Tổng Bí thư Hà Huy Tập - Nhà lý luận giàu tính chiến đấu

Tổng Bí thư Hà Huy Tập (quê quán xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là người đầy chí khí, nhiệt thành cách mạng, lại được đào tạo chính quy dài hạn tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) nên trở thành nhà lý luận sắc sảo, giàu tính chiến đấu. Những phẩm chất đó càng có ý nghĩa nhắc nhở, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay.

 Tượng đài Tổng Bí thư Hà Huy Tập -Ảnh: TƯ LIỆU

Tượng đài Tổng Bí thư Hà Huy Tập -Ảnh: TƯ LIỆU

Đồng chí Hà Huy Tập giữ cương vị Tổng Bí thư trong quãng thời gian không dài (giữa năm 1936 đến tháng 3/1938). Song, những đóng góp của ông cho lý luận của Đảng, của cách mạng là vô cùng to lớn. Dĩ nhiên, những đóng góp đó phải kể đến cả thời kỳ trước và sau khi làm Tổng Bí thư của Đảng.

Được sang Mátxcơva học chính quy dài hạn tại Trường Đại học Phương Đông, Hà Huy Tập trở thành một trong số ít các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng được học tập bài bản, có hệ thống lý luận Mác - Lênin, hiểu rõ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bởi vậy, Hà Huy Tập trở thành một trong những người đầu tiên có ý thức đi sâu nghiên cứu lịch sử Đảng, chú trọng tổng kết kinh nghiệm lịch sử ở những thời kỳ đã qua. Cũng có nhà nghiên cứu coi ông là người đặt nền móng cho sự hình thành khoa học lịch sử Đảng. Trong nhiều công trình ông để lại về lịch sử Đảng, tiêu biểu có: Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (1933).

Điều đáng nói ở Tổng Bí thư Hà Huy Tập là luôn nêu cao tinh thần đấu tranh các biểu hiện tả khuynh, hành vi cơ hội trong Đảng. Trong bài viết “Gửi Ban Biên tập Tạp chí Bônsơvích”, Hà Huy Tập khẳng định nguồn gốc lịch sử của Đảng Cộng sản Đông Dương là sự hợp nhất của tổ chức cộng sản Đảng để chống lại các quan điểm cho rằng, nguồn gốc của Đảng là từ Quốc dân Đảng. Ông cũng cho rằng, đã có một “chủ nghĩa thủ tiêu”, tức là nhìn tất cả đều đen tối, bởi vì “khi nhìn thấy những thất bại, họ không ngớt kêu lên sự suy tàn của phong trào cách mạng”. Văn kiện Đảng toàn tập còn lưu giữ những dòng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập viết về thời kỳ 1930 - 1931: “Đảng chúng tôi chịu những tổn thất nghiêm trọng do những chiến sĩ ưu tú nhất đã bị bắt và nhiều cơ quan bất hợp pháp bị cảnh sát phát hiện, song thật là sai lầm để từ đó mà suy luận rằng, Đảng chúng tôi đã bị tiêu diệt”. Lập luận này nhằm đập tan luận điệu bôi nhọ về cao trào cách mạng 1930 - 1931 sau khi bị chìm trong bể máu.

Hà Huy Tập còn vạch trần những kẻ cơ hội, những luận điệu của bọn tờrốtxky. Những lập luận “vạch trần” này không chỉ thể hiện trong những năm 1931, 1932 - thời kỳ địch khủng bố tàn bạo, phong trào cách mạng tạm lắng xuống mà còn ở thời kỳ mặt trận dân chủ (1936 - 1939). Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Hà Huy Tập đã viết hai cuốn sách: Tờrốtxky và phản cách mạng; Ai chia rẽ nhóm La Lutte và nhiều bài báo về chủ đề này. Những tác phẩm này đã đánh thẳng vào các luận điệu xuyên tạc của bọn “cách mạng đầu lưỡi”, giả danh cách mạng, đưa tư tưởng của Đảng về với quần chúng. Bối cảnh lịch sử đã thay đổi nhưng tư tưởng và phẩm chất chính trị của Tổng Bí thư Hà Huy Tập vẫn mang lại những giá trị to lớn cho tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Từ đại hội năm 1986, Đảng ta đã nêu rõ “phải chống chủ nghĩa cơ hội dưới nhiều hình thức”, cho đến nay, lịch sử về vấn đề này đã dày dặn trông thấy. Đặc biệt, Đảng ta đã nhìn nhận rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém cùng những giải pháp mạnh để làm trong sạch Đảng, củng cố năng lực lãnh đạo đất nước. Toàn Đảng đã thực hiện quyết liệt, nhiều đảng viên vi phạm bị xử lý đích đáng, thế nhưng, nỗi lo về “sự tồn vong” của Đảng vẫn còn, trong Đảng vẫn còn những kẻ cơ hội - những người mà Tổng Bí thư Hà Huy Tập lên án mạnh mẽ, những kẻ vun vén quyền lợi cá nhân.

Trong hoạt động cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chấp nhận mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cộng sản cao đẹp, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đối mặt với nhiều án tù của thực dân đế quốc, trong đó có án tử hình, thường xuyên bị kẻ thù rình rập, bao vây, khống chế cả về vật chất và tinh thần, thậm chí bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn kiên trung, bất khuất, giữ vững niềm tin và ý chí chiến đấu của người cộng sản. Đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh trước mũi súng tàn bạo của kẻ thù ở tuổi 35 với lời nhắn gửi: “Hãy xem tôi như người còn sống” đã thể hiện niềm tin mãnh liệt, khát vọng cống hiến, chiến đấu cho lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc.

T.L

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166556&title=tong-bi-thu-ha-huy-tap--nha-ly-luan-giau-tinh-chien-dau