Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Là một trong những chiến sĩ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng ta, 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam trong nhà tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng, nhà lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn chiến lược về lý luận xây dựng Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 tại xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Năm 15 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đã tích cực tham gia vào các phong trào vận động quần chúng đấu tranh chống sự áp bức, bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai; thâm nhập vào phong trào công nhân, giác ngộ công nhân…

Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh tư liệu

Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành đảng viên của Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3-2-1930), đồng chí được cử làm Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Tháng 2-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò; bị kết án tù khổ sai và bị đày đi Côn Đảo, cuối năm 1936 được trả tự do. Tháng 9-1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3-1938, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ngày 18-1-1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, thàhh phố Sài Gòn. Ngày 23-11-1940, sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “Chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và tử hình đồng chí vào ngày 28-8-1941 tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất; là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí có tầm nhìn chiến lược về lý luận xây dựng Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Trong hoạt động, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là tấm gương nhiệt huyết của các phong trào cách mạng. Khi bị tù đày khổ sai, đồng chí biến nhà tù thành trường học đấu tranh cách mạng, giảng giải, phổ biến nghị quyết Trung ương cho nhiều cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận. Đồng chí trở thành tấm gương mẫu mực về ý chí chiến đấu và khí tiết người cộng sản, tấm lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc khi đã vượt qua cực hình tra tấn dã man của nhà tù đế quốc và cả những lời dụ dỗ của kẻ thù hòng khai thác bí mật của Đảng nhưng tất cả đều thất bại trước ý chí đanh thép của người cộng sản kiên trung, bất khuất…

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo, đã xử lý đúng mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng dân tộc dân chủ… Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, Đảng ta đã kịp thời đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sục sôi trong cả nước, tạo ra cục diện phát triển mới của cách mạng Việt Nam… Hoảng sợ trước uy tín và tài năng của đồng chí và sự lớn mạnh của phong trào cách mạng nước ta, kẻ thù ráo riết truy lùng, bắt, kết án và tử hình đồng chí.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn là tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự rèn luyện. Đồng chí đã nghiền ngẫm, soi xét kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để làm sáng tỏ vấn đề lý luận, gắn lý luận với thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận chuẩn bị điều kiện cần thiết cho hoạt động cách mạng sau này…

Đồng chí có nhiều tác phẩm và bài viết mang tính sáng tạo về mặt lý luận và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Nhiều bài đề cập đến vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương của Đảng trong cao trào cách mạng 1938-1939… Để đấu tranh tự phê bình và phê bình, chấn chỉnh tư tưởng lệch lạc, sai trái trong Đảng. Tháng 7-1939, đồng chí cho ra đời tác phẩm “Tự chỉ trích”, chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh trên cả nước nhằm lột mặt nạ bọn giả danh cách mạng, tiến hành tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, nghiêm khắc lên án, chỉ trích những khuynh hướng cô độc, hẹp hòi… tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Những cống hiến về lý luận của đồng chí Nguyễn Văn Cừ thể hiện một trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sự vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm và nguyên tắc cơ bản, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí đã để lại cho chúng ta mẫu hình về kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động, công tác cách mạng.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022) trong bối cảnh toàn Đảng đang thực hiện xây dựng Đảng theo các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Nguyễn Văn Cừ không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là Tổng Bí thư thứ tư của Đảng ta. Từ khi thoát ly gia đình đến lúc hy sinh, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí là chiến sĩ cộng sản năng động, sáng tạo, có trình độ tổ chức cao, có khả năng đoàn kết rộng, có uy tín lớn, để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của cộng sản để cho nhân dân và các thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo.

TRẦN QUỐC GIANG

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang)

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xay-dung-dang/tong-bi-thu-nguyen-van-cu-tam-guong-sang-ngoi-ve-dao-duc-cach-mang-9071.html