Tôn vinh những gương sáng thương binh nặng

Ngày 25-7, lễ gặp mặt tuyên dương 500 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 diễn ra trọng thể tại Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Các đại biểu thương binh nặng giao lưu, trò chuyện tại chương trình.

Các đại biểu thương binh nặng giao lưu, trò chuyện tại chương trình.

Những con người có ý chí, nghị lực phi thường

Trải qua hàng chục năm chiến tranh gian khổ và ác liệt, khi đất nước hòa bình, những người thương binh trở về với gia đình, với quê hương. Họ đã để lại sau lưng tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cùng một phần thân thể trong chiến đấu. Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn hiện diện. Các thương binh hằng ngày vẫn phải đối diện với bao cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng nhiều người trong số họ đã vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục xây dựng gia đình, quê hương.

Trong lễ tuyên dương trang trọng diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 25-7, có 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Họ đại diện cho hơn 12 nghìn thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước về dự.

Giao lưu với các đại biểu thương binh nặng tại buổi gặp mặt.

Giao lưu với các đại biểu thương binh nặng tại buổi gặp mặt.

Các đại biểu thương binh nặng đều mất sức lao động 81% trở lên. Trong đó, hơn 100 đại biểu tỷ lệ mất sức lao động trên 90%. Tám đại biểu là thương binh nặng mất sức lao động 100%. 406 thương binh đang sống cùng gia đình và người thân. 94 đại biểu thương binh hiện đang được chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. 30 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 44 đại biểu thương binh nặng là nữ, 35 đồng chí thương binh bị mất thị lực hoàn toàn, 68 đồng chí di chuyển bằng xe lăn, 29 đồng chí sử dụng chân giả. Phần đông các đại biểu ở độ tuổi xưa nay hiếm, 70 đến 80 tuổi.

Điểm chung nhất của những thương binh nặng về dự hội nghị là ý chí, nghị lực phi thường. Điều đó đã giúp họ vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, chăm lo xây dựng cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong cộng đồng.

Thương binh nặng Đào Đăng Nguyên đến từ xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị suy giảm khả năng lao động 95%. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tháng 3 năm 1967 ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Tháng 2 năm 1968, ông bị thương và bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Quốc. Trong chốn lao tù, ông đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đau đớn, cùng những đòn tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo của địch nơi địa ngục trần gian, đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn không ngừng đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng. Ông được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, ông là tấm gương trong xây dựng cuộc sống và đoàn kết nơi dân cư.

Khoảnh khắc hội ngộ của các thương binh nặng tại buổi gặp mặt.

Khoảnh khắc hội ngộ của các thương binh nặng tại buổi gặp mặt.

Đó còn là tấm gương thương binh Nguyễn Trung Tín ở phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh, cũng mất sức lao động 95%. Ông đã tham gia chiến đấu vào sinh ra tử, tham gia nhiều chiến dịch lớn của bộ đội chủ lực như chiến dịch Chu Lai; Tư Nghĩa, Quảng Nam; Thu Bồn, Quế Sơn; Đường 9 Nam Lào; tiễu phỉ Vàng Pao tại Trung Lào... Trong chiến dịch Tân Cảnh - Đắc Tô tại tỉnh Kon Tum, ông bị thương gãy cột sống, vỡ hai khung xương chậu, vỡ bàng quang, được các đồng đội kịp thời cứu sống đưa về tuyến sau điều trị. Mặc dù vết thương cũ thường xuyên tái phát, nhưng bản thân kiên trì tập luyện, vượt qua bệnh tật, ông đã là Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu thanh niên xung phong... nêu gương sáng cho con cháu noi theo.

Trong số 500 thương binh nặng tiêu biểu, không ít người là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những chiến công hiển hách của thương binh nặng Lê Hữu Trạc, tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tham gia bảo giới tuyến 17 và giữ đảo Cồn Cỏ. Ông cùng với đơn vị tiêu diệt nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài của quân địch; chiến công của đơn vị và cá nhân ông đã được ghi nhận trong sách vở. Bản thân ông cũng mất đi đôi mắt của mình. Về địa phương tham gia công tác, ông từng giữ cương vị Chủ tịch Hội người mù tỉnh Quảng Bình, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương.

Bên cạnh những đồng đội nam, những nữ thương binh nặng cũng ghi nhận bao đóng góp không hề nhỏ. 44 nữ đại biểu có mặt trong Lễ tuyên dương không chỉ anh hùng trong chiến đấu, mà cả trong cuộc sống và xây dựng gia đình hạnh phúc. Họ đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn do chiến tranh để lại.

Nữ thương binh Nguyễn Thị Thanh Hoài của phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, sớm giác ngộ và tham gia phục vụ cách mạng từ năm 12 tuổi. Bà là Đội phó Đội thiếu niên tiền phong thôn 4 xã Điện Trung, đã lập nhiều thành tích trong kháng chiến. B bị thương nặng trong một lần bị địch phục kích, hiện nay, tuy suy giảm phần lớn thị lực, bà vẫn vượt qua khó khăn trong cuộc sống để chăm lo cho gia đình cũng như hoạt động cộng đồng.

Nữ thương binh Trương Hồng Dân, 71 tuổi, đến từ thành phố Cần Thơ, tham gia cách mạng từ năm 11 tuổi. 15 tuổi, bà bị giặc bắt vào tù. Ra tù, bà tiếp tục tham gia chiến đấu, bị thương nặng vào năm 1970. Sau khi hòa bình lập lại, bà về tham gia công tác ở địa phương, làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo.

Cũng rất cảm động là chuyện người thương binh nặng Nguyễn Văn Lộc, ở phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Suy giảm khả năng lao động 91%, nhưng ông vẫn đau đáu một tấm lòng với những đồng chí, đồng đội đã hy sinh chưa tìm được hài cốt. Ông tâm sự đầy xúc động: "Chiến tranh kết thúc, dù sao chúng ta cũng may mắn được trở về. Nhưng còn rất nhiều đồng chí, đồng đội vẫn nằm lại nơi khe suối, bìa rừng. Những người lính được trở về hôm nay phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với những đồng đội đã ngã xuống. Chừng nào còn sống, còn sức khỏe, hành trình tìm đồng đội của tôi vẫn chưa dừng lại". Trong nhiều năm qua, ông đã cùng đồng đội cung cấp thông tin, tìm kiếm để các đơn vị quân đội quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về nơi an nghỉ.

Vươn lên giữa cuộc đời

Các thế hệ người lính Bộ đội Cụ Hồ tại chương trình.

Các thế hệ người lính Bộ đội Cụ Hồ tại chương trình.

Buổi gặp mặt cũng là dịp tuyên dương nhiều tấm gương thương binh nặng làm kinh tế giỏi, thu hút tạo việc làm cho địa phương. Tiêu biểu như thương binh nặng Hoàng Văn Tuyên ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Trở về cuộc sống đời thường, ông không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình kinh doanh. Ông mở công ty may, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Nhiều lao động trong doanh nghiệp là con em thương binh, gia đình chính sách. Doanh thu hằng năm của công ty đạt hàng chục tỷ đồng. Ông dành một phần đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.

Thương binh Dương Văn Bỉ (thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) mất sức lao động 86%, năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn hằng ngày cùng với con cháu tích cực tham gia lao động sản xuất, phát huy có hiệu quả mô hình vườn - ao - chuồng với diện tích canh tác hơn 6.000 m2 , vừa trồng cây nông nghiệp, công nghiệp, trồng cỏ nuôi bò, trồng cây ăn quả lâu năm kết hợp đào ao thả cá và nuôi tôm sú, doanh thu mỗi năm của gia đình lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đó là sự cống hiến của thương binh nặng Lê Hoàng Quến, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, suy giảm khả năng lao động 94%. Hai mắt không nhìn được, nhưng ông đã không ngại khó khăn, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người mù. Cá nhân ông đã vận động hơn 1.300 phần quà trị giá hơn 500 triệu đồng, 25 căn nhà cho người mù với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng, 20 chiếc xe lăn, hỗ trợ mổ mắt cho người mù. Đây là một kết quả hết sức đáng khâm phục với một người thương binh nặng.

Thương binh nặng Phùng Văn Áy người Mường, tại bản Bang, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã cùng đồng đội trực tiếp tiêu diệt nhiều đơn vị địch cùng nhiều chiến công xuất sắc khác. Về địa phương, ông tiếp tục vai trò đoàn kết các dân tộc nơi sinh sống, là một trong 30 đại biểu dân tộc thiểu số về tham dự Hội nghị.

Chia sẻ tại lễ gặp mặt tuyên dương, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung xúc động đặc biệt với những tấm gương kiên cường bất khuất, chiến thắng bệnh tật của các đồng chí thương binh nặng. Ông cũng cảm phục trước tình cảm của gia đình và cộng đồng địa phương, những người chồng, người vợ, người thân đã ngày đêm sát cánh, động viên, chăm sóc các thương binh nặng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống để xây dựng tổ ấm gia đình, xây dựng quê hương, đất nước.

Bộ trưởng cho rằng, bằng tinh thần và nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, các thương binh nặng đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống. Nhiều đồng chí không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình mình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và cộng đồng, tạo nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn, làm theo lời Bác Hồ dạy: Thương binh tàn nhưng không phế.

* Gặp mặt tuyên dương 500 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân TP Hà Nội tổ chức.

NGÂN ANH, Ảnh: ĐĂNG KHOA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40986802-ton-vinh-nhung-guong-sang-thuong-binh-nang.html