Tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật
Thực hiện chủ trương về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, huyện Quỳnh Nhai thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống và nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân.
Đồng chí Phạm Thùy Hương, Trưởng phòng Tư pháp huyện, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; hướng dẫn các xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; cấp, phát sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 11 xã trên địa bàn. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị, tham mưu cho Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật huyện tổ chức thẩm định và trình Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Năm 2020, Quỳnh Nhai có 11/11 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; trong đó có 7 xã loại I và 4 xã loại II.
Mường Giàng là một trong những xã tiêu biểu của huyện Quỳnh Nhai nhiều năm liền giữ vững đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ông Lò Văn Vùng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: UBND xã đã tổ chức triển khai các tiêu chí xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật; thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật. Bố trí kinh phí cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật; duy trì 14 tổ hòa giải ở cơ sở. Nhờ làm tốt việc phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức tôn trọng và thực thi pháp luật của người dân được nâng cao. Thời gian qua, xã không có khiếu nại, tố cáo kéo dài, không có trọng án, 100% người dân hài lòng về công tác cải cách thủ tục hành chính.
Xã Mường Giôn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020, đây là điều kiện để xã phấn đấu cán đích nông thôn mới năm 2021. Ông Tòng Văn Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: UBND xã đã ban hành các kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện; giao cán bộ công chức Tư pháp - Hộ tịch xã phối hợp với công chức phụ trách các lĩnh vực công tác tập hợp hồ sơ, tài liệu làm tài liệu minh chứng. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân; phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín ở địa phương tuyên truyền giáo dục chính sách pháp luật mới, giúp bà con hiểu và chấp hành nghiêm túc. Vì vậy, đã hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật, giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo; các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, giảm chi phí và thời gian đi lại của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số khó khăn, như việc phát sinh nhiều loại sổ, như sổ theo dõi: cung cấp thông tin; việc cập nhật thông tin pháp luật; kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tình hình niêm yết thủ tục hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính... Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự chú trọng xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; một số công chức cấp xã trình độ còn hạn chế nên chưa nắm rõ được nội dung cơ bản của các tiêu chí đánh giá để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, việc tiếp cận pháp luật phạm vi rộng, liên quan đến hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị và hoạt động của chính quyền cấp xã, do vậy, nhiều đơn vị lúng túng trong việc đánh giá, chấm điểm; các văn bản kiểm chứng đối với các tiêu chí chưa cụ thể.
Hướng dẫn các xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, củng cố, kiện toàn các chỉ tiêu trong các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, huyện Quỳnh Nhai đã kiến nghị Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật về nghiệp vụ thu thập tài liệu kiểm chứng; chấm điểm các chỉ tiêu của tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ cán bộ... Từ đó, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, góp phần xây dựng xã hội công bằng, văn minh.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ton-trong-tuan-thu-va-chap-hanh-phap-luat-44840