Tôn vinh, tự hào người phụ nữ Việt Nam
Người phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng 'Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang' đã trở thành một biểu tượng cao đẹp. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy được truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tích to lớn.
Truyền thống lịch sử hào hùng
Cứ đến ngày 8/3 hàng năm, phụ nữ trên toàn thế giới lại được cả nhân loại tôn vinh. Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin (phụ nữ Đức) đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã viết tiếp vào trang sử hào hùng, sáng ngời với những phẩm chất cao quý về lòng trung thành với Tổ quốc, về tinh thần hy sinh dũng cảm, trong đó, có những tấm gương đã hóa thành những tượng đài bất tử trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Đó là Mẹ Suốt, là các chị: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Định và biết bao nữ anh hùng, liệt sĩ đã để lại tuổi thanh xuân trong mưa bom bão đạn, để tâm hồn thơm thảo hóa thành nắng gió hòa bình của ngày hôm nay. Tên tuổi của các chị mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc và luôn gắn liền với lịch sử của phong trào phụ nữ Việt Nam. Trong thời kỳ đất nước được giải phóng, đổi mới và phát triển, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Xứng đáng con cháu Bà Trưng, Bà Triệu
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ Sóc Trăng không ngừng nỗ lực, phấn đấu để cống hiến vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Nguyễn Thị Huệ Chi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện lực lượng nữ trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ trên 50% và có mặt ở tất cả các lĩnh vực. Bằng năng lực, trình độ, trí tuệ và sự cống hiến không mệt mỏi, các chị em phụ nữ đã nắm giữ những vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội. Hiện tỷ lệ đảng viên nữ đã kết nạp chiếm gần 47% và tỷ lệ nữ quản lý ngày một tăng (phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội XIV chiếm 42,8%; nữ tham gia HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 chiếm 25%; nữ lãnh đạo chủ chốt tại UBND tỉnh chiếm 25%; tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiếm 6,6%, huyện ủy và tương đương 16,8%...). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp do nữ làm chủ đang hoạt động chiếm tỷ lệ 28,18%.
Đối với tổ chức hội phụ nữ ngày càng vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Khi đó, các cấp hội đã thực hiện đa dạng các hình thức tập hợp, vận động, xây dựng, nhân rộng các mô hình thu hút hội viên, phụ nữ có hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 109 tổ chức cơ sở hội, thu hút229.300 hội viên vào tổ chức hội. Tỉnh hội chú trọng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ hội cơ sở; nâng cao nhận thức, phương pháp làm việc cho cán bộ chi hội. Linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị, từng nhóm đối tượng cụ thể để quyết tâm cao chăm lo lợi ích thiết thân cho phụ nữ, phát huy nội lực và vận động khai thác các nguồn lực để giải quyết vấn đề phụ nữ.
Có thể nói, trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã lập nên bao kì tích, góp phần quan trọng trong sự nghiệp chấn hưng, trường tồn dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về những phụ nữ kiệt xuất viết nên trang sử vàng cho non sông gấm vóc. Lịch sử đã chứng minh, trên mọi lĩnh vực hoạt động từ miền ngược đến miền xuôi, từ Nam chí Bắc, các tầng lớp phụ nữ, các lứa tuổi, các dân tộc luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình.