Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm sâu sắc tới văn hóa Thủ đô

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Hà Nội nói chung và phát triển văn hóa Thủ đô nói riêng. Những chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư đã trở thành định hướng quan trọng cho sự phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Hà Nội - nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng nền văn hóa của dân tộc

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 12/10/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội với vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, luôn luôn phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó, nhiều việc chưa có tiền lệ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 12/10/2020. Ảnh: Phạm Hùng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 12/10/2020. Ảnh: Phạm Hùng

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; là "Thành phố vì hòa bình" và nay Hà Nội là "Thành phố sáng tạo". Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Do đó, cần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu, tinh thần trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ; nêu cao lòng tự trọng, tự tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự ("Chẳng thơm cũng thể hoa nhài; Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An").

Bên cạnh đó, Hà Nội cần mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, tăng cường quảng bá về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với bạn bè quốc tế, tạo tiền đề cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô, của đất nước ta trên trường quốc tế.

Tiếp đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, mở đầu bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội - "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm"; "nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc"; "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; "Thành phố vì hòa bình"; "hào hoa và thanh lịch"; "văn hiến và anh hùng"... chúng ta long trọng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa”. Điều này tiếp tục khẳng định sự quan tâm cũng như đánh giá cao vị thế của văn hóa Hà Nội trong hệ giá trị văn hóa của cả nước.

Sự quan tâm tới phát triển văn hóa Thủ đô của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn thể hiện ở các chỉ đạo trong các hội nghị, buổi tiếp xúc cử tri. Trong đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (ngày 1/7/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, văn hóa là nguồn sống, nguồn động lực phát triển Thủ đô.

Trao đổi với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống văn hóa của Thủ đô. Cùng với đó, việc tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô.

Theo Tổng Bí thư, mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được. Bởi thế, các cấp, ngành của TP Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản này, vận dụng vào thực tiễn để xây dựng Thủ đô xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người và nhiều danh hiệu khác nữa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ, đây là Thủ đô văn hóa, nên các cấp, các ngành, cán bộ tại Hà Nội phải hết sức chú ý vấn đề văn hóa, đi đứng, ăn uống, đối xử với nhau phải bảo đảm văn hóa. Hà Nội với rất nhiều công trình và truyền thống văn hóa quý báu, đây là nguồn sống, là nguồn động lực phát triển Hà Nội. Bảo vệ, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc và truyền thống từ những di sản văn hóa cha ông để lại, đó là trách nhiệm trước hết của thế hệ hôm nay.

Mỗi cử tri và người dân Thủ đô phải xứng đáng là công dân của Thủ đô văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, đóng góp nhiều vào sự phát triển của đất nước nói chung, trước hết là vì sự phát triển Thủ đô nói riêng.

Văn hóa thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển Thủ đô

Thấm nhuần chỉ đạo, định hướng sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để văn hóa thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng trong phát triển bền vững và toàn diện của Thủ đô.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và chúc Tết các văn nghệ sĩ (Hà Nội, 15/2/2018). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và chúc Tết các văn nghệ sĩ (Hà Nội, 15/2/2018). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Xuất phát từ nhận thức đúng đắn, toàn diện, trong các chương trình công tác lớn của TP Hà Nội đều dành riêng chương trình về văn hóa. Gần đây nhất là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”; tiếp đến là Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 - 2025.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, địa phương, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Báo cáo sơ kết quý II/2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy mới đây chỉ rõ, đến nay, đã có 14/18 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành và tập trung nâng cao chất lượng. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm... đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu TP đề ra.

Các địa phương, đơn vị đã quan tâm tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, di tích văn hóa, không gian cây xanh.

Về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, TP nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa. Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp kịp thời được phát hiện, biểu dương và tôn vinh.

Để mỗi người dân Thủ đô xứng đáng là công dân của Thủ đô văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với các giải pháp, phong trào đang triển khai, ngày 19/2/2024, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", tiếp tục khẳng định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên.

Đặc biệt, triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045” đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2025 đóng góp 5% vào GRDP của Thủ đô; con số này đến năm 2030 là 8%.

Điểm nổi bật là đến nay, Hà Nội đã xây dựng được nhiều không gian văn hóa sáng tạo như: không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), không gian văn hóa Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình), không gian văn hóa phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); các công viên sáng tạo tại Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Đống Đa...

Theo ghi nhận chung, các địa phương, đơn vị tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô để phát triển công nghiệp văn hóa như: du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ, ẩm thực... Từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023...

Những kết quả trên cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đang nỗ lực để khơi nguồn lực nội sinh từ văn hóa, để văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.

Thiên Tú - Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-quan-tam-sau-sac-toi-van-hoa-thu-do.html