Tôn vinh những giá trị trong xây dựng thành phố thông minh
Giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) TPHCM lần thứ 11 năm 2019 với chủ đề 'Hành trình vươn tới đô thị thông minh' chuẩn bị công bố và trao giải thưởng.
Trước thềm sự kiện này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Cường, Trưởng ban tổ chức giải thưởng, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, về những giải pháp, sản phẩm sẽ được trao giải - những giá trị triển vọng cho ngành CNTT-TT thành phố khi ứng dụng vào thực tiễn.
* PHÓNG VIÊN: Theo kế hoạch, sự kiện công bố và trao giải thưởng sẽ diễn ra vào tháng 12-2019. Ông có thể cung cấp những thông tin ban đầu về kết quả của giải thưởng?
* Ông LÊ QUỐC CƯỜNG: Về kết quả chính thức thì đến ngày trao giải thưởng chúng tôi sẽ công bố và tôn vinh, nhưng có thể đánh giá sơ bộ. Giải thưởng được khởi động từ tháng 8-2019, đến ngày 31-10-2019 đã nhận được 65 hồ sơ tham dự. Các tổ chuyên gia tổ chức đánh giá hồ sơ và khảo sát thực tế trong tháng 11-2019, đến nay đã có kết quả với sự thống nhất cao.
Trong đó, có nhiều sản phẩm phục vụ tốt quá trình xây dựng đô thị thông minh tại TPHCM ở các lĩnh vực như chuyển đổi số, kết nối vạn vật, điều hành và giải pháp ứng dụng cho người dân. Đáng chú ý, năm nay các cơ quan quản lý nhà nước như UBND quận 12, Sở Y tế, Tổng Công ty Điện lực TPHCM… tham gia giải thưởng tích cực với những sản phẩm, giải pháp gắn liền với đô thị thông minh.
* Qua ghi nhận cho thấy, ở nhóm 1 của giải thưởng là doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu, và nhóm 2 là doanh nghiệp có sản phẩm phần cứng tiêu biểu, có nhiều sản phẩm thể hiện rõ sự ứng dụng hữu hiệu trong tiến trình thực hiện đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”. Ông có đánh giá gì về sự tác động này qua sản phẩm, giải pháp đã tham gia giải thưởng?
* Nhóm 1 có 16 hồ sơ tham dự của 12 doanh nghiệp. Ở nhóm này, điểm cộng thêm sẽ cộng cho những sản phẩm có ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong nước, hoặc thuộc các chương trình phát triển sản phẩm trọng điểm, hoặc trực tiếp đóng góp cho việc xây dựng đô thị thông minh, giải quyết các vấn đề nóng hiện nay của xã hội. Chúng ta có thể thấy, Hệ thống quản trị tài liệu Doceye, Phần mềm Quản lý trường học, Phần mềm Quản lý thư viện điện tử tích hợp - Lạc Việt Vebrary hay Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT - FPT. Fortuna… là những sản phẩm phục vụ quá trình chuyển đổi số, là một phần không thể thiếu trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh.
Còn nhóm 2, với doanh nghiệp có sản phẩm phần cứng tiêu biểu, tổ chuyên gia làm việc hết sức căng thẳng và phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế nhiều lần tại các đơn vị. Nhóm 2 có 6 hồ sơ tham dự, hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều tên tuổi mới, thuyết phục với các sản phẩm, giải pháp thông minh, kết nối vạn vật…
* Thưa ông, sản phẩm, giải pháp ICT tiêu biểu, có tác động tích cực đến việc thực hiện đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” thì rõ ràng ở giai đoạn hiện nay, đặc biệt vào năm 2020, những sản phẩm, giải pháp ấy đã và sẽ được ứng dụng rộng rãi, mang lại giá trị đối với đơn vị ứng dụng hay người dân sử dụng ứng dụng. Ông có thể cho biết rõ hơn vấn đề này từ thực tế cũng như qua giải thưởng?
* Trong năm 2019, 4 trung tâm - được xem là trụ cột của Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh - gồm Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm an toàn thông tin đã được hình thành, phục vụ cho công tác điều hành, lãnh đạo của thành phố.
Song song đó, các đơn vị, quận huyện đã xây dựng, hoàn thiện nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ mà hiện nay các ứng dụng, giải pháp này đã có mặt trong các lĩnh vực từ giao thông đến y tế, giáo dục… Vì vậy, năm 2020 là năm bắt đầu những kết nối của người dân với 4 trụ cột của đô thị thông minh.
Liên quan đến giải thưởng, các sản phẩm, giải pháp ICT tiêu biểu tác động tích cực đến việc thực hiện đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” cũng không nằm ngoài tiến trình xây dựng đô thị thông minh tại TPHCM.
Các sản phẩm, giải pháp này nằm ở nhóm 4. Ở nhóm này có 7 hồ sơ tham dự, các đơn vị tham gia đều có ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác quản lý, điều hành, đạt được hiệu quả tích cực trong việc tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, tạo sự thuận lợi cho khách hàng, người dân và hỗ trợ lãnh đạo đơn vị ra quyết định xây dựng các chiến lược nhằm đạt lợi thế cạnh tranh, như Sở GTVT, Sở Y tế, UBND quận 12.
Không chỉ qua hồ sơ dự thi mà thực tế tại các đơn vị này, như ở quận 12, người dân đã và đang sử dụng rất nhiều ứng dụng để thực hiện các thủ tục hành chính, giao tiếp với chính quyền; ở Tổng Công ty Điện lực TPHCM thì hệ thống lưới điện thông minh đã khẳng định được giá trị công nghệ phục vụ đời sống.
* Ở nhóm 3 của giải thưởng là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu. Ở nhóm này, kết quả cho thấy những đột phá trong ngành CNTT hay không, khi nó liên quan nhiều đến phần mềm, hệ thống…, là lợi thế cạnh tranh của ngành CNTT tại TPHCM, thưa ông?
* Như tôi đã nói, chủ đề giải thưởng năm nay “Hành trình vươn tới đô thị thông minh”, nên những sản phẩm ở nhóm này phải phù hợp với tiêu chí là những sản phẩm cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu về CNTT-TT, như kinh doanh thương mại điện tử; dịch vụ cung cấp nội dung trên nền mạng viễn thông; dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin trên nền điện toán đám mây; dịch vụ cung cấp chữ ký số; các loại dịch vụ lưu trữ, xử lý, khai thác dữ liệu; các loại dịch vụ tư vấn, triển khai hệ thống thông tin; các dịch vụ mới có tính sáng tạo, mang lại khả năng cạnh tranh trong tương lai, hỗ trợ bảo vệ thương hiệu và sở hữu trí tuệ…
Qua quá trình xem xét, đánh giá thực tế, những sản phẩm tham dự ở nhóm 3 đều góp phần tích cực vào việc tạo ra thị trường sản phẩm dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu và bám sát với chủ đề giải thưởng năm nay.
Giải thưởng CNTT-TT TPHCM lần thứ 11 năm 2019 còn tôn vinh đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT của thành phố (nhóm 5), căn cứ theo tiêu chí về quá trình hoạt động, công trình hay sản phẩm hiệu quả, những đóng góp vào sự phát triển của ngành CNTT-TT thành phố.
Các đơn vị, cá nhân là ứng viên giải thưởng năm nay nhìn chung đều có quá trình hoạt động lâu năm trong ngành CNTT, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành CNTT-TT thành phố. Trong đó, nhiều đơn vị có nguồn nhân lực lớn, sở hữu thế mạnh về công nghệ và nền tảng trong những lĩnh vực CNTT-TT, có những thành tích nổi bật trong ngành và được sự tín nhiệm cao trong cộng đồng CNTT-TT. Những đóng góp của các đơn vị này đã tạo nên nền tảng sâu rộng, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới để trở thành hạ tầng lớn mạnh cho hàng loạt ứng dụng của đô thị thông minh.
Giải thưởng cũng được trao tặng cho sinh viên ngành CNTT-TT có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc tại TPHCM (nhóm 6). Ở nhóm này, ban tổ chức nhận được tổng cộng 17 hồ sơ của 6 trường đăng ký tham gia giải thưởng. Qua quá trình đánh giá, thẩm định, tổ chuyên gia đã đề xuất sinh viên xứng đáng được xem xét trao giải. Đáng chú ý, năm nay còn xuất hiện những sinh viên trường nghề, từng đoạt các giải thưởng quốc tế danh giá… cũng là nguồn lực quan trọng của thành phố trong nay mai.