Tổng Bí thư: Đảng không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo Mặt trận. Đảng lãnh đạo thông qua phát huy vai trò thành viên chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào sáng nay (18/11), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến bài học đoàn kết.
Chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay
Theo Tổng Bí thư, suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình.
Gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19". Những tấm gương của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an cùng với sự góp sức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chính là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước biểu dương những cố gắng, nỗ lực, sự đóng góp, cống hiến to lớn và những bước phát triển của Mặt trận qua các chặng đường lịch sử, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
“Trong giờ phút trang trọng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và là biểu tượng cao đẹp của khối đại đoàn kết dân tộc”, Tổng Bí thư nói.
Nhìn lại chặng đường 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Không mị dân
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đất nước ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức
Vì vậy, ông đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt việc tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân.
Đồng thời bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị Mặt trận làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định của Bộ Chính trị.
Trong đó, Mặt trận cần phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân.
“Phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Mặt trận cần luôn đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị, Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật sự thiết thực, hiệu quả như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thống nhất Việt Minh- Liên Việt (năm 1951): "Hoạt động của Mặt trận nên nhắm vào điểm chính để tránh khỏi việc gì cũng làm, nhưng ít việc làm chu đáo".
Cùng với đó, coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm chưa tốt, khắc phục bệnh hình thức. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp.
Đồng thời, tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp; tổng kết và hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước về phong cách dân vận.
Đó là “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"; "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân.
Đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; không mị dân.
“Đối với những người lầm đường lạc lối thì phải kiên trì vận động, cảm hóa, giáo dục, thuyết phục. Đối với những kẻ cố tình cố ý nhân danh nhân dân để chống phá chế độ thì chúng ta phải tìm cách vô hiệu hóa, phải kiên quyết trừng trị theo đúng luật pháp của nhà nước và kỷ luật của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
Đảng không đứng trên để lãnh đạo Mặt trận
Nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, và phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới dành được địa vị lãnh đạo".
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đảng ta đã xác định vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo Mặt trận, Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua phát huy vai trò thành viên của Mặt trận chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội.
Mặt trận cần chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiêu cực.
“Mặt trận phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: