Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống

Cùng với ý nghĩa bảo tồn, gìn giữ nét đẹp giá trị văn hóa các dân tộc, tỉnh Lào Cai còn thúc đẩy phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Lào Cai. Bên cạnh các lễ hội mang nét văn hóa, phong tục của mỗi đồng bào ở những thời điểm khác nhau trong năm, một số địa phương đã khéo léo đưa các bản sắc văn hóa dân tộc sinh sống tại địa phương mình để tôn vinh trong các ngày hội văn hóa được tổ chức theo mùa, theo các dịp nghỉ lễ để níu chân du khách.

Văn hóa dân tộc Mông được tôn vinh trong ngày hội. Ảnh: Hoàng Linh

Văn hóa dân tộc Mông được tôn vinh trong ngày hội. Ảnh: Hoàng Linh

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Ngày hội văn hóa bản Mông được tổ chức tại bản Cát Cát - một trong những ngôi làng được mệnh danh là đẹp nhất Tây Bắc. Ngày hội đã thu hút rất đông du khách thập phương cũng như người dân trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và chung vui cùng ngày hội. Ngày hội đã tái hiện sinh động các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, đời sống thường nhật của bà con đồng bào Mông. Cùng với nghi lễ mừng cơm mới, thì một trong những nét đẹp văn hóa được người Mông gìn giữ và tổ chức thường niên vào ngày Tết độc lập, đó là giã bánh giầy. Hoạt động này đã mang lại sức hấp dẫn với rất nhiều du khách khi đến bản Cát Cát.

Cùng với đó, các hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông cũng thu hút rất đông du khách trải nghiệm như: vẽ sáp ong, se lanh, dệt vải, rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc... Ngày hội văn hóa bản Mông cũng đã tổ chức biểu diễn nhiều tiết mục văn hóa-văn nghệ, dân ca, dân vũ, chơi nhạc cụ truyền thống, tạo nên sức hấp dẫn riêng, để khách du lịch khi đến bản Cát Cát thực sự có những trải nghiệm thú vị về nét văn hóa truyền thống đặc sắc dân tộc Mông. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên du lịch Cát Cát cho biết: "Mặc dù vẫn là những hoạt động thường nhật của bà con, nhưng khi được nâng tầm và tổ chức thành ngày hội, du khách dễ thẩm thấu hơn chất văn hóa đặc trưng riêng có của bản người Mông Cát Cát. Đây cũng là hướng đi của công ty, không chỉ giúp bà con bảo tồn văn hóa của chính họ, mà còn tạo sinh kế cho họ từ việc họ kể câu chuyện văn hóa của dân tộc mình cho du khách thông qua các hoạt động ngày hội văn hóa"...

Tại huyện Văn Bàn, Ngày hội văn hóa các dân tộc mới đây cũng được tổ chức đầy ấn tượng. Bên cạnh trình diễn, tổ chức thi đấu các trò chơi dân gian: bắn nỏ, đẩy gậy, tó mắc lẹ, tung còn....; trưng bày các sản vật địa phương, thì một trong những hoạt động thu hút đông du khách thập phương và người dân địa phương hơn cả, đó là Hội thi ẩm thực các dân tộc. Đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Xá Phó... trong huyện đã mang đến hội thi tinh hoa ẩm thực của dân tộc mình, các món ăn truyền thống, cách chế biến độc đáo, mang nét đặc trưng riêng.

Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn chia sẻ: "Ngày hội văn hóa các dân tộc năm nay, địa phương đã tập trung vào khai thác mạnh về bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn. Trong đó, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thông qua đó, để truyền thông, quảng bá những nét đặc trưng, thế mạnh của địa phương, để bà con nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác bản tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Người Tày Nghĩa Đô tham gia Hội thi ẩm thực với nhiều món ăn truyền thống đặc sắc. Ảnh: Hoàng Linh

Người Tày Nghĩa Đô tham gia Hội thi ẩm thực với nhiều món ăn truyền thống đặc sắc. Ảnh: Hoàng Linh

Nếu như trước đây, những món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số được chế biến trong các bữa cơm hằng ngày, trong ngày Tết, lễ hay những dịp gia đình, dòng họ đoàn viên... thì nay, khi huyện Bảo Yên tổ chức thành hội thi, đã thực sự tạo thành một ngày hội hấp dẫn du khách cũng như người dân địa phương đến tham quan, trải nghiệm. Những món ăn thường ngày được hình thành ở mỗi dân tộc, mỗi vùng quê, đều có những cách chế biến, cách gia giảm riêng, tạo nên hương vị riêng, độc đáo cho từng món ăn. Hơn thế, trên một mâm cơm, bà con dân tộc thiểu số đã chế biến ra rất nhiều món ăn từ chính sản phẩm nông nghiệp bản địa, từ cây lá trong vườn, từ gia vị lấy trên rừng...

Thực sự, có đến tận nơi, mục sở thị các mâm cỗ bày biện của đồng bào Tày xã Nghĩa Đô trong hội thi ẩm thực tổ chức vào giữa tháng 8/2024, mới thấy được bà con cũng đã nhận thấy được giá trị ẩm thực trong kho báu văn hóa của dân tộc mình. Không đơn giản chỉ là chế biến các món ăn nữa, mà nay họ đã biết kể cho du khách nghe câu chuyện văn hóa ẩm thực của đồng bào Tày đặc sắc ra sao. Chị Nguyễn Lan Anh, du khách đến từ thành phố Lào Cai chia sẻ: Ẩm thực của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô thật phong phú, rất nhiều món ăn được chế biến từ nông sản sạch tại địa phương. Tôi rất thích các món như cá nướng hai lửa, xôi ngũ sắc, vịt bầu lam ống nứa, nộm trám cá suối nướng.... Món ăn nào cũng mang hương vị độc đáo, rất thơm ngon. Đặc biệt, một mâm cỗ của người Tày có đủ vị và rất giàu dinh dưỡng.

Cũng là hội thi ẩm thực, nhưng nét độc đáo ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên là sự phong phú trong chế biến nhiều loại bánh khác nhau. Mỗi dân tộc có một loại bánh rất riêng: bánh chưng đen, bánh chuối của người Tày, bánh sừng trâu của dân tộc Dao, bánh lá đao của dân tộc Nùng... Du khách tham gia ngày hội không chỉ thưởng thức sản vật địa phương, mà còn được tìm hiểu nét văn hóa, tri thức bản địa của từng dân tộc làm ra các món ăn truyền thống.

Ông Nguyễn Sĩ Hồng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên cho biết: Địa phương đang khai thác mạnh tri thức văn hóa bản địa, vừa mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời, hướng tới phát huy trong đời sống hiện tại để tạo sinh kế cho bà con. Chính vì vậy, việc tổ chức các ngày hội văn hóa, hội thi ẩm thực, lễ hội cốm thường niên ở một số địa bàn trọng điểm có thế mạnh về du lịch, cũng là tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Bảo Yên.

Trên thực tế, việc tổ chức những ngày hội văn hóa cũng đã trở thành hoạt động hữu ích trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống ở Lào Cai, trong các dịp Tết cổ truyền, lễ hội, các kỳ nghỉ lễ, ngày kỷ niệm... Tuy nhiên, rất cần ngành văn hóa, cấp ủy, chính quyền địa phương, tiếp tục định hướng bài bản hơn nữa trong khâu tổ chức, khôi phục, phục dựng nguyên bản giá trị văn hóa gốc, đừng chạy theo xu hướng để biến tấu, làm sai lệch các giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Lê Thanh Cường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ton-vinh-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-post481387.html