Tổng Bí thư: Phát triển Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, quyết tâm phát triển Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.
Sáng 6/1, tại tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đến tháng 12/2024.
Tham gia Đoàn công tác có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương…
* Chuyển biến đồng bộ trên các mặt công tác
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đến tháng 12/2024, Gia Lai là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống cách mạng; các dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ được nhiều nét truyền thống đặc sắc, tạo nên sự phong phú, đa dạng văn hóa trong cộng đồng 44 dân tộc anh em chung sống thuận hòa để cùng xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp.
Gia Lai có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển, diện tích rộng, đất đai thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng xen kẽ, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực, là tiền đề thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn tỉnh phong phú, ổn định như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, sắn, chè…
Dự ước trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng bình quân 6,21%. Quy mô kinh tế tăng gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ. Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đóng vai trò quan trọng, với sự quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với tăng năng suất và giá trị.
Các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cao su, sắn lát đã trở ngành những ngành hàng quan trọng, chiếm cơ cấu đáng kể của nông nghiệp Gia Lai, xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Tỷ lệ che phủ rừng lớn (47, 5%). Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đạt kết quả tốt.
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm đã có những tiến bộ rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng lao động. Hệ thống y tế và mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, phát triển tới tận buôn làng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo toàn diện, tạo chuyển biến đồng bộ trên các mặt công tác, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; giữ vững đoàn kết trong Đảng, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, có phương pháp và cách làm hiệu quả.
Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã chủ động triển khai thực hiện chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, hướng tới nâng cao nâng cao chất lượng văn kiện, nhân sự, bảo đảm các mặt để Đại hội thành công. Công tác quốc phòng an ninh được bảo đảm. Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những thành tựu, tỉnh đã thắng thắn, nhìn nhận và chỉ ra hạn chế; đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới.
* Tạo nền tảng vững chắc đưa Gia Lai phát triển nhanh, bền vững
Tập trung lãnh đạo, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng tinh thần chỉ thị số 35- CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, trọng tâm là công tác chuẩn bị nhân sự đại hội, bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu; văn kiện đại hội bảo đảm khách quan, khoa học, chất lượng, lấy ý kiến rộng rãi thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của toàn Đảng, toàn dân vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư lưu ý, làm tốt công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt. Trong đó, có tổng kết toàn diện việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chú ý tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, hiệu quả, gắn với làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.
Nâng cao chất lượng chi bộ cơ sở gắn với nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; giữ gìn tình đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong cộng đồng 44 dân tộc anh em; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tỉnh cần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, nâng nhanh tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế này vào GRDP của tỉnh; nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình nông hội, nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước; tạo điều kiện, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Tỉnh cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên bố trí nguồn lực để ổn định các điểm dân cư đồng bào dân số thiểu số, phù hợp với tập quán, sinh hoạt, sản xuất.
Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thực hiện tốt chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh; chú trọng bảo tồn văn hóa buôn làng, văn hóa, truyền thống của từng cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên; chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện hệ thống an sinh xã hội.
Tổng Bí thư chỉ rõ, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai được xác định là có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng, cần gắn chặt phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới, ngăn chặn hiệu quả hoạt động xâm nhập, buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới.
Chủ động nắm chắc tình hình, đề cao cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tăng cường bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh tôn giáo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước. Tỉnh cần tiếp tục duy trì quan hệ truyền thống tốt đẹp với các tỉnh giáp biên giới để góp phần xây dựng kinh tế vùng biên, xây dựng mối quan hệ láng giềng, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển.