Tổng Bí thư nêu 6 thành tựu, 5 trọng tâm của ngành ngoại giao

Tổng Bí thư yêu cầu ngành ngoại giao theo dõi sát các diễn biến, dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài, đánh giá thật đúng các tác động đến Việt Nam.

Ngày 19-12, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” đã khai mạc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đến dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đến dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: TTXVN

Sáu thành tựu nổi bật của ngành ngoại giao

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ của ngành ngoại giao mà còn là của toàn bộ công tác đối ngoại cả nước. Tổng Bí thư đề nghị hội nghị kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những kết quả, thành tựu đã đạt được để tiếp tục phát huy, làm tốt hơn. Đồng thời cũng cần đánh giá kỹ lưỡng những hạn chế, yếu kém trong công tác đối ngoại thời gian qua để chủ động khắc phục.

Tổng Bí thư nhấn mạnh từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vào tháng 12-2021, trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” đã được thống nhất, khẳng định với quan điểm: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Với tinh thần đó, trong gần ba năm qua, ngành ngoại giao và đối ngoại cả nước đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ kết quả, thành tựu chung của đất nước với sáu nổi bật.

“Ngoại giao phải kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.”

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Đầu tiên, theo Tổng Bí thư, ngành ngoại giao và đối ngoại đã tổ chức quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thông qua nhiều đề án đối ngoại quan trọng, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận cụ thể hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, lâu dài.

Đối ngoại và ngoại giao cũng đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trong đó có sự thành công các chuyến thăm, điện đàm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ sau Đại hội XIII của Đảng; nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn đến thăm Việt Nam. “Chính những điều này đã vẽ nên một bức tranh rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao trên mặt trận đối ngoại trong hai năm qua và tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng tình, ủng hộ” - Tổng Bí thư khẳng định.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về ngoại giao Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về ngoại giao Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, công tác đối ngoại, ngoại giao còn phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành, phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Ngành ngoại giao và công tác đối ngoại cũng đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta cũng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, góp phần không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước trên trường quốc tế.

“Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay” - Tổng Bí thư khẳng định và nhìn nhận công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng…

Người đứng đầu Đảng nhìn nhận những kết quả nêu trên có được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước, sự vào cuộc và sự triển khai tích cực của tất cả các cấp, các địa phương, các ngành. Trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các lãnh đạo chủ chốt đến các nước láng giềng, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam.

Việt Nam hiện có quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có ba nước có quan hệ đặc biệt, sáu nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Linh hoạt trong sách lược ngoại giao

Dự báo thời gian tới tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành ngoại giao theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật đúng các tác động đến Việt Nam.

“Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ, như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra” - Tổng Bí thư nói.

Ông yêu cầu ngành ngoại giao phải tiếp tục bám sát nghị quyết, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả với chương trình, kế hoạch cụ thể đã đề ra.

Ngoại giao phải kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Cùng với đó, phải kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược, theo từng vấn đề, từng thời điểm.

“Đó là tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”... Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư cũng nêu rõ ngành ngoại giao phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”.

Người đứng đầu Đảng cũng yêu cầu hoàn thiện, đồng bộ thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, đổi mới cơ chế phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả lĩnh vực.

Một yêu cầu nữa, theo Tổng Bí thư là ngành ngoại giao phải làm tốt hơn nữa việc kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện cả về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc; chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử; tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ.

““Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”” - Tổng Bí thư nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm

Trước đó, trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, tình hình thế giới cũng như khu vực đã trải qua những biến động lớn, dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức hơn trong thời gian tới.

“Thế giới đang đứng trước bước ngoặt sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc” - ông Sơn đánh giá.

Dù vậy, theo ông Sơn, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu chung hướng tới của đa số quốc gia, dân tộc. Bình đẳng, dân chủ, công bằng, tôn trọng pháp luật quốc tế và phát triển bền vững là giá trị chung của nhân loại.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những thách thức mới, song cũng mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia.

Trong bối cảnh đó, ông Sơn nhấn mạnh công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”…

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, TP Hà Nội đã phát biểu tham luận, đóng góp những đánh giá, nhận định quan trọng về tình hình thế giới, khu vực.

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-bi-thu-neu-6-thanh-tuu-5-trong-tam-cua-nganh-ngoai-giao-post767593.html