Tôn vinh, nhân rộng những hành động đẹp
Năm 2020 là năm thứ 20 thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Một trong những chương trình đóng góp tích cực vào thành công của phong trào này trong thời gian qua là Chương trình 7 Người tốt, việc tốt.
Đó là chia sẻ của đồng chí Phạm Tấn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Báo Đồng Nai nhân dịp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Chương trình 7 Người tốt, việc tốt tổ chức hội nghị tuyên dương gương người tốt, việc tốt năm 2020.
* Lan tỏa những bông hoa việc tốt
* Thưa ông, xin ông cho biết những kết quả tích cực mà Chương trình 7 mang lại trong thời gian qua?
- Trong 20 năm qua, từ Chương trình Người tốt, việc tốt của tỉnh, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, biểu dương, khen thưởng trên 2,5 ngàn lượt tấm gương người tốt, việc tốt. Trong đó, Chủ nhiệm Chương trình 7 Người tốt, việc tốt cấp tỉnh tặng giấy khen cho trên 2 ngàn lượt gương điển hình. UBND tỉnh tặng bằng khen cho 449 lượt gương điển hình. Riêng năm 2020, toàn tỉnh có hơn 900 gương điển hình được biểu dương, khen thưởng ở các cấp. Qua lựa chọn có 66 gương điển hình tiêu biểu được UBND tỉnh tặng bằng khen và 81 gương điển hình được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Chương trình 7 tặng giấy khen.
Các gương điển hình người tốt, việc tốt được tuyên dương đều được xét chọn chặt chẽ, đúng quy trình, mang tính đại diện cao, có sức lan tỏa, thuyết phục. Chiếm tỷ lệ đông đảo trong những tấm gương người tốt, việc tốt là cán bộ, đảng viên, mặt trận, đoàn thể, chứng tỏ việc nêu gương tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được thực hiện tốt trong cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, những tấm gương nông dân sản xuất giỏi, đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới những năm gần đây xuất hiện vượt trội, phản ánh thành tựu của phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà. Gương học sinh đam mê nghiên cứu khoa học; người tàn tật vượt lên số phận làm những việc giúp ích cho xã hội ngày càng nhiều. Những tấm gương là giới nữ, đồng bào các tôn giáo tăng lên trong những năm gần đây. Những tấm gương học sinh học giỏi, sống tốt, thanh niên lập thân, lập nghiệp đều chiếm một tỷ lệ đáng kể hằng năm.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai với tinh thần nghiêm túc, bài bản, cụ thể và theo đúng kế hoạch đã đề ra góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Có được kết quả đó là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và vai trò của cơ quan Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai thường xuyên tổ chức thực hiện các loạt bài, thông tin tuyên truyền về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gương điển hình người tốt, việc tốt... trên các kỳ phát hành, phát sóng.
* Những tấm gương người tốt, việc tốt được tuyên dương đã tạo được sức lan tỏa trong xã hội như thế nào? Ý nghĩa của việc tuyên dương kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt là gì, thưa ông?
- Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo Ban chủ nhiệm Chương trình 7 phối hợp với các cơ quan báo, đài của tỉnh tổ chức xây dựng phim phóng sự, các chuyên mục giới thiệu về gương điển hình người tốt, việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp cùng NXB Đồng Nai xây dựng kỷ yếu Gương sáng đời thường với số lượng 1 ngàn cuốn/năm cung cấp cho các địa phương, đơn vị, thư viện, các bưu điện văn hóa xã...
Các gương người tốt, việc tốt, những việc làm ý nghĩa, nhân văn, cao thượng, hết mình vì cộng đồng, tương thân, tương ái... của các tấm gương đã tạo sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong cộng đồng và toàn xã hội đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Thông qua việc tuyên dương gương người tốt, việc tốt nhằm tôn vinh, nhân rộng những hành động đẹp, nhân ái, nhân văn, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ tạo thành dòng chủ lưu trong đời sống xã hội.
* Chú trọng tuyên dương, khen thưởng đột xuất
* Thưa ông, việc thực hiện Chương trình 7 trong thời gian qua có gặp khó khăn, vướng mắc, hạn chế gì? Làm thế nào để nhân rộng hơn nữa chương trình này đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, đến từng người dân trong tỉnh?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình Người tốt, việc tốt của tỉnh trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: giai đoạn đầu việc thực hiện chưa được đều khắp ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Hình thức biểu dương, khen thưởng còn xơ cứng, chưa linh hoạt khi phát hiện những gương người tốt, việc tốt. Công tác tuyên truyền vẫn có những hạn chế, hình thức tuyên truyền chưa thật phong phú, đa dạng, chủ yếu tuyên truyền vào dịp cuối năm mà chưa thực hiện thường xuyên. Một số địa phương, đơn vị xét chọn đề nghị tuyên dương, khen thưởng những tấm gương chưa được khách quan, chưa thật sự tiêu biểu.
Trong thời gian tới, nhằm khắc phục những vấn đề còn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, Ban chủ nhiệm Chương trình 7 Người tốt, việc tốt tổ chức phát động phong trào người tốt, việc tốt ngay trong hội nghị tổng kết hằng năm, đồng thời triển khai kế hoạch, tiêu chí về xét chọn, đề nghị tuyên dương, khen thưởng theo từng cấp.
Ngoài ra, phối hợp với NXB Đồng Nai phát hành kỷ yếu Gương sáng đời thường. Các cơ quan báo, đài tăng cường chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng những gương người tốt, việc tốt các địa phương, đơn vị kịp thời động viên, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng đột xuất những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc.
* Xin ông cho biết định hướng thực hiện Chương trình 7 của tỉnh trong thời gian tới có gì mới so với những năm qua?
- Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Chương trình 7 sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc làm tốt trên tất cả các lĩnh vực, tạo thành một phong trào thi đua rộng khắp, trước mắt là các hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, phong trào Người tốt, việc tốt sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, hướng đến chân - thiện - mỹ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Gắn việc thực hiện chương trình người tốt, việc tốt với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng tiêu chí về người tốt, việc tốt cần cụ thể, sâu sát, tỉ mỉ. Tiêu chí đề ra càng cụ thể, sát hợp, càng thuận lợi cho việc phát hiện, biểu dương. Khách quan, kịp thời trong phát hiện, lựa chọn, biểu dương người tốt, việc tốt. Thực hiện nghiêm túc định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình.
Chú trọng tuyên dương, khen thưởng đột xuất, kịp thời các gương người tốt, việc tốt ngay từ cơ sở, ngay khi thành tích vừa phát hiện nhằm kịp thời động viên, nhân rộng những hành động dũng cảm vì cộng đồng, xã hội. “Lấy gương tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” như Bác Hồ đã dạy.
* Xin cảm ơn ông!
Hôm nay 4-12, tại Hội trường Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình 7, tuyên dương người tốt, việc tốt năm 2020. Tại hội nghị, Ban tổ chức sẽ tuyên dương 146 cá nhân và tập thể, trong đó có 66 gương điển hình được tặng bằng khen của UBND tỉnh và 81 gương điển hình được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen.
Đức Toàn - Văn Truyên (thực hiện)