Tôn vinh các giá trị của nghệ thuật chèo tại Liên hoan Chèo toàn quốc
Tối 14/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức đã khai mạc.
Liên hoan được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, là ngày hội nghề đối với các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công chèo trên cả nước. Liên hoan nhằm phát hiện những sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật chèo, góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.000 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp trên cả nước gồm: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh, Nhà hát Chèo Nam Định, Nhà hát Chèo Quân Đội, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa, Nhà hát Chèo Thái Bình, Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Chèo Hà Nam, Đoàn Chèo Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Chèo Phú Thọ, Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc và Nhà hát Chèo Hải Dương.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 với mục tiêu góp phần tôn vinh các giá trị của nghệ thuật chèo, các đơn vị, nghệ sỹ, diễn viên có những đóng góp tích cực đối với nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật chèo, nghệ sỹ, diễn viên giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật, tìm các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình, để có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao, thiết thực phục vụ nhân dân trong thời kỳ mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, từ lâu, Bắc Giang được biết đến là quê hương của chiếu Chèo Bắc. Nghệ thuật chèo truyền thống ở Bắc Giang còn hiện hữu sinh động từ các làng Chèo Đồng Quan, Tư Mại (Yên Dũng), làng Then (Lạng Giang)... do các nghệ nhân bằng sự trân quý và tình yêu chèo đã giữ gìn, truyền lửa đam mê nghệ thuật dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến nay, nghệ thuật chèo truyền thống gắn với hội làng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng có sức sống, sức lan tỏa và trường tồn trong các làng quê Bắc Giang, trở thành phong trào văn nghệ quần chúng rộng khắp ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Với 26 vở diễn, diễn ra trong 14 ngày, mỗi đơn vị tham gia liên hoan biểu diễn từ 1 đến 2 vở diễn, thời lượng mỗi vở diễn từ 90 đến 150 phút. Các vở diễn phải được dàn dựng từ năm 2016 đến nay hoặc được phục dựng với ê kíp sáng tạo mới nhưng chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức.
Với tiêu chí không hạn chế đề tài, Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 hướng tới sự đa dạng của các vở diễn. Tuy nhiên, các vở diễn không được sử dụng kịch bản nước ngoài; phải có nội dung phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Trong khuôn khổ liên hoan, sẽ có 5 buổi diễn của các đơn vị: Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, Nhà hát Chèo Thái Bình, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam, Nhà hát Chèo Hưng Yên và Nhà hát Chèo Quân đội phục vụ người dân tại các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang vào các ngày 17, 19, 20, 22 và 24/9/2019.
Ngay sau Lễ khai mạc, Nhà hát Chèo tỉnh Bắc Giang đã biểu diễn vở “Gọi đò”, với sự tham gia của gần 60 nghệ sỹ, diễn viên.
Liên hoan kết thúc vào ngày 28/9.