Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Lạng Sơn
Lạng Sơn cần xác định rõ, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Trung Quốc.
Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn ngày 25/8 về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Tham dự buổi làm việc, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương, Quân khu I.
Tỉnh đầu tiên triển khai thành công ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng”
Đánh giá tình hình, kết quả nổi bật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, báo cáo của Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn trình bày và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự buổi làm việc nêu rõ, trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực đổi mới sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII.
Nổi bật là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã chỉ đạo xử lý 22 vụ án, 113 bị can, bị cáo về tội tham nhũng, tiêu cực. Sơ kết một năm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Lạng Sơn đứng thứ nhất toàn quốc về số cuộc họp, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; đứng thứ ba về số cuộc kiểm tra giám sát; đứng thứ 4 về số bị can bị khởi tố về tội tham nhũng tiêu cực.
Sơ kết một năm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Lạng Sơn đứng thứ nhất toàn quốc về số cuộc họp, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; đứng thứ ba về số cuộc kiểm tra giám sát; đứng thứ 4 về số bị can bị khởi tố về tội tham nhũng tiêu cực.
Các ý kiến tại buổi làm việc thống nhất đánh giá, Lạng Sơn đã có quyết tâm rất cao trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công "Cửa khẩu số"; ứng dụng "Công dân số Xứ Lạng". Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của tỉnh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố (tăng 21 bậc so với năm 2021); đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số. Năm 2022, Lạng Sơn xếp thứ 2 trong nhóm 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Kinh tế Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021-2022 đạt 6,95% (năm 2021 đạt 6,67%, năm 2022 đạt 7,22%), cao hơn 1,5% so với bình quân giai đoạn 2015-2020; thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021-2022 đạt 49,26 triệu đồng (năm 2021 đạt 46,8 triệu đồng, năm 2022 đạt 51,72 triệu đồng), cao hơn 29,3% so với giai đoạn 2015-2020. Đến hết quý I/2023, có 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 22 xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, đạt nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm cao trong cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét. Đến năm 2023, toàn tỉnh đã có 272/670 trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành mục tiêu 200 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, bình quân có 11,2 bác sĩ và 32,9 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,8%.
Công tác dân tộc, tôn giáo không ngừng được chú trọng, củng cố; các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Lạng Sơn được khơi dậy, phát huy; nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng được bảo tồn, đầu tư tôn tạo; đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế-xã hội theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đã xác định; đó là đưa phát triển văn hóa, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển; hợp tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đó là quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển của tỉnh. Chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có những hạn chế về năng lực, trình độ; chưa gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí còn vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là an ninh biên giới, an ninh nông thôn, còn có tình trạng khiếu kiện tập trung đông người...
Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đảng bộ Lạng Sơn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn thuận lợi và khó khăn riêng của một tỉnh miền núi, biên giới đi lên từ nông, lâm nghiệp, để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ và công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao; kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, nơi có nhiều cửa khẩu quan trọng của quốc gia. Từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu; xác định nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, trong phát triển kinh tế-xã hội. Lạng Sơn cần xác định rõ, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Trung Quốc.
Lạng Sơn cần xác định rõ, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Lạng Sơn cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; khai thác hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của địa phương, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm để từ đó giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hết sức quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, vùng triển khai nhiều dự án đầu tư mới; cần quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, đồng bào các dân tộc, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; để đời sống của các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Tổng Bí thư cho rằng, Lạng Sơn cần tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo những định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra; đặc biệt chú ý làm tốt công tác cán bộ; có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, cho cả trước mắt lẫn lâu dài; chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn và các bộ, ngành Trung ương nhằm huy động cao nhất và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tỉnh cần xác định rõ vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực cho phát triển; xây dựng Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh có dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Với trọng trách là "phên giậu quốc gia", Lạng Sơn phải đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển; chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết nội bộ trong các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt đoàn kết trong Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, từ đó lan tỏa, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.
Các cấp ủy đảng cần không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nghiêm Quy định 37 về "Những điều đảng viên không được làm", gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; trước hết phải có các giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Xuân Khoát, cán bộ lão thành cách mạng, ở phường Đông Kinh và gia đình bà Bạch Thị Khôi cán bộ tiền khởi nghĩa, ở phường Vĩnh Trại, cùng thành phố Lạng Sơn.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư cũng đã đến thăm, tặng quà lực lượng liên ngành công tác tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị; nghe cán bộ một số đơn vị báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và trồng cây lưu niệm.
Nói chuyện với cán bộ các đơn vị tại đây, Tổng Bí thư nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có mối quan hệ truyền thống, láng giềng hữu nghị, vừa là đồng chí vừa là anh em. Trên thế giới chỉ có duy nhất cửa khẩu này mà Việt Nam đặt tên là Hữu nghị và Trung Quốc cũng thống nhất đặt tên là Hữu nghị quan.
Tên gọi “Hữu nghị” thể hiện tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu việc xây dựng, phát triển quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc.
Tổng Bí thư đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lạng Sơn và các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu trong việc cùng với nước bạn Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Tổng Bí thư đề nghị tỉnh Lạng Sơn và Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển.
Trong hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị, có sự tham dự của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.