Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: 'Cứu dân là ưu tiên cao nhất' với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh ưu tiên cao nhất đối với toàn bộ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ là cứu dân, trong đó sức mạnh của lực lượng vũ trang là nòng cốt.
"Cứu dân là ưu tiên cao nhất"
Chiều tối 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại tỉnh Phú Thọ.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất đặc biệt, bão hình thành phía Đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa; hoàn lưu bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ trên địa bàn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và hoạt động bình thường của đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo tại những điểm nóng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ, giúp dân sơ tán, khắc phục hậu quả, cứu trợ nhân dân. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã đến các địa phương chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi động viên nhân dân vùng bão lụt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh ưu tiên cao nhất đối với toàn bộ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ là cứu dân, trong đó sức mạnh của lực lượng vũ trang là nòng cốt. Các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định "cứu dân là ưu tiên cao nhất", "sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt" để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; sử dụng mọi nguồn lực, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ tìm kiếm người mất tích, người chết; đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay sớm để khôi phục sản xuất.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội phát huy truyền thống yêu nước, "tương thân tương ái", quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với các gia đình, người dân bị nạn, bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra; tổ chức thăm hỏi, động viên, thực hiện kịp thời chính sách đối với các gia đình bị thiệt hại.
Về kiến nghị của tỉnh Phú Thọ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, cầu Phong Châu là chỗ giao thông huyết mạch không phải chỉ cho Phú Thọ mà cho cả các tỉnh xung quanh. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu sẽ phải làm và hoàn thành sớm, khẩn trương khảo sát thiết kế, đánh giá cùng với địa phương và triển khai hoàn thành càng sớm càng tốt.
Đối với việc đầu tư nâng cấp đoạn đê xung yếu chắn sóng tại sông Thao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, tỉnh cần nghiên cứu và đưa vào triển khai thực hiện các công trình có sức chịu đựng cao trước bão lũ thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc
Trong tối 12/9, tại Trụ sở UBND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ngay sau khi thị sát hiện trường vụ sạt lở làm gần 100 người chết và mất tích tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Tại cuộc họp Thủ tướng nhấn mạnh 4 mục tiêu: Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; nhanh chóng ổn định tình hình cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội; khôi phục sản xuất, kinh doanh cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân.
Về nhiệm vụ tổng quát, Thủ tướng yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện thật tốt các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để khắc phục hậu quả mưa lũ thật hiệu quả, tự tin, tự lực, tự cường, phấn đấu bằng mọi khả năng của mình, với tinh thần đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết.
Chỉ rõ 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với các địa phương nói chung và Lào Cai nói riêng, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, bị bệnh, lo hậu sự và chính sách cho người thiệt mạng.
Bên cạnh đó, đánh giá, quy hoạch, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm với giải pháp tổng thể cho toàn tỉnh Lào Cai. Riêng với thôn Làng Nủ, cần khẩn trương tìm địa điểm an toàn để chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành việc xây dựng lại thôn này, đáp ứng mong mỏi của người dân, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu kêu gọi, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của người dân, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn; phân bổ nguồn ủng hộ một cách phù hợp, tránh tiêu cực, thất thoát.
Cho ý kiến xử lý các kiến nghị của Lào Cai, Thủ tướng tin tưởng Lào Cai sẽ vượt qua được khó khăn này và hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2024 với kết quả năm 2023, chuẩn bị tốt việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp trong năm 2025, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Cũng trong chiều 12/9, sau khi thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại tại Hà Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tiếp tục tới thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi cano dọc tuyến sông Hồng thuộc địa bàn Hưng Yên để thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các cấp chính quyền của Hưng Yên thường xuyên bám sát tình hình mưa lũ; dân cư sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao, không an toàn phải kiên quyết trong công tác di dời người dân tới vùng an toàn.
Chiều muộn 12/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long, có nguy cơ ảnh hướng đến 60.000 người dân thuộc 12 xã của 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình theo dõi chặt chẽ dự báo khí tượng thủy văn, lưu lượng xả nước của các hồ thủy điện, diễn biến mực nước trên sông Hoàng Long, kịp thời triển khai các biện pháp đã chuẩn bị, sẵn sàng về lực lượng, vật tư, trang thiết bị. Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân.
Làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng ngày 12/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh Cao Bằng huy động tối đa lực lượng để tìm kiếm người mất tích, khắc phục ngay việc chia cắt các huyện, xã trên địa bàn; đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm, thuốc men, nước sạch... cho người dân khu vực bị chia cắt. Tỉnh cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc; nhanh ổn định cuộc sống người dân…
Theo Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNN), thống kê của các địa phương về một số thiệt hại thống kê đến 20h00 ngày 12/9/2024 như sau:
- Về người: 336 người chết, mất tích (233 người chết, 103 người mất tích), cụ thể:
+ Lào Cai: 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), gồm: Bảo Yên 110, Sa Pa 09, Bát Xát 17, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 02.
+ Cao Bằng: 52 người (43 người chết, 09 người mất tích).
+ Yên Bái: 50 người (48 người chết, 02 người mất tích), gồm: TP Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 09, Văn Chấn 02, Trấn Yên 04.
+ Quảng Ninh: 15 người chết.
+ Hải Phòng: 02 người chết do bão.
+ Hải Dương: 01 người chết do bão.
+ Hà Nội: 01 người chết do bão.
+ Hòa Bình: 07 người chết do sạt lở đất.
+ Lạng Sơn: 03 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
+ Bắc Giang: 02 người chết do lũ cuốn.
+ Tuyên Quang: 05 người chết do lũ.
+ Hà Giang: 02 người (01 người chết; 01 người mất tích).
+ Lai Châu: 01 người chết do sạt lở đất.
+ Vĩnh phúc: 02 người chết do lũ.
+ Phú Thọ: 11 người (01 người chết do sạt lở đất; 01 người chết do lũ; 08 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 01 người mất tích do lũ).
+ Sơn La: 01 người mất tích do lũ cuốn.
+ Thái Nguyên: 02 người chết do lũ.