Tôn vinh điều dưỡng viên tiêu biểu: Sáng kiến bất ngờ trong gian khó
Thời điểm dịch COVID -19 bùng phát bên cạnh công tác khám, điều trị thì công tác phun khử khuẩn phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Mời bạn đọc bình chọn cho điều dưỡng viên tiêu biểu tại đây:
Tuy nhiên, việc phun hóa chất phải mang vác nặng và máy phun sử dụng động cơ đốt trong nên quá trình vận hành rất vất vả, tiếng máy rất lớn và xả ra khói mùi rất khó chịu khiến cho người làm công tác này rất căng thẳng, mệt mỏi.
Đó là chia sẻ của anh Lê Văn Tấn, Phó trưởng khoa Kiểm soát nhiệm khuẩn, BVĐK tỉnh Lào Cai khi tham gia công tác phòng chống dịch tại các tỉnh phía nam thời điểm dịch COVID -19 đang ở trong cao trào cao điểm nhất.
Anh Tấn kể lại những quãng thời gian khủng khiếp ấy khi anh mang trong mình bộ quần áo bảo hộ và mang máy khử khuẩn giữa trời nắng như đổ lửa.
"Tôi đeo máy phun khử khuẩn cùng lượng hóa chất nặng gần 20kg trên vai giữa trời nắng gay gắt đi phun khu cách ly và những khu vực nghi ngờ. Tôi làm việc liên tục như vậy trong hơn 2 tiếng đồng hồ với bộ đồ bảo hộ kín mít, khiến toàn bộ cơ thể tôi đầm đìa mồ hôi, ướt cả khẩu trang. Khi đó việc hít thở không khí vô cùng khó khăn.
Mặc dù rất sợ mắc bệnh, nhưng vì khẩu trang ướt đẫm, quá ngộp thở, tôi không còn quan tâm đến những điều đó nữa. Tôi đã tháo găng tay, cởi bỏ khẩu trang, mặc kệ không khí xung quanh sặc mùi hóa chất khử khuẩn và cũng có thể có vi rút gây bệnh trong đó, lúc đó với tôi chỉ cần được thở đã là hạnh phúc'.
Anh Tấn cũng cho biết, trời nắng như đổ lửa, thân xác rã rời, tôi nằm sõng soài ra đất, dùng tay xé nốt bộ quần áo bảo hộ đang mặc trên người. Bộ quần áo bảo hộ kín như bưng ai đã từng mặc bộ quần áo ấy sẽ biết cảm giác ngột ngạt, bí bạch như thế nào, đã vậy lại mặc và làm việc dưới trời nắng mồ hôi chảy dòng như mưa nhưng lại không thể lau, những giọt mồ hôi chảy vào miệng mặt chát, chảy vào mắt cay xè đó thực sự là nỗi ác mộng.
Anh Tấn nhớ lại, sau khi phun khử khuẩn, toàn thân rệu rạo, anh Tấn suy nghĩ rất nhiều, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà công việc cũng bị ảnh hưởng. Dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc phun khử khuẩn môi trường rất quan trọng trong công tác phòng dịch tại bệnh viện nhưng nếu ngày nào cũng như thế này thì không thể tồn tại được lâu.
Chính vào lúc đó, ý tưởng về một chiếc máy phun khử khuẩn đã được lóe lên trong tôi.
'Nghĩ là làm, tôi bắt tay thực hiện luôn ý tưởng của mình. Tôi đã tự mày mò, tìm hiểu rồi tự bỏ tiền ra mua vật liệu để thực hiện. Mặc dù trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ sự kiên trì, cuối cùng chiếc máy phun khử khuẩn đã được chế tạo thành công sau nhiều ngày quên ăn, quên ngủ. Chiếc máy được sử dụng ác quy và máy bơm 12V, bình đựng hóa chất tôi sử dụng can nhựa 30L. Toàn bộ được gắn lên chiếc xe tiêm, khiến công việc khử khuẩn trở lên nhẹ nhàng hơn vì không phải mang vác nặng nữa, cũng đỡ khó chịu hơn do tiếng ồn và khói của động cơ', anh Tấn chia sẻ.
Với sáng kiến của mình anh Tấn đã giúp việc phun khử khuẩn được dễ dàng hơn vừa giải phóng sức người lại vừa đảm bảo an toàn hiệu quả. Sáng kiến của anh Tấn đúng là 'trong cái khó ló cái khôn'.
Lê Văn Tấn, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai
- Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
- Năm 2020,2021,2022,2023: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở
- Năm 2023: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh
- Năm 2020: Giấy khen của GĐ SYT Lào Cai về tham gia phòng chống dịch Covid-19
- Năm 2020: BK LĐLĐ tỉnh Lào Cai về tham gia phòng chống dịch Covid-19
- Năm 2020: Đạt giải KK Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai
- Năm 2022: Giấy khen CĐN Y tế Lào Cai
- Năm 2023: BK LĐLĐ tỉnh Lào Cai
- Năm 2023: Giải KK Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai
- Trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19
- Có câu chuyện truyền cảm hứng