay đã lên 2.693ha (chiếm khoảng 59% diện tích nhà kính toàn tỉnh) trên tổng số 10.500ha đất canh tác.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam, một trong những nguyên nhân là do hệ thống thoát nước của thành phố chưa được chú trọng quy hoạch, bảo vệ và phát triển.
Cùng với đó tỷ lệ nhà kính trồng rau, hoa… tại thành phố tăng nhanh, che kín mặt đất khiến nước mưa không được thẩm thấu tự nhiên, dồn lại chảy tràn xuống thung lũng, gây sạt lở và gây ngập vùng thấp.
Ngoài ra nhiều hồ, sông, suối tiêu thoát nước tại Đà Lạt đã bị lấp trong quá trình đô thị hóa, nên giảm khả năng thoát nước. Đồng thời biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, khốc liệt, khiến mưa lớn dị thường liên tục xuất hiện.
Nếu chúng ta không triển khai ngay công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và triển khai các công trình tiêu úng cơ bản, Đà Lạt vẫn sẽ đứng trước nguy cơ sạt lở, ngập úng thời gian tới...
Trao đổi với PV, một chuyên gia về quy hoạch kiến trúc cho rằng, mưa ngập, sạt lở ở Đà Lạt gia tăng không chỉ do thiên nhiên mà còn do yếu tố con người tác động và thiếu kỹ thuật xử lý địa hình khi dựng nhà cửa trên triền đồi.
Đà Lạt có nền đất bazan khá yếu nhưng mật độ xây dựng dày đặc; nhất là ở các triền đồi trong khi taluy xây dựng chưa đúng chuẩn. Mưa lớn kéo dài, nước dồn nhanh tạo thành dòng lũ chảy mạnh, gây sạt lở. Các chủ công trình lại theo xu hướng chọn xây nhà hay công trình ở đồi dốc để có vị trí đẹp.
Tuy nhiên những khu vực này dễ sạt lở, nhất là khi mưa xuống khiến đất nhão ra, nhà cửa tuột xuống triền đồi. Do đó khi xây dựng tại vị trí trên cần có quy hoạch cụ thể, trồng cây xanh bao phủ và phải có giải pháp giảm tác động của thiên nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Các chuyên gia khẳng định, phải có cách ứng xử đúng mực đối với thiên nhiên, với những con suối ở Đà Lạt; bằng mọi giá phải trả lại sự trong lành, thông thoáng.
Đây sẽ là lời cảnh báo rõ ràng nhất để có thể tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn. Để mỗi khi mưa, cảnh tượng nơm nớp lo sợ sạt lở lại cứ tiếp diễn ngay ở địa điểm du lịch, thành phố trên cao nguyên từng nổi tiếng của cả nước.
Vẫn biết quá trình đô thị hóa quá nhanh sẽ làm thay đổi ít nhiều ở thành phố ngàn hoa. Song nếu không quyết liệt thay đổi mạnh mẽ, Đà Lạt khó mà giữ được những nét hoài cổ, thiên nhiên trong trẻo vốn làm nên nét quyến rũ của xứ sở ngàn hoa, thu hút du khách.