Tôn trọng thời gian làm việc

Đầu giờ sáng, từ một huyện khá xa, anh T. sắp xếp thời gian để đến dự hội nghị đúng giờ theo giấy mời. Tới nơi, nhìn quanh chưa thấy đại biểu nào, anh T. bắt tay, chào người đại diện đơn vị tổ chức và nói vui: Mình lại đi sớm nhận chỗ thế này!? Vừa ngắt lời, anh T. nhận được câu trả lời từ người đối diện: Không, chúng em đặt giờ triệu tập đại biểu để 'trừ hao' anh ạ!.

Không hài lòng với câu trả lời đó, nhưng anh T. vẫn nở nụ cười rồi về vị trí đại biểu ngồi, tranh thủ nghiên cứu tài liệu. Khoảng 30 phút sau, sự kiện bắt đầu bằng chương trình văn nghệ, khi đó vẫn có đại biểu hớt hải xách cặp đến. Người thì lặng lẽ tìm chỗ trống ngồi, người thì đon đả chào hỏi và đưa ra lý do biện minh cho việc chậm trễ của mình.

Hội nghị diễn ra khoảng 2/3 thời gian, anh T. quay lại nhìn phía sau hội trường, thấy một số đại biểu tự ý ra về, thậm chí có cả hàng ghế trống ngay giữa hội trường, trong khi trước đó hội trường không còn chỗ trống.

Kết thúc sự kiện ra về, thấy anh T. chau mày vì số đại biểu dự đến cuối sự kiện còn ít, chị H. lên tiếng chia sẻ: Người quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu anh nhỉ!

Anh T. nhẹ nhàng đáp: Được phân công đi dự hội nghị là để lĩnh hội thông tin, nhận nhiệm vụ để về triển khai tại địa phương, đơn vị mình. Đi muộn, về sớm là không tôn trọng Ban tổ chức, không tôn trọng quyền đại biểu của chính mình và nhiệm vụ triển khai tại hội nghị cũng sẽ bị bỏ quên hoặc làm cho có. Đáng buồn là việc này đang là thói quen ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thực tế, không ai muốn phải chờ đợi người khác và cũng không cơ quan nào muốn sự kiện đang được tổ chức mà đại biểu bỏ về giữa chừng. Thay đổi thói quen chậm chạp để trở thành một người luôn đúng giờ là một việc khó, nhưng không phải không thực hiện được. Để khắc phục thói quen không đúng giờ, thì mỗi người phải biết quý trọng thời gian, tôn trọng chính mình, tôn trọng người khác; phải thay đổi ý thức kỷ luật về thời gian; lập kế hoạch làm việc cụ thể cả với việc gia đình, việc ở cơ quan. Riêng đối với công việc ở cơ quan, cần có thời gian biểu cá nhân trong ngày, trong tuần, thậm chí là một tháng và thực hiện thời gian biểu đó một cách nghiêm túc. Chỉ khi làm việc đúng giờ, có kỷ luật thì công việc mới được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

Hồng Minh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ton-trong-thoi-gian-lam-viec-3175595.html