Tôn vinh 'những đóa hoa' kiên trung, bất khuất
Chương trình tham quan, trải nghiệm mang tên 'Đêm thiêng liêng - Sống như những đóa hoa' tại Nhà tù Hỏa Lò đã mang đến cho du khách nhiều xúc động.
Chương trình tham quan, trải nghiệm mang tên “Đêm thiêng liêng - Sống như những đóa hoa” tại Nhà tù Hỏa Lò đã mang đến cho du khách nhiều xúc động.
Đây là điểm nhấn trong hoạt động của Di tích Nhà tù Hỏa Lò chào mừng Ngày Phụ nữ việt Nam 20-10, gửi lời tri ân đặc biệt với công lao, đóng góp, hi sinh của các nữ chiến sĩ cách mạng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò trong những năm đấu tranh giành và giữ độc lập.
“Đêm thiêng liêng” chọn thời gian buổi tối để du khách có thể cảm nhận và trải nghiệm sâu sắc cảnh tù đày ghê rợn, tối tăm, không khí ngột ngạt của buồng giam, sự đàn áp khủng bố khốc liệt của cai ngục.
Trên bối cảnh khắc nghiệt đó tinh thần chiến đấu, hy sinh của các nữ chiến sĩ lạc quan vượt lên gông cùm càng được làm nổi bật “như những đóa hoa”.
Từ cổng chính qua các trại giam tập thể tù nam, khu biệt giam (cachot - xà lim biệt giam), cây bàng trăm tuổi, cửa cống ngầm, trại tù nữ, máy chém, khu vực xà lim tử hình, hành trình 60 phút trải nghiệm sẽ đưa du khách đến với không gian thiêng liêng để cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh, gian khổ mà ngời sáng tinh thần, ý chí cách mạng của những nữ tù nhân.
Các bà, các mẹ, các chị kiên trung, bất khuất hiện lên như những đóa hoa kiên cường trong bão táp qua những câu chuyện, hiện vật, hình ảnh tư liệu, được minh họa bằng những hoạt cảnh, được hỗ trợ đa phương tiện từ những công nghệ mới.
Người phụ nữ kiên cường đầu tiên được ghi danh ở nhà ngục Hỏa Lò là “bà nhiêu Sáu” (Nguyễn Thị Ba).
Người phụ nữ trẻ quê gốc ở làng Tương Mai (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) là chủ quán cơm ở số 20 phố Cửa Nam, nơi các nghĩa sĩ của vụ “Hà thành đầu độc” bất thành (ngày 27-6-1908) thường xuyên tụ họp bàn mưu. Việc lớn không thành nhưng bà nhiêu Sáu đã để lại một tấm gương liệt nữ được kính phục.
Truyền thống kiên cường, bất khuất, thủy chung được các nữ chiến sí cách mạng tiếp nối và tô đậm ở nhà ngục Hỏa Lò. Các đồng chí liệt sĩ (Phạm) Hoàng Ngân (vị hôn thê của đồng chí Hoàng Văn Thụ), đồng chí Hoàng Thị Ái (vợ đồng chí Nguyễn Phong Sắc), liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)… đã để lại những câu chuyện xúc động.
Du khách lần đầu được biết về cuộc sống tù đày với sự giam cầm hà khắc, với tra tấn, bệnh tật, với gian khổ, thiếu thốn nhưng vẫn vững vàng ý chí, tinh thần cách mạng của các nữ chiến sĩ đã không kìm nén được cảm xúc của mình.
Thông điệp từ những trải nghiệm này cũng thật giản dị: Thế hệ trước đã đổ biết bao xương, máu để giành độc lập, tự do. Thế hệ hôm nay tìm về quá khứ để trân trọng giá trị của hòa bình, để trân quý hơn tình người, tình đồng chí, đồng đội, để làm những điều tốt đẹp hơn cho tương lai.
Kết thúc hành trình trải nghiệm, lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại đài tưởng niệm được thực hiện đầy cảm xúc. Trong không gian thiêng thiêng, du khách thực hiện nghi thức tri ân để cảm nhận sự giao hòa giữa tâm linh và đời thực, giữa hiện tại và quá khứ…
Những xúc cảm của lòng tri ân, sự biết ơn, niềm tự hào dân tộc sẽ được khơi gợi, tạo nên ấn tượng không thể nào quên. Du khách sẽ được trải nghiệm một hình thức “Lập trình ngôn ngữ Nơ-ron” đặc biệt nhằm vào việc thay đổi hành vi từ sự thay đổi lối tư duy dẫn đến hành vi.
Phần cuối của chương trình du khách sẽ được trực tiếp nếm thử một số sản phẩm đặc trưng chỉ có tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò là trà bàng lá nếp, thạch bàng tam vị, nhân hạt bàng khô và cùng trao đổi cảm xúc, ý kiến với những người vừa đưa mình đi trải nghiệm.
Những món quà lưu niệm là những sản phẩm bàng đặc trưng và chỉ có tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò: quả bàng khô khắc logo của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, lá bàng khô khắc những bài thơ của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng, chiếc bookmark in hình cổng chính của Di tích… sẽ theo du khách về và làm lan xa, tỏa rộng hơn những câu chuyện kể về di tích.
TS Nguyễn Bích Thủy, Trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Chương trình được nghiên cứu xây dựng, đầu tư một cách công phu, bài bản, hướng đến ý nghĩa lớn nhất là giáo dục tinh thần hy sinh, kiên trung vì lý tưởng cách mạng của các nữ chiến sĩ và phát huy tinh thần đó trong cuộc sống hôm nay”.
Chương trình tham quan, trải nghiệm “Đêm thiêng liêng - Sống như những đóa hoa” được thực hiện cùng với chương trình “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” đã được khai trương từ ngày 26-6, từ 19 giờ ba ngày cuối tuần.
Tour trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” là ý tưởng sáng tạo, hưởng ứng chủ trương của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội và chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về quảng bá điểm đến lịch sử, văn hóa, du lịch của Thủ đô. Chương trình có sự phối hợp giữa Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Công ty lữ hành Hanoitourist, nằm trong gói kích cầu du lịch đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống từ di sản, di tích của Thành phố.