Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
Với tầm nhìn chiến lược sâu sắc và quyết tâm cao, kiên quyết, kiên trì trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp lớn trong việc cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đảng.
Đối với Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (gọi tắt Đảng bộ Khối), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn coi trọng và dành tình cảm đặc biệt đối với Đảng bộ Khối. Với tình cảm đặc biệt như vậy, ngày 18/8/2012, Tổng Bí thư và lãnh đạo các cơ quan Đảng Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương với nhiều quan điểm mới và tư tưởng đặc biệt dành cho Đảng bộ Khối.
Qua buổi làm việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho chúng ta thấy nhiều điều đồng chí đã dành cho Đảng bộ Khối.
1. Tình cảm trân trọng và đánh giá cao kết quả
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện tình cảm trân trọng, sự quan tâm đặc biệt đối với Đảng bộ Khối. Những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đó được thể hiện ở nhiều hoạt động, trong chỉ đạo hoạt động, trong quyết định những vấn đề liên quan đến Đảng ủy Khối và công tác cán bộ của Đảng ủy Khối. Điều này còn được thể hiện, ngay từ khi mới nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư, trong buổi làm việc với Đảng ủy Khối, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những cái bắt tay chặt chẽ đến các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Khối.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của Đảng ủy Khối trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng và đề xuất các phương thức hoạt động mới để nâng cao hiệu quả công tác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu: “Đảng ủy Khối đã tìm tòi, suy nghĩ, biết đi vào những vấn đề còn đang vướng mắc để tháo gỡ, đó là những việc làm rất quan trọng trong thực hiện đổi mới hoạt động của Đảng ủy Khối. Đồng thời, đề xuất được những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nhằm đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác. Đó là tư duy mới, cách làm sáng tạo, rất cần thiết đối với người lãnh đạo, dù ở cấp nào”. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng những việc đó thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác.
Đây là một sự biểu lộ tình cảm trân trọng đối với sự nỗ lực và đóng góp của Đảng bộ Khối trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
2. Sự quan tâm sâu sắc
Đồng chí Tổng Bí thư đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, lắng nghe và phân tích những khó khăn, thách thức mà Đảng ủy Khối đang đối mặt. Đồng chí cũng đã đưa ra những chỉ đạo cụ thể, sát sao nhằm giúp Đảng ủy Khối vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với Đảng bộ Khối. Sự quan tâm này không chỉ thể hiện trách nhiệm của một lãnh đạo mà còn là tình cảm sâu sắc, sự gắn bó với Đảng ủy Khối.
Trong công tác cán bộ ở Đảng bộ Khối, Tổng Bí thư cho rằng cái lớn nhất trong điều kiện cầm quyền của Đảng chính là nắm cán bộ, nắm đường lối, nắm con người, trong đó công tác cán bộ là theo phân cấp. Đồng chí nêu cần đánh giá và làm rõ việc thực hiện công tác cán bộ thuộc diện quản lý của Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc hiện nay đã tốt chưa, có quản lý được không? Từ đó, đồng chí yêu cầu: “Các cấp ủy trong Đảng bộ Khối cần chủ động nắm chắc tình hình cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý để khi cần thiết có nhận xét, đánh giá thật chính xác, công tâm, khách quan, trong sáng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì liên quan đến con người; là trách nhiệm, nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhất là đối với cán bộ ở các cơ quan Trung ương, cán bộ công tác ở các cơ quan tham mưu chiến lược, đầu não của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương; vì nếu bố trí sai cán bộ, nội bộ để mất đoàn kết thì vô cùng nguy hại”. Do đó, đồng chí Tổng Bí thư có yêu cầu Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc cần phối hợp với các cơ quan chức năng để làm tốt công tác này.
Trong công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ Khối, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác này không chỉ nhằm phát hiện và xử lý sai phạm mà còn là một công cụ để phòng ngừa và ngăn chặn những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Là Đảng bộ ở các cơ quan đầu não, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Đảng ủy Khối cần phải nâng cao sức chiến đấu và dũng khí trong công tác kiểm tra, giám sát để giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Từ vị trí của Đảng bộ Khối và vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo: “Đảng ủy Khối và các cấp ủy đảng cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên” và phải “đưa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đi vào nền nếp, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng”.
Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng: đây cũng là vấn đề quản lý con người; kiểm tra, giám sát là lấy cái tốt để phát huy, nhân rộng, đồng thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những cái xấu, những biểu hiện tiêu cực, sai trái trong Đảng, chứ không phải kiểm tra, giám sát cốt là để thi hành kỷ luật. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu: “Các tổ chức đảng cần phải nâng cao sức chiến đấu, dũng khí trong công tác này, không được né tránh, hoặc làm qua loa, chiếu lệ”.
Trong phối hợp công tác, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Đảng ủy Khối với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương liên quan đến phương thức lãnh đạo. Trong điều kiện Đảng bộ mới được tổ chức lại, công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn do các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Khối đa dạng về loại hình, chênh lệch lớn về quy mô, khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức; cán bộ chuyên trách công tác đảng vừa thiếu, vừa yếu; cán bộ kiêm nhiệm thay đổi nhiều; chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách còn bất cập... chúng ta cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu “cứ đúng chức năng, nhiệm vụ, giữ đúng nguyên tắc Đảng là tốt nhất, cần phải làm đúng vai, thuộc bài; khi sinh hoạt đảng, đề nghị các đồng chí phải nắm đúng nội dung theo chức năng, nhiệm vụ, tránh lan man, lạc đề, nhầm vai, nặng về công tác chuyên môn.
Công tác đảng là đi sâu vào quản lý con người, do đó công tác chuyên môn đã khó, công tác con người lại càng khó. Những việc làm của chúng ta có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tư, tình cảm, trí tuệ, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trong lúc này, do đó các đồng chí cần đặc biệt coi trọng công tác đảng, không xem công tác đảng chỉ là đảng vụ đơn thuần, là “đảng chay”. Cần phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân để thực thi nhiệm vụ”.
3. Khẳng định vai trò quan trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Đảng ủy Khối trong hệ thống chính trị Việt Nam. Các nhiệm kỳ với 200 đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó hơn 80 đồng chí sinh hoạt trong Đảng bộ Khối và có hơn 10 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Khối; toàn Đảng bộ Khối có trên 400 đảng viên giữ cương vị thứ trưởng và tương đương, có gần 8 vạn đảng viên hoạt động rộng khắp cả trong và ngoài nước.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng: “Đảng bộ Khối là một đảng bộ lớn, rất đặc thù và có vai trò, vị trí, vị thế “đặc biệt” quan trọng”. Bởi vì, ngoài đội ngũ cán bộ lãnh đạo sinh hoạt trong Đảng bộ thì đây còn là đảng bộ bao gồm các đảng bộ, chi bộ trong các cơ quan tham mưu chiến lược, bộ não của cơ quan lãnh đạo đất nước.
Chính vì vậy, hoạt động của Đảng bộ sẽ có ảnh hưởng không chỉ trong Đảng bộ, mà còn có ảnh hưởng đến toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Do đó, Tổng Bí thư đã nêu: “Nếu nơi đây có vấn đề gì về tư tưởng chính trị thì sẽ ra sao? Nếu chệch hướng về đường lối thì do ai? Đó chính là do đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối”.
Nói riêng về công tác đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương là cao nhất”. Vì vậy, Tổng Bí thư có yêu cầu, Đảng ủy Khối “phải hiểu đúng và làm đúng, để công tác đảng của chúng ta tốt lên, nhằm thực hiện tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ Khối”.
4. Chính trị tư tưởng là hàng đầu
Một trong những trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao là công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng ủy Khối và tất cả các đảng ủy trực thuộc phải làm thật tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên cả về chính trị và tư tưởng. Công tác chính trị, tư tưởng là quan trọng hàng đầu, nhưng rất khó vì rất trừu tượng”.
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy trong toàn Đảng bộ Khối cần phải được thực hiện công tác này một cách sâu rộng và toàn diện, từ cấp chi bộ trở lên. Đảng viên cần phải được giáo dục và quản lý chặt chẽ về chính trị và tư tưởng để đảm bảo sự kiên định và vững vàng trong mọi tình huống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đặt vấn đề: “Khi kiểm điểm dễ nhiều người nhận là có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối, nhưng thực tế có thật như thế không? Các cấp ủy, chi bộ có biết không? Bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có nằm trong đảng bộ chúng ta không? Tại sao đảng viên thế này, thế khác, nhưng đến lúc bắt được quả tang mới xảy ra chuyện?”
Từ đó, Tổng Bí thư có yêu cầu các cấp ủy phải: “Đánh giá sâu tình hình tư tưởng và sát với từng đối tượng để có phương pháp, cách giáo dục, rèn luyện, quản lý cho phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, trong đó lưu ý sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan”. Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh:
Trong sinh hoạt đảng, “cần phải coi trọng công tác sinh hoạt tư tưởng, quản lý đảng viên về mặt đạo đức, lối sống, thường xuyên đánh giá phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”. Việc đầu tiên trong sinh hoạt đảng, Tổng Bí thư yêu cầu phải chấp hành nghiêm túc việc sinh hoạt chi bộ theo quy định, tránh nặng về sinh hoạt chuyên môn, nhất là đối với các đồng chí đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.
Thứ hai, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu: Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó cần phải đem ra thảo luận, trao đổi, mổ xẻ những vấn đề đáng quan tâm đối với đảng viên trong ngành, trong cơ quan, đơn vị, nhất là vấn đề cục bộ, lợi ích nhóm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gia trưởng, chạy chức, chạy quyền… nhằm quản lý tốt đảng viên cả về chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống.
Thứ ba, quan tâm đến sự bình đẳng giữa các đảng viên, do đó cần thẳng thắn phê bình và tự phê bình để góp ý nhau cùng tiến bộ, không phải vì là thủ trưởng, là lãnh đạo mà nể nang, né tránh, không phê bình, không góp ý, hoặc sợ bị trù úm, chèn ép.
Trong hoạt động, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải đề cao “vai trò của cấp ủy trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nhất quán, không thể ai khác làm thay các đồng chí về công tác này”. Từ đó, Tổng Bí thư có yêu cầu: “Việc sinh hoạt chi bộ cần phải làm cho tốt; nếu cần thì Trung ương có hướng dẫn về sinh hoạt chính trị, tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ.
Công tác đảng là chăm lo những việc như thế, nếu không chúng ta bỏ trống và làm mất trận địa; vai trò của Đảng sẽ bị lu mờ, giảm sút; nếu chúng ta làm tốt thì không những phát huy tốt vai trò của tổ chức đảng, mà năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cũng được nâng lên rất nhiều.
Nếu sức chiến đấu yếu, chi bộ kém thì cán bộ, đảng viên không sợ gì tổ chức đảng, mà chỉ sợ những người có tiền, những người có quyền, và vai trò của tổ chức đảng bị coi nhẹ”.
5. Sự tin tưởng và kỳ vọng
Đồng chí Tổng Bí thư luôn tin tưởng vào năng lực lãnh đạo và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Đảng ủy Khối. Đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng của Đảng bộ Khối trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Sau khi phân tích các yếu tố nội tại, những hạn chế, bất cập và vướng mắc trong Đảng bộ Khối, Tổng Bí thư khẳng định: “Nếu làm thuộc bài, nghiêm túc, tôi tin rằng các tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối của chúng ta sẽ tốt lên rất nhiều, nội bộ sẽ đoàn kết hơn, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình được nâng lên”.
Đồng thời, đồng chí Tổng Bí thư thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng với thông điệp cuối của buổi làm việc: “Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, với những thành quả đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, với khí thế mới, quyết tâm mới, các đồng chí sẽ tiến thêm bước quan trọng trong thời gian tới, qua đó làm cho Đảng bộ Khối ngày càng có vai trò xứng đáng trong hệ thống chính trị của chúng ta”.
6. Sự động viên, khích lệ và kêu gọi hành động
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã động viên và khích lệ các đồng chí trong Đảng ủy Khối và đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ Khối, ghi nhận những kết quả tích cực mà Đảng bộ Khối đã đạt được từ khi được tổ chức lại đến nay. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng những đổi mới sáng tạo và cách làm việc sáng tạo của Đảng ủy Khối là rất cần thiết và quan trọng. Điều này không chỉ thể hiện sự ủng hộ mà còn là một nguồn động lực mạnh mẽ để Đảng ủy Khối tiếp tục phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Đồng chí Tổng Bí thư kêu gọi Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc phải làm thật tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý đảng viên cả về chính trị và tư tưởng, đồng thời, nhấn mạnh rằng công tác chính trị tư tưởng là rất quan trọng và cần phải làm sâu sắc, thấu tình đạt lý để đạt được hiệu quả cao nhất.
Những tình cảm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng ủy Khối không chỉ là sự trân trọng, tin tưởng và động viên mà còn là sự quan tâm sâu sắc, sự gắn bó chặt chẽ và những kỳ vọng lớn lao.
Đồng chí Tổng Bí thư đã thể hiện tình cảm của mình qua những lời phát biểu chân thành, những chỉ đạo cụ thể và sự khích lệ mạnh mẽ, góp phần động viên Đảng ủy Khối tiếp tục phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới.
Qua đó, chúng ta không chỉ thấy được những tình cảm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư mà còn cảm nhận được sự quan trọng và ý nghĩa của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong hệ thống chính trị Việt Nam.