Tôn vinh 50 Gương sáng Pháp luật năm 2023
Tối ngày 1/11, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ tôn vinh 50 Gương sáng Pháp luật năm 2023.
Đây là lần thứ 2 Chương trình được tổ chức. Qua nhiều khâu, nhiều bước hết sức chặt chẽ, khách quan, công tâm với gần 160 đề cử đều là những tấm gương sáng trong các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khác nhau, Hội đồng bình chọn và Ban Tổ chức đã lựa chọn được 50 gương điển hình trong gần 160 đề cử để vinh danh trong buổi lễ.
Phát biểu tại Lễ Tôn vinh, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình “Bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật”, cho biết: Chương trình này là hoạt động hết sức có ý nghĩa, thực hiện tôn chỉ, mục đích của Báo Pháp luật Việt Nam. Chúng ta không những phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật để đấu tranh, mà còn phát hiện, biểu dương những tấm gương “người tốt, việc tốt”, trọng tâm là trong công tác pháp luật. Vì vậy, Bộ Tư pháp rất ủng hộ và đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục tổ chức thành công chương trình trong thời gian tới.
“Để phát huy hiệu ứng của chương trình, đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương lan tỏa và nhân rộng Gương sáng pháp luật, một hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực trong xây dựng văn hóa, nếp sống thượng tôn pháp luật. Chúng ta làm được điều này thì chương trình không chỉ là kết quả hoạt động của Báo, thực hiện tôn chỉ mục đích của Báo, là một trong những hoạt động để hướng đến Ngày Pháp luật Việt Nam, mà còn đóng góp tích cực, có ý nghĩa trong việc thực hiện nghị quyết 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Phát biểu cảm ơn các đại biểu và Gương sáng, ông Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, nhấn mạnh: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, coi trọng việc nêu gương. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Việc nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm trọn vẹn từ việc lớn như: Chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước, quy định của tập thể, đến những việc bình thường hàng ngày như ăn, ở, mặc, sử dụng phương tiện đi lại... nhất nhất Người đều nêu gương hết sức tiết kiệm, giản dị, không cường điệu... mà tự nhiên như không khí, cơm ăn, nước uống hàng ngày”.
Về lý do tổ chức chương trình, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: Thực hiện lời dạy của Bác và noi theo gương sáng của Người, các thế hệ người Việt Nam tiếp nối nhau phấn đấu thi đua cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, biết bao tấm gương bình dị mà cao quý đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tôn vinh, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Cũng trên tinh thần đó, đồng thời nhằm góp phần tôn vinh và biểu dương các tấm gương điển hình trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của một quốc gia, thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam được giao chủ trì tổ chức Chương trình Bình chọn và Tôn vinh Gương sáng pháp luật hàng năm vào đúng dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, nhằm lan tỏa và nhân rộng những tấm gương điển hình trong hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi toàn quốc.
“Thay mặt Ban Tổ chức, cho phép tôi được biểu dương 50 cá nhân được Vinh danh là Gương sáng Pháp luật năm 2023 tại buổi lễ này, cũng như hơn 100 cá nhân đã được đề cử là những Gương sáng Pháp luật của năm. Xin được chúc mừng các bác, các anh, các chị! Sau buổi lễ Vinh danh này, chúng tôi tin tưởng rằng, những cá nhân được đề cử và vinh danh sẽ mãi luôn là những tấm gương sáng trong đời sống xã hội nói chung, trong tổ chức và thi hành pháp luật nói riêng để mọi người tiếp tục học tập, noi theo, chung sức đồng lòng xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, vì Nhà nước Pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nói.
Xúc động khi nhận hoa, kỷ niệm chương của Ban tổ chức chương trình Tôn vinh Gương sáng Pháp luật, ông Châu Phi Đô – Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bạc Liêu, bày tỏ: Tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào, hạnh phúc là một trong 50 người được tôn vinh Gương sáng Pháp luật năm 2023. Đây cũng minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân tôi trong thời gian qua. Tôi thấy đây là động lực để cho tôi phát triển trên con đường bảo vệ công lý cho những người nghèo, người yếu thế. Sau khi được nhận những vinh danh này, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, nhất là trong công tác trợ lý pháp lý để giúp cho người dân hiểu biết pháp luật và ngày càng hiều được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để họ tự nâng cao đời sống của mình nhiều hơn.
Trong không khí trang trọng của lễ vinh danh, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng, nói: Dự Lễ tôn vinh hôm nay, tôi ý thức mình được ghi nhận là bởi đã góp phần cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tôi đã 2 lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Lần thứ nhất tôi là nữ sỹ quan đầu tiên của Việt Nam, lần thứ 2 là nữ chỉ huy đầu tiên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam. Ý thức là đại diện cho lực lượng của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, một lực lượng trẻ với 9 năm hình thành và phát triển, ở vị trí nào, tôi cũng cố gắng hết mình với vai trò quân nhân Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế, đóng góp công sức để người dân những nơi còn nghèo khó, đang trong tình trạng nội chiến như Nam Sudan có tương lai tốt đẹp hơn. Tôi luôn ý thức cao và tuyên truyền để các đồng đội của mình không chỉ thực hiện đúng quy định của quân nhân Việt Nam, mà còn phải chấp hành nghiêm các quy định của Liên hiệp quốc. Có như thế hình ảnh của những bộ đội cụ Hồ, những chiến sỹ mũ nồi xanh mới luôn được ghi nhận, tạo được hình ảnh đẹp trong mắt người dân trên địa bàn nói riêng và các nước Liên hợp quốc nói chung.
Trung tá Bùi Xuân Tập, Trưởng phòng Pháp luật của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 - xúc động trước không khí vừa ấm cúng của chương trình, ông cho rằng, việc vinh danh các gương sáng do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức là hình thức tuyên truyền, cổ vũ thượng tôn pháp luật rất thiết thực và ý nghĩa.
“Trên cương vị là Trưởng Phòng Pháp luật thuộc Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, tôi luôn nỗ lực tuyên truyền thực thi pháp luật trên biển, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn trên biển; giữ yên vùng biển để ngư dân vươn khơi bám biển. Quá trình thực thi pháp luật trên biển, chúng tôi chú trọng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con ngư dân pháp luật về biển đảo bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, thiết thực, hiệu quả thông qua các chương trình: Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân, Em yêu biển đảo quê hương, Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo... Được tôn vinh là Gương sáng pháp luật là vinh dự không chỉ đối với cá nhân tôi, mà với cả gia đình, đồng chí đồng đội của tôi, tiếp thêm động lực để tôi cống hiến hơn nữa cho Nhân dân, cho Tổ quốc” - Trung tá Bùi Xuân Tập nói.
Đến từ Lai Châu, ông Vàng A Chỉnh (Trưởng bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), tâm sự: “Là một người dân vùng sâu vùng xa, tôi chưa từng nghĩ tới việc được vinh danh Gương sáng Pháp luật. Khi biết tới chương trình và được Ban tổ chức lựa chọn, tôn vinh là một trong 50 gương mặt tiêu biểu tôi vô cùng xúc động và tự hào”.
“Trong quá trình làm Trưởng bản, tôi luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình, và luôn tâm niệm “mình làm gì thì làm nhưng pháp luật luôn phải trên hết. Làm gì cũng được, nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật. Để người dân hiểu và làm theo, trước hết bản thân tôi phải làm đúng. Bởi bà con địa phương 100% là người Mông, hầu hết trình độ văn hóa của bà con còn hạn chế, nên muốn tuyên truyền, phổ biến pháp luật mình phải là người làm trước...
Được vinh danh là Gương sáng Pháp luật, tôi càng nhận thức được vai trò của mình trong việc thượng tôn pháp luật. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình, tuyên truyền cho bà con hiểu và tuân thủ về pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan tới tệ nạn xã hội. Tôi cũng rất mong Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tuân thủ pháp luật tới bà con huyện Phong Thổ, Lai Châu” – ông Vàng A Chỉnh tâm sự.
Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: Trong không khí tưng bừng của Lễ tôn vinh Gương sáng Pháp luật, tôi cảm thấy rất vui, rất ấm áp. Được đại diện cho những chiến sỹ áo trắng, tôi mong chương trình lan tỏa được những hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về nghề y, về những người làm công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Dù nghề Y có những đặc thù, nhưng cá nhân tôi và đồng nghiệp của tôi nói chung không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mà còn cố gắng làm tốt vai trò công dân, tuyên truyền để cùng nhau thượng tôn pháp luật, làm tốt trách nhiệm với xã hội.
50 “Gương sáng pháp luật” năm 2023
1. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, sinh năm 1926, nguyên Tư lệnh Quân khu 4.
2. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, sinh năm 1942, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
3. Tiến sĩ Đinh Trung Tụng, sinh năm 1956, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
4. Trung tướng Khuất Việt Dũng, sinh năm 1959, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV.
5. TS. Nguyễn Huy Quang, sinh năm 1961, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
6. Ông Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1961, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế.
7. Bà Hoàng Thị Kim Quế, sinh năm 1955, GS.TS. Giảng viên cao cấp, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, sinh năm 1952, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV.
9. TS. Lê Thị Tuyết Mai, sinh năm 1967, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ.
10. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, sinh năm 1975, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an.
11. Đại úy Thái Ngô Hiếu, sinh năm 1989, cán bộ thuộc Đội Chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ Khu vực Trảng Bom - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai.
12. Thượng tá Lê Minh Hải, sinh năm 1982, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội.
13. Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, sinh năm 1977, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bạc Liêu.
14. Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga, sinh năm 1981, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng.
15. Trung tá Bùi Xuân Tập, sinh năm 1983, Trưởng phòng Pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1.
16. Thiếu tá Lèng Văn Trai, sinh năm 1985, Chính trị viên, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Mường Khương, Bộ đội Biên phòng Lào Cai.
17. Trung tá Nguyễn Khắc Hào, sinh năm 1979, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.
18. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, sinh năm 1959, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH InvestPro.
19. Luật sư Trương Thanh Đức, sinh năm 1964, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC.
20. Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, sinh năm 1969, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
21. Ông Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1977, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao.
22. Ông Nguyễn Xuân Thu, sinh năm 1973, Giám đốc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp.
23. Ông Võ Văn Xông, sinh năm 1976, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi.
24. Bà Lư Thị Trang Đài, sinh năm 1969, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang.
25. Bà Lưu Thị Lan Hương, sinh năm 1980, Trưởng phòng Tư pháp huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
26. Bà Nguyễn An Phượng, sinh năm 1977, Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
27. Ông Hà Anh Tuấn, sinh năm 1974, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
28. Bà Bùi Thị Bích Phượng, sinh năm 1976, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đan Phượng, Hà Nội.
29. Ông Trần Thanh Hải, sinh năm 1968, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
30. Ông Phùng Quang Hiệp, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
31. Thầy thuốc Ưu tú, TS.BS Dương Đức Hùng, sinh năm 1966, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.
32. Bác sỹ Nguyễn Hữu Nghĩa, sinh năm 1993, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh.
33. Ông Phạm Văn Học, sinh năm 1969, Chủ tịch Hội đồng thành viên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ.
34. Bà Hà Thị Thanh Vân, sinh năm 1972, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam.
35. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1967, Ủy viên Thường vụ Ủy ban Olymipc Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
36. Cô giáo Hà Ánh Phượng, sinh năm 1991, Giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ, Đại biểu Quốc hội khóa XV.
37. Tiến sĩ Trần Nam Trung, sinh năm 1977, Phó Trưởng phòng, Phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Hải Phòng.
38. Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1987, giáo viên Ngữ văn và tổng phụ trách Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai).
39. Ông Châu Phi Đô, sinh năm 1967, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bạc Liêu.
40. Bà Cầm Kim Loan, sinh năm 1967, Trợ giúp viên pháp lý, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La.
41. Ông Ngô Đức Bính, sinh năm 1979, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau.
42. Hòa giải viên Nguyễn Kim Huê, sinh năm 1938, xã Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp.
43. Anh Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1992, công nhân khai thác hầm lò thuộc Công ty Than Thống Nhất - Tập đoàn TKV.
44. Cựu chiến binh Lê Đình Duật, sinh năm 1943, Hà Nội.
45. Anh Lê Thái Bình, Ủy viên Hội LHTN Việt Nam huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
46. Thượng tọa Thích Giác Vũ, sinh năm 1971, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Nam Định, Phó Trụ trì kiêm Trưởng Ban Từ thiện chùa Vọng Cung.
47. Ông Đinh Minh Nhật, sinh năm 1962, người sáng lập mái ấm Giuse huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
48. Ông A Brol Vẽ, sinh năm 1945, Già làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
49. Bà K’Hiếu, sinh năm 1959, Trưởng Ban Công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
50. Ông Vàng A Chỉnh, sinh năm 1975, Trưởng bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.”
Ngày 9/3/2021, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 341/QĐ-BTP về việc phê duyệt Đề án bình chọn, tôn vinh cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật (Gương sáng Pháp luật). Theo Đề án, Bộ Tư pháp giao Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thực hiện Chương trình. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh là Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình; Tổng Biên tập Báo PLVN Vũ Hoài Nam là Trưởng Ban Tổ chức Chương trình.
Gương sáng Pháp luật là hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật cũng nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ton-vinh-50-guong-sang-phap-luat-nam-2023-403635.html