Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Mông Cổ, Ireland và Cộng hòa Pháp
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 29/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30/9-7/10.
Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30/9-7/10.
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 1996, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác thương mại song phương và đến năm 2008 đạt hơn 6 triệu USD, đến năm 2023 đạt hơn 120 triệu USD.
Tính đến tháng 11/2019, Mông Cổ có ba dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 96/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị đạt 1,1 triệu USD.
Việt Nam và Ireland thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/4/1996. Hợp tác, kinh tế, thương mại, đầu tư của hai bên trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7/2023, Ireland có 41 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 60,82 triệu USD, đứng thứ 55/147 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam gia nhập ACCT (tổ chức tiền thân của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ) vào năm 1979 và từ đó luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng.
Hiện nay, do tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra từ ngày 4-5/10 tại hai thành phố của Pháp là Villers-Cotterêts và Paris.
Chủ đề của hội nghị lần này là "Sáng tạo, Đổi mới và Thực hiện". Dự kiến sẽ có khoảng 100 đoàn do lãnh đạo nhà nước hoặc lãnh đạo chính phủ tham dự.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam. Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 10% so với 4,8 tỷ USD năm 2021.
Pháp cũng là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và vay ưu đãi tổng số đạt 3 tỉ euro.
Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.
Hiện Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có trên 10.000 sinh viên.