Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt Cổ
PTĐT - Gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên và người dân địa phương sẽ tham gia màn rước Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa trong hoạt động trình diễn văn hóa dân gian đường phố 'Cội nguồn và khát vọng'. Đây là một hoạt động điểm nhấn của chương trình 'Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ' diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/11 tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Thanh Thủy, Phú Thọ.
PTĐT - Gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên và người dân địa phương sẽ tham gia màn rước Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa trong hoạt động trình diễn văn hóa dân gian đường phố “Cội nguồn và khát vọng”. Đây là một hoạt động điểm nhấn của chương trình “Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ” diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/11 tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Thanh Thủy, Phú Thọ.
Là sự kiện do Công ty CP Ao Vua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thanh Thủy phối hợp tổ chức, chương trình “Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ” với chủ đề “Cội nguồn và khát vọng” nhằm quảng bá các tiềm năng văn hóa độc đáo của tỉnh Phú Thọ nói chung, huyện Thanh Thủy nói riêng, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, từ đó quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm làng nghề của địa phương. Chương trình gồm 4 hoạt động chính: Trưng bày Tín ngưỡng thờ Mẫu, hội làng Việt cổ, liên hoan “Âm sắc nguồn cội” và trình diễn văn hóa dân gian đường phố.
Hoạt động trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều hình ảnh và tư liệu sẽ giúp du khách hiểu về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Ra đời và tồn tại trên vùng đất Tổ, tín ngưỡng này gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng, là một sáng tạo văn hóa độc đáo nhằm ghi nhớ, khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống tiên rồng của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Từ nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, các dân tộc Việt Nam rất tôn sùng các hiện tượng tự nhiên có liên quan trực tiếp đến nghề nông. Đó là các vị thần linh siêu nhiên được người Việt gắn với các hiện tượng tự nhiên đầy sức mạnh huyền bí, liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: Tục thờ Mẹ trời, Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ lúa… tục thờ Nữ thần và thờ Tứ Pháp: Mây, Mưa, Sấm, Chớp… Cùng với trưng bày tư liệu và hình ảnh về tín ngưỡng thờ Mẫu, trong chương trình, gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên và người dân địa phương sẽ tái hiện những phong tục này và biểu diễn rước Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thượng Thiên; Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam); Mẫu Địa (Mẫu Đệ Tứ).
Xuyên suốt 3 ngày hoạt động của chương trình là Hội làng Việt cổ sẽ tái hiện không gian sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc bộ với các hoạt động: Sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội; các loại hình diễn xướng dân gian (hát, múa, trò chơi), ẩm thực… Thông qua các hoạt động này, đặc biệt là qua các sản vật trưng bày, Hội làng Việt cổ giới thiệu những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Phú Thọ, tạo cơ hội kết nối, liên kết hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Hội làng, hầu hết các nhóm mặt hàng đặc sản của tỉnh Phú Thọ sẽ được giới thiệu gồm: Chè xanh, chè đen, nấm, thịt chua, thịt muối, bánh cổ truyền, gà chín cựa, cá sông, cam, bưởi, cây cảnh, mây tre đan…Bên cạnh đó, Liên hoan “Âm sắc nguồn cội” cũng là một điểm nhấn mới mẻ của Chương trình. Ngoài trình diễn các loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận như Hát Xoan, hát Văn, Ca Trù… của Phú Thọ và các tỉnh lân cận, liên hoan còn quy tụ, giới thiệu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng khác mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất cội nguồn như: Hát Ghẹo, Trống quân, Ví ống, Trình nghề, Cồng chiêng, Đâm đuống , múa Tùng dí, múa Mỡi, múa Trống đu, múa chuông... của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.Đặc biệt, hoạt động trình diễn văn hóa dân gian đường phố với chủ đề “Cội nguồn và Khát vọng” sẽ có sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên và người dân địa phương. Lần đầu tiên, những tín ngưỡng thờ Mẫu “chạm” tới khách du lịch thông qua các hoạt động biểu diễn trên đường phố, diễn xướng dân gian các tục lệ truyền thống của địa phương gắn với sản xuất nông nghiệp như: Tục thờ Mẹ trời, Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ lúa; trình diễn rước Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn…; trình diễn các nghề Mẫu dạy dân; trình dẫn trò diễn “Tứ dân chi nghiệp”; trình diễn Rước Voi Đào Xá và kéo lửa thổi cơm, múa chuông, chiêng Mường…
Là cố vấn của chương trình, ông Nguyễn Duy Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, chuỗi hoạt động nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là mảnh đất Tổ Phú Thọ. Với hoạt động Hội làng Việt cổ, những hoạt động tái hiện được dựa trên hình ảnh sinh hoạt văn hóa ở trên hoa văn Trống Đồng. Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của chương trình là sẽ khai thác và sử dụng tối đa lực lượng không chuyên tại địa phương, để giới thiệu và tôn vinh bản sắc của quê hương một cách sống động nhất. Điều này cũng khiến người dân địa phương cảm thấy hào hứng khi di sản từ cội nguồn của cha ông gắn kết với cuộc sống của cộng đồng trong mạch nguồn văn hóa.Còn theo tiến sỹ Trần Đình Hằng- Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế: Từ việc khơi gợi và kết nối lòng người, chúng tôi mong muốn thông qua các hoạt động của chương trình sẽ càng kích thích lòng tự hào, truyền thống văn hóa dân tộc từ mỗi người dân, làng xóm và cộng đồng để cùng chung tay bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống theo hướng thích ứng phù hợp với đời sống xã hội hiện đại, giải quyết mối quan hệ giữa di sản văn hóa và sản phẩm du lịch, giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại một cách hài hòa, hữu hiệu; thiết thực biến nơi đây trở thành một không gian văn hóa du lịch mang tính đặc trưng của miền đất Tổ Phú Thọ.Hiện nay, công tác chuẩn bị cho các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình đã được triển khai theo đúng kế hoạch. Ban Tổ chức đã phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông và thương mại Song Hà Media khảo sát mặt bằng lắp đặt 48 gian hàng Hội làng Việt cổ và khu trưng bày tư liệu hình ảnh Tín ngưỡng thờ Mẫu; thiết kế hệ thống sân khấu chính và toàn bộ hệ thống pano, băng đường, phướn phục vụ công tác tuyên truyền. Các phương án lắp đặt hệ thống trang âm, ánh sáng phục vụ Chương trình, đặc biệt là Lễ hội đường phố đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Cùng với đó, Ban Tổ chức đã phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu Đạo Mẫu Việt Nam, Sở VH-TT&DL Phú Thọ xây dựng kịch bản chi tiết các hoạt động văn hóa - nghệ thuật diễn ra tại Chương trình; phối hợp với làng nghề tranh Đông Hồ, làng nghề tranh Hàng Trống lựa chọn, đặt hang các bức tranh thờ, tranh dân gian phục vụ trưng bày, giới thiệu về Tín ngưỡng thờ Mẫu. Để thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách, Ban tổ chức cũng đã phối hợp với các cơ quan, thông tấn báo chí của Trung ương, của tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hệ thống panô, áp phích, băng zôn cổ động trực quan được xây dựng ở khu vực trung tâm huyện, cổng vào Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Quốc lộ 32, đường tỉnh 317 từ cầu Trung Hà, cầu Đồng Quang về Thanh Thủy và dọc các tuyến đường trung tâm huyện. Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường, lễ tân, hậu cần, điện nước đã được các tiểu ban phục vụ xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai đúng tiến độ. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ trên địa bàn được chấn chỉnh về phong cách phục vụ, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách với giá cả hợp lý, an toàn, thân thiện và mến khách.