Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị phát triển vùng đồng bằng sông Hồng
Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc.
Sáng 29/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tiếp tục khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì kinh tế, xã hội vùng đồng bằng sông Hồng cũng bộc lộ một số hạn chế. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
Bộ Chính trị xác định, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc.
Mục tiêu đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Hồng có tốc độ phát triển nhanh, bền vững; có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó, phấn đấu đưa vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước, đi đầu về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết.
Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu thời gian tới, cần thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng.
Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người của vùng đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 35%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.