Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Ngoại giao

Sáng 19-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề 'Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng'

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (ICC) ở Hà Nội kết hợp trực tuyến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021 đến nay, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, nhờ đó củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của đất nước. Như Tổng Bí thư đã đánh giá khái quát tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XIII vừa qua, "các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật" trong thành tựu chung của đất nước.

Từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden... đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả.

Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, đối ngoại cùng quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành đã xử lý đúng đắn với các đối tác trên cơ sở kiên định nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược và ứng xử, kiên trì thúc đẩy đối thoại. Nhờ đó, đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời đạt được những kết quả quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ.

Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã và đang đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hiệp Quốc, tiểu vùng Mê Kông, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, các Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP), Diễn đàn cấp cao Vành đai - Con đường...; đồng thời, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, gìn giữ hòa bình ở Châu Phi, hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: TTXVN

Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ... đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 60 di sản, địa danh của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, trong đó riêng 3 năm qua có thêm 13 di sản, địa danh được UNESCO công nhận.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: TTXVN

Chúng ta đã tích cực, kịp thời chăm lo cho cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam, đưa hàng ngàn công dân về nước an toàn từ các nước có xung đột, thiên tai...

Công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo chiến lược về đối ngoại đã đạt nhiều tiến bộ. Ngành ngoại giao cùng các ngành, các cấp đã kịp thời tham mưu cho Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xử lý nhiều vấn đề đối ngoại trước những biến động nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế, cũng như ban hành nghị quyết, kết luận, chỉ thị để cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng thành các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và biện pháp triển khai cả trước mắt và lâu dài…

Những thành tựu nói trên của đối ngoại và ngoại giao đã đóng góp vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử là "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Baoquocte.vn

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Baoquocte.vn

Phát triển ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sẽ tập trung thảo luận về đánh giá và dự báo tình hình quốc tế, từ đó, nhận diện đúng tác động, thời cơ cũng như thách thức đối với đất nước ta trong tình hình mới.

Hội nghị nhìn lại, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu về đối ngoại và ngoại giao đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, rút ra các bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, thảo luận, đề ra nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

Đặc biệt, Hội nghị sẽ thảo luận kỹ lưỡng việc tổ chức triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về đối ngoại mà Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII, nhất là các chủ trương, định hướng về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng, cụ thể hóa các khuôn khổ hệ mới thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Baoquocte.vn

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Baoquocte.vn

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận sâu rộng các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển nền ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại.

"Kết quả của Hội nghị không chỉ định hướng cho công tác của ngành ngoại giao trong 2-3 năm tới, mà còn là một bước chuẩn bị cho tổng kết 40 năm triển khai đường lối đối ngoại của thời kỳ đổi mới và xây dựng nội dung đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIV"- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Đặc biệt, Hội nghị sẽ lĩnh hội các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thảo luận, đề ra các chương trình, đề án, biện pháp triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đối ngoại và xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-du-hoi-nghi-ngoai-giao-19623121910304678.htm