Tôn vinh phẩm chất, tài năng và những đóng góp nổi bật của Đại tướng Đoàn Khuê đối với quê hương, đất nước

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo khoa học 'Đại tướng Đoàn Khuê-Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị', Ban tổ chức đã nhận được hơn 90 tham luận của các đồng chí đã và đang giữ trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước, Quân đội; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; tướng lĩnh, sĩ quan, nhà khoa học và nhân chứng lịch sử...

Các tham luận đã đề cập khá toàn diện, từ truyền thống gia đình, quê hương, quá tình hoạt động cách mạng, phẩm chất, tài năng và những đóng góp nổi bật của Đại tướng Đoàn Khuê đối với quê hương, đất nước. Mỗi tham luận là một công trình độc lập, được nghiên cứu công phu, nghiêm túc vừa đảm bảo tính khoa học, vừa thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với Đại tướng Đoàn Khuê.

 Đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.

Đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.

* Đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị: Quê hương là mạch nguồn, điểm tựa trong cuộc đời hoạt động của Đại tướng Đoàn Khuê

Đồng chí Đoàn Khuê sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Có cha là cụ Đoàn Cầu tham gia hoạt động cách mạng từ những nămđầu thập niên 20 của thế kỷ XX, được kết nạp vào Đảng từ rất sớm và là người cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong (nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Năm 1939, khi mới 16 tuổi, cậu học sinh nghèo Đoàn Khuê tham gia phong trào Thanh niên phản đế và bị địch bắt khi đang là Bí thư Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong. Mặc dù địch tìm đủ mọi cách tra tấn, giam cầm, dụ dỗ, mua chuộc nhưng đồng chí luôn tỏ rõ bản lĩnh, khí phách, phẩm chất kiên trung của người thanh niên yêu nước.

Thoát khỏi nhà tù thực dân, đồng chí tiếp tục tham gia phong trào cách mạng. Từ tháng 6 năm 1945, đồng chí giữ chức Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình. Là vị tướng trưởng thành từ thực tiễn chiến tranh cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong quân đội, đồng chí luôn nêu cao khí phách kiên trung của người cộng sản, người lãnh đạo, chỉ huy sắc sảo, quyết đoán, mưu lược, dũng cảm trên chiến trường, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương- PV), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tầm nhìn chiến lược sâu rộng, đồng chí đã đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhiều chủ trương đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Một trong những đóng góp nổi bật của Đại tướng Đoàn Khuê là đã đề xuất, góp phần vào việc đánh giá tình hình thế giới, khu vực và cục diện cách mạng trong nước; điều chỉnh thế bố trí lực lượng và phòng thủ trên các hướng, các địa bàn, vùng biển đảo, biên giới, đất liền, các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa…, bảo đảm khả năng phòng thủ trong mọi tình huống. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng các khu vực phòng thủ ở các tỉnh, thành. Tổ chức thực hiện thành công cuộc điều chỉnh chiến lược chuyển từ đề phòng chiến tranh xâm lược quy mô lớn chuyển sang đối phó với xung đột vũ trang,… góp phần giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định trong công cuộc đổi mới. Những đề xuất của Đại tướng đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh; và cũng là những bài học kinh nghiệm quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Cùng với quá trình phấn đấu và rèn luyện, truyền thống quê hương, dòng họ, gia đình trở thành cội nguồn hình thành, nuôi dưỡng tài năng, nhân cách của Đại tướng Đoàn Khuê. Dù ở cương vị, trọng trách nào, ở bất cứ đâu, trong tâm khảm đồng chí Đoàn Khuê luôn hướng về quê hương Quảng Trị, luôn coi quê hương là mạch nguồn, là điểm tựa trong cuộc đời hoạt động của mình. Mỗi khi có dịp về thăm quê, đồng chí dành những thời gian quý báu đi đến những vùng sâu, vùng xa, những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân vượt qua khó khăn, xây dựng đời sống mới. Đồng chí căn dặn và chỉ đạo nhiều ý kiến tâm huyết đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, để từng bước xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng phát triển đi lên.

 Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam.

* Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng và anh Bộ đội Cụ Hồ

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Đoàn Khuê gắn bó với chiến trường Khu 5, Khu 4, được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao nhiều trọng trách: Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình, Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi; chính trị viên, chính ủy - bí thư trung đoàn ủy các trung đoàn 69, 73, 78, 126, 84, 108; Phó Chính ủy Đại đoàn 305; Chính ủy Đại đoàn 675; Chính ủy, Bí thư Sư đoàn ủy Sư đoàn 351; Chính ủy, Bí thư Lữ đoàn ủy Lữ đoàn 341 khu vực giới tuyến quân sự; Phó chính ủy, Ủy viên Quân khu ủy Quân khu 4; Phó chính ủy Quân khu 5, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Phó bí thư Quân khu ủy, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 5.

Thấm nhuần quan điểm của V.I. Lênin: “Không có các chính ủy, chúng ta sẽ không có Hồng quân”, đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành điểm tựa về tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu. Trên cương vị là chính trị viên, chính ủy các trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giành nhiều thắng lợi, góp phần quan trọng xây dựng thế trận phòng thủ trên địa bàn chiến lược Khu 4, đấu tranh bảo vệ khu vực giới tuyến quân sự. Trong chiến đấu, công tác, đồng chí thường xuyên chia sẻ những vất vả, mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ; khích lệ, động viên bộ đội vượt qua mọi hoàn cảnh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sự hòa quyện giữa tướng - sĩ, cán - binh không chỉ là phong cách làm việc dân chủ, thân thiết, gần gũi của đồng chí Đoàn Khuê mà còn thể hiện phẩm chất, tài năng chính trị, quân sự của một người chính ủy.

Với tư duy nhạy bén, sâu sát thực tiễn, nắm vững đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng, đồng chí Đoàn Khuê đặc biệt chăm lo xây dựng các tổ chức trong Quân đội, nhất là tổ chức đảng và tổ chức chỉ huy, chú trọng bồi dưỡng ý chí cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận cách mạng và thực tiễn chiến đấu, công tác đã xây dựng phương pháp, tác phong công tác dân chủ, khoa học của đồng chí Đoàn Khuê, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh cách mạng. Chiến trường Khu 5 khi đương đầu với quân viễn chinh Mỹ gặp rất nhiều khó khăn cả về lực lượng, hậu cần, vũ khí, đạn dược... Khắc phục những khó khăn đó, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo, khu ủy chỉ huy, Quân khu 5 luôn bám sát thực tiễn chiến trường, thành lập các đơn vị chủ lực và xây dựng ý chí “quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, lập nên những chiến công vang dội: Chiến thắng Núi Thành (5-1965), Ba Gia (7-1965), Vạn Tường (8-1965), Plei Me (11-1965), Đồng Dương (12-1965) làm nức lòng quân và dân cả nước…

Đánh giá về phẩm chất, đạo đức cách mạng và những cống hiến to lớn của Đại tướng Đoàn Khuê đối với cách mạng Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng và anh Bộ đội Cụ Hồ. Từ trong lao tù, ngoài chiến trận, khi công tác hay trong sinh hoạt, đồng chí Đoàn Khuê luôn luôn thể hiện đức hy sinh, lòng dũng cảm, trí thông minh, sống trung thực, thẳng thắn, nghiêm nghị, giản dị, cần kiệm, nghiêm khắc với mọi biểu hiện hình thức, quan liêu; chan hòa gần gũi đồng cảm với cán bộ, chiến sĩ đồng bào, đồng chí”.

Tại Hội thảo hôm nay, chúng ta tập trung khẳng định và làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu sau: Một là, tiếp tục khẳng định Đại tướng Đoàn Khuê - Người cộng sản kiên trung, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, suốt đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và Quân đội.

Hai là, làm sáng tỏ cuộc đời hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của Đại tướng Đoàn Khuê đối với cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Ba là, phân tích làm sâu sắc hơn vai trò và những đóng góp nổi bật của Đại tướng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội nhân dân, tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng.

Bốn là, tiếp tục làm sáng tỏ phong cách lãnh đạo, chỉ huy kiên định, gần gũi, sâu sát, dân chủ, những giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng để vận dụng vào quá trình xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Năm là, những đóng góp của Đại tướng với Quân khu 5 và quê hương Quảng Trị anh hùng; thành tựu và những bước phát triển của tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Các đại biểu dự Hội thảo.

* TS Phạm Văn Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Đại tướng Đoàn Khuê-Người cộng sản kiên trung, mẫu mực

Đầu năm 1946, đồng chí Đoàn Khuê được điều động vào Liên khu 5, lần lượt được cử giữ các chức vụ Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi; chính trị viên, chính ủy, bí thư trung đoàn ủy các trung đoàn 69, 73, 78, 126, 84 và Trung đoàn 108, rồi Phó chính ủy Đại đoàn 305 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên ở Nam Trung Bộ. Các trung đoàn, đại đoàn này phần lớn hoạt động trên các địa bàn vô cùng khó khăn và ác liệt. Là một cán bộ tận tụy, sâu sát cơ sở, đồng chí đã cùng cấp ủy lãnh đạo các đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau ngày kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đất nước vẫn tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được giải phóng, nhưng miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Tại khu vực giới tuyến quân sự ở vĩ tuyến 17, Lữ đoàn 341 được giao đứng chân. Xuất phát từ tính chất quan trọng của vị trí chiến lược trọng yếu này, Tổng Quân ủy (từ năm 1961 là Quân ủy Trung ương) đã điều đồng chí Đoàn Khuê lúc đó đang là Chính ủy Sư đoàn 351 về làm Chính ủy Lữ đoàn 341. Nhận thức trách nhiệm nặng nề mà cấp trên tin tưởng giao phó, đồng chí vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ. Đồng chí đã cùng Ban Chỉ huy Lữ đoàn lãnh đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Đoàn 126 Hải quân và các lực lượng khác, cùng Đảng bộ địa phương xây dựng Vĩnh Linh thành vùng đất thép kiên cường để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Ở chiến trường Khu 5, một địa bàn trọng điểm, nơi kẻ địch tập trung đánh phá ác liệt, có vùng trắng đất, trắng dân, đồng chí Đoàn Khuê được cử trở lại chiến trường Khu 5 với cương vị Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Phó bí thư Quân khu ủy, Phó chính ủy Quân khu 5, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên. Đồng chí đã cùng Quân khu ủy chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm “dám đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu.

Trưởng thành qua chiến đấu, nhiều năm đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị, đồng chí đã nghiên cứu công phu nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, động viên bộ đội nêu cao tinh thần dũng cảm, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù; đồng thời, phát huy tinh thần sáng tạo, tìm tòi cách đánh hay, hiệu quả để đánh địch; cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân Khu 5 chiến đấu kiên cường, trở thành nơi “đi đầu diệt Mỹ”.

Trưởng thành qua chiến đấu, trải qua thử thách trong những bước ngoặt của cuộc chiến tranh cách mạng chống xâm lược trên chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên, đồng chí Đoàn Khuê là một người chỉ huy trầm tĩnh, suy nghĩ sâu sắc, thấu đáo các vấn đề, nắm chắc những điểm cơ bản của đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, gắn liền lý luận với hoạt động thực tiễn, sâu sát chiến trường, gắn bó với cơ sở, phát động quần chúng thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của cấp dưới, kiên trì bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ, phát huy sức mạnh chính trị và tinh thần của bộ đội, khắc phục những gian khổ, hy sinh, góp phần đánh bại các thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt của kẻ thù.

Đặc biệt, trong những tình huống khó khăn, trước những bước ngoặt chiến lược, đồng chí Đoàn Khuê luôn nêu cao dũng khí và trí tuệ cách mạng, tin tưởng vào sức mạnh của bộ đội và nhân dân. Nhờ vậy, đã góp phần tích cực vào chiến thắng chung của cuộc kháng chiến, như trước yêu cầu cấp bách phải đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị địch, tiến đến tiêu diệt chiến đoàn và trung đoàn ngụy ở Ba Gia, đánh phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, khi chúng mới đổ quân vào miền Nam; thực hành phối hợp có chiến dịch tổng hợp, lấy cấp sư đoàn chủ lực làm nòng cốt, như chiến dịch giải phóng Bắc Bình Định năm 1972; tập trung ưu thế lực lượng tiêu diệt các cứ điểm quan trọng như Nông Sơn - Trung Phước, giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi và Đà Nẵng, hiệu quả với các chiến trường, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên và ven biển miền Trung rộng lớn..., góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với công lao và cống hiến to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976), đồng chí Đoàn Khuê được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sau đó được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, Bí thư Đảng ủy Quân khu. Trên cương vị mới, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Đảng bộ Quân khu vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó. Đồng chí đã cùng Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng; chăm lo xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh; đề cao dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể xây dựng các đơn vị trong toàn Quân khu vững mạnh về mọi mặt, có khả năng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có đấu tranh chống sự phá hoại của FULRO, góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, tạo điều kiện cho công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế trên địa bàn Quân khu.

Nhận xét về đồng chí, sinh thời, Đại tướng Lê Đức Anh đã viết: “Đại tướng Đoàn Khuê là một cán bộ xuất sắc của Đảng ta - tấm gương sáng về một người cộng sản kiên trung, người chỉ huy mẫu mực, dũng cảm, kiên cường vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”. Đại tướng Chu Huy Mân cũng có chung nhận xét: “Anh Đoàn Khuê đức tính trầm tĩnh, suy nghĩ có chiều sâu, nắm chắc những vấn đề cơ bản, gắn liền hoạt động chiến đấu với thực tiễn trên chiến trường”. Suốt 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đi qua nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều chiến trường và đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong lòng bộ đội và nhân dân ta cũng như bạn bè quốc tế. Đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội và sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Với những đóng góp quan trọng, đồng chí Đoàn Khuê được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4.

* Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Nhiều kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng Đoàn Khuê

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi đã trải qua nhiều cương vị, chức vụ khác nhau, được gặp gỡ, phối hợp, công tác với nhiều đồng chí, đồng đội, có người là thủ trưởng trực tiếp, cũng có người là thủ trưởng cấp trên. Trong số đó, người có tác phong làm việc sâu sát, cụ thể, tỉ mỷ, có tầm nhìn bao quát, chiến lược, đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất là Đại tướng Đoàn Khuê. Tôi còn nhớ, năm 1988, Sư đoàn 320 lên vị trí đóng quân mới, tôi triển khai đơn vị tự túc làm gạch, làm ngói để xây dựng doanh trại. Khi đồng chí Tổng Than mưu trưởng Đoàn Khuê xuống thăm Trung đoàn 48, ông hỏi: “Các cậu làm được ngói vậy ngói có tốt không”. Tôi trả lời: “Rất tốt ạ!". Vừa lúc đó tôi và đồng chí bước vào một nhà mới lợp, nhưng có vài viên ngói bị vỡ, ánh sáng soi vào nhà thành những tia sáng trắng. Đồng chí vỗ vai tôi, nói: “Ngói của Sư trưởng 320 tốt sao lại trời nắng cũng dột!”. Thế rồi đồng chí và tôi cùng cười, mọi người cũng cười theo. Riêng tôi tuy cười nhưng tai thì đỏ hết. Tôi thấy đó là một lời nhắc nhở về công tác đôn đốc kiểm tra cấp dưới và phải cụ thể tỉ mỉ, sâu sát. Đại tướng Đoàn Khuê - một vị tướng tài cao, đức trọng có tâm hồn lãng mạn, bên ông, tôi như một người học trò nhỏ bé.

 Thiếu tướng Cao Tiến Phiếm, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư khóa IX, X, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị , QĐND Việt Nam.

Thiếu tướng Cao Tiến Phiếm, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư khóa IX, X, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị , QĐND Việt Nam.

*Thiếu tướng Cao Tiến Phiếm, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư khóa IX, X,nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê có nhiều đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng thời kỳ đầu đổi mới

Đại tướng Đoàn Khuê là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VI, VII, VIII, đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1987 đến năm 1991; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1991 đến năm 1997; sau đó, đồng chí được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng. Đây là thời kỳ tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến rất phức tạp. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, các thế lực đế quốc, phản động lợi dụng thời cơ chĩa mũi nhọn tấn công vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó Việt Nam là một mục tiêu trọng điểm. Ở trong nước, công cuộc đổi mới vừa bắt đầu trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh… còn gặp nhiều khó khăn chồng chất, lại bị bao vây, cấm vận dài ngày, đất nước ta đứng trước bốn nguy cơ lớn: Tụt hậu xa hơn về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng, tệ quan liêu và diễn biến hòa bình, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Với tinh thần trách nhiệm cao, tư duy chính trị, quân sự sắc sảo, nhạy bén, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Đại tướng Đoàn Khuê đã có nhiều đóng góp rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại tướng Đoàn Khuê đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng quốc phòng tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

 Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, Nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu; nguyên Thư ký Bộ trưởng Đoàn Khuê.

Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, Nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu; nguyên Thư ký Bộ trưởng Đoàn Khuê.

* Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu; nguyên Thư ký Bộ trưởng Đoàn Khuê:Đại tướng Đoàn Khuê–Một nhân cách lớn

Gần 17 năm được công tác bên cạnh Đại tướng, với vẻ ngoài nghiêm nghị, hơi khó gần, nhưng từ góc độ thân thế gia đình đến thực tiễn quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng là người có nội tâm rất lớn, luôn "dĩ công vi thượng", suốt đời cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Thời gian đã lùi xa, nhưng trong ký ức và tâm thức của tôi vẫn khắc sâu hình ảnh Đại tướng Đoàn Khuê-một người cộng sản kiên trung, nhà chính trị, quân sự xuất sắc, một nhân cách lớn. Có thể khẳng định rằng, giá trị tinh thần được viết nên từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng Đoàn Khuê là tinh thần yêu nước, sự kiên trung và nhiệt huyết cống hiến, hy sinh đối với cách mạng; luôn lấy thực tiễn làm chân lý cho hành động, luôn "dĩ công vi thượng", lấy tư tưởng, phong cách và đạo đức Bác Hồ để tự rèn luyện bản thân. Đó cũng là tấm gương chuẩn mực về đạo đức, trách nhiệm đối với đất nước, quê hương và gia đình. Đại tướng Đoàn Khuê từng nói: “Mình làm được việc gì, thì những nơi mình ở, những người mình cùng công tác ghi nhận là tốt rồi”!

TRẦN HOÀI-MINH TÚ-VIẾT LAM (Thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/ton-vinh-pham-chat-tai-nang-va-nhung-dong-gop-noi-bat-cua-dai-tuong-doan-khue-doi-voi-que-huong-dat-nuoc-748860