Tôn vinh nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Trước xu thế đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo thì tâm huyết gắn với sáng tạo là những giá trị cốt lõi của người giáo viên, là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công yêu cầu xây dựng một nền giáo dục nhân văn, phát triển bền vững. Điều này được khẳng định qua ngày càng nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được công nhận, vinh danh ở Hà Nội và đang lan tỏa tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Những người “truyền lửa”
Những cái tên liên tục được xướng lên trong 8 mùa của Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy cô giáo trong từng giờ giảng với mong muốn đem đến những bài học thiết thực, sinh động, hiệu quả, lôi cuốn học sinh hơn ở mọi cấp học.
Tiêu biểu như cô giáo Lê Thị Thanh Huyền (giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Châu Sơn, huyện Ba Vì). Bằng trái tim đầy nhiệt huyết và quyết tâm, cô không chỉ là người thầy mà còn là người tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh nhằm mang đến cho học sinh cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ quốc tế một cách bài bản, hiệu quả.
Trước khi trở về công tác tại quê hương Ba Vì, cô đã từng cống hiến tuổi trẻ của mình tại vùng đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tân Sơn (Phú Thọ) - nơi cô đã vượt qua vô vàn khó khăn để giúp học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận với tri thức hiện đại. Cô không chỉ dạy các em tiếng Anh mà còn truyền tải niềm đam mê học tập và tinh thần tự tin, khám phá thế giới.
Năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, đầy sức trẻ, luôn hết mình với công việc là những điều mà các thế hệ học sinh, phụ huynh và tập thể giáo viên nhà trường nói về thầy giáo Phạm Hoàng Tuấn Minh (Tổ phó Tổ Tự nhiên I, Thư ký Hội đồng Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm).
Một trong những sáng kiến chuyên môn mà thầy đã xây dựng và áp dụng hiệu quả là công tác phát triển chương trình nhà trường, thiết kế hệ thống các chuyên đề Toán dành cho học sinh đại trà và học sinh có năng khiếu.
Thầy Minh chia sẻ, trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lần lượt từng khối cấp; định hướng tăng cường tính thực tiễn ở cả những bộ môn “hàn lâm” như Toán học đã tạo điều kiện cho việc áp dụng những sự đổi mới hiệu quả hơn.
Theo đó, thầy đã nghiên cứu, phân tích các đặc điểm của chương trình mới, so sánh với chương trình cũ; đồng thời chú trọng những điều kiện thực tế của Trường Trung học cơ sở Trưng Vương để xác định những mục tiêu lớn của hệ thống chuyên đề.
Những mục tiêu này được gắn với những đổi mới quan trọng như nâng cao chất lượng dạy - học môn Toán cho học sinh đại trà nhưng vẫn tạo cơ hội cho những học sinh có năng khiếu Toán được phát triển đam mê. Mỗi nhóm học sinh được cá nhân hóa nhiều hơn với những nội dung phù hợp với năng lực của bản thân.
Ngoài ra, thầy cũng đưa vào chương trình các chuyên đề có tính thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tế; bổ sung các chuyên đề Toán tiếng Anh theo chương trình của các nước, các giáo trình tiên tiến hay các dạng bài trong các kỳ thi Toán quốc tế; chú trọng sử dụng các phương pháp, hình thức dạy học mới mẻ, đảm bảo học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà còn chủ động tham gia vào quá trình học tập, chủ động chiếm lĩnh tri thức…
Bằng các biện pháp thiết thực và hiệu quả, những lứa học sinh do thầy giảng dạy đều đạt được thành công rực rỡ.
Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương
Câu chuyện của cô giáo Lê Thị Thanh Huyền hay thầy giáo Phạm Hoàng Tuấn Minh chỉ là hai trong rất nhiều những nhà giáo lọt vào chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8.
Đánh giá về chất lượng các nhà giáo tham gia xét giải năm nay, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức Giải thưởng và đến năm nay là năm thứ 8. Qua mỗi năm tổ chức, Giải thưởng đều có những đổi mới để lan tỏa đến nhiều địa phương, cũng như nhiều đơn vị trực thuộc để các nhà giáo biết đến và phấn đấu.
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” là giải thưởng cao quý với mục đích tuyên truyền, vận động đông đảo cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; động viên, khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng những đổi mới, sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở tạo ra những hiệu quả mới, những biến chuyển mới ở mỗi đơn vị, nhà trường.
Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng…; góp phần xây dựng đơn vị và ngành Giáo dục Thủ đô ngày càng vững mạnh.
Thời gian qua, Giải thưởng đã được các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã và các nhà trường triển khai sâu rộng đến đội ngũ nhà giáo. Nhiều ý tưởng, giải pháp đổi mới trong quản lý, chỉ đạo dạy học, đổi mới phương pháp, xây dựng trường học hạnh phúc, bồi dưỡng học sinh giỏi, công tác giáo viên chủ nhiệm, ứng dụng công nghệ thông tin, làm đồ dùng dạy học… đã được các nhà giáo khai thác, triển khai hiệu quả.
Những nhà giáo được tôn vinh từ Giải thưởng đã trở thành những nhân tố truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập bằng những dự án, sản phẩm vừa mang tính khoa học, vừa có tính ứng dụng cao, góp thêm vào kho học liệu của ngành những kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ton-vinh-nha-giao-thu-do-tam-huyet-sang-tao-180581.html