Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Không lo không có cán bộ làm việc!
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ngày 23-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian nói về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sáng 23-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức kết nối trực tuyến đến 55 điểm cầu tại trụ sở 2 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và các phường thuộc 3 quận, với hơn 1.200 cử tri tham dự.
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề
Tại hội nghị, các cử tri đã nêu ý kiến, kiến nghị trực tiếp với các đại biểu Quốc hội, trong đó, cử tri 3 quận đề nghị Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp; tăng cường hơn nữa chất lượng công tác giám sát, không chỉ là giám sát tối cao mà nên có các cuộc giám sát theo chuyên đề để đánh giá được thực chất các quyết sách của Quốc hội.
Cử tri Phan Duy Vân (phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng) hoan nghênh Quốc hội đã quyết định Lịch sử là môn học bắt buộc trong trường phổ thông, bởi đây là môn học có ý nghĩa rất quan trọng trong giáo dục truyền thống, để giới trẻ không quên nguồn gốc của mình. Tuy nhiên, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo để sớm có bộ sách giáo khoa đạt chuẩn cả về nội dung, quy tắc, quy chuẩn; được sử dụng ổn định, lâu dài trong nhiều năm mà không bị thay đổi, tạo thuận lợi cho việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, tiết kiệm chi phí cho người dân.
Trước tình hình giá cả tăng cao, một số cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp quyết liệt trong điều hành nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, trước mắt sớm bình ổn giá xăng dầu, giúp ổn định cuộc sống nhân dân và giảm chi phí "đầu vào" cho doanh nghiệp.
Cử tri Phạm Thị Hồng Sim (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) đánh giá cao việc Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; đồng thời mong muốn Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Quốc hội, Chính phủ có biện pháp để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đủ mạnh, có thực quyền, trở thành cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo trung ương; đặc biệt là có cơ chế để không bị vô hiệu hóa.
Bày tỏ bất bình và lên án mạnh mẽ những hành vi trục lợi trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là sự tiếp tay của một số cán bộ có chức quyền, cử tri Nguyễn Trần Quyên (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ để xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân liên quan.
Giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu, trao đổi với cử tri tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết cử tri 3 quận nắm rất rõ tình hình Thủ đô, đất nước, phát biểu ý kiến ngắn gọn, nhưng đề cập trúng các vấn đề, đóng góp rất có trách nhiệm. Tổ đại biểu sẽ ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri.
Đề cập nội dung, kết quả kỳ họp thứ 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định không khí làm việc Quốc hội ngày càng đổi mới, sôi nổi, thực chất hơn. Dù chỉ làm việc trong ít ngày, nhưng kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ: Thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Kỳ họp để lại dư âm, dư luận rất tốt; Quốc hội đã cho thấy vai trò thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
"Tôi đề nghị HĐND các cấp cũng phải phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội, làm đúng vai là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương; đề ra được các chính sách phù hợp với lòng dân, để huy động sức mạnh nhân dân phục vụ xây dựng đất nước" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Đề cập về vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm nhất quán của Trung ương là phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật; từng bước đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật. Nhờ cách làm này mà ngay cả người vi phạm cũng nhận ra sai phạm, hứa sẽ khắc phục khuyết điểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết cuối tháng này, Trung ương sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị. Hội nghị sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới, làm cơ sở để tổ chức hoạt động đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống cấp tỉnh, bảo đảm ở đâu cũng "đúng vai, thuộc bài", hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khi cán bộ "không thể tham nhũng" và "không muốn tham nhũng".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định rõ quan điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là nhằm làm bài học răn đe chung, cảnh tỉnh để những người khác không vi phạm; đúng như Bác Hồ từng dạy là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây.
Về ý kiến cho rằng "kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết dân gian có câu "con chị nó đi, con dì nó lớn", không lo không có cán bộ làm việc. Cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ, phải làm thật chính xác, không được vội vàng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn cử tri và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến ngàn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đoàn kết, phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.