Tổng Bí thư: Tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, đưa đất nước tiến xa hơn
Cần tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hoa tại tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TTXVN
Sáng 1/7, tại tỉnh Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2025).
Tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, lễ kỷ niệm là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những cống hiến to lớn, những quyết sách lịch sử mà đồng chí đã đưa ra trong những thời khắc có tính bước ngoặt của đất nước. Đây cũng là dịp để suy ngẫm và rút ra những bài học quý báu từ tư duy, bản lĩnh, phương pháp lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – những bài học mang ý nghĩa sâu sắc cho sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư cho biết, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, trước muôn vàn khó khăn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trước sự trì trệ, bao cấp kéo dài, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh hiếm có. Ông đã khẳng định: Không thể tiếp tục làm theo lối cũ. Nếu không đổi mới, đất nước sẽ không thể phát triển, nhân dân sẽ không thể ấm no.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng các chủ trương cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, giải phóng sức sản xuất, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở, thí điểm và sau đó củng cố các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thiết lập cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Một trong những dấu ấn đặc biệt của ông là loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân từ năm 1987, với bút danh “NVL”. Đây là tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, thể hiện tinh thần chống tiêu cực, quyết liệt xử lý tham nhũng, quan liêu, lãng phí - những căn bệnh ăn mòn uy tín của Đảng và sự tin tưởng của nhân dân.
"Từ những chỉ đạo chiến lược và quyết liệt của đồng chí, công cuộc đổi mới đã đem lại chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực: từ sản xuất nông nghiệp chuyển từ tập trung sang khoán hộ, từ bao cấp sang thị trường, từ đóng cửa sang hội nhập, từ quản lý mệnh lệnh sang vận hành theo quy luật cung – cầu. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có giá trị bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay," Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: TTXVN
Bài học về đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, đầu tiên là bài học về tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng khẳng định, Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận quá khứ, mà là tiếp tục phát triển từ thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật để hành động. Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng tinh thần đó là kim chỉ nam cho thế hệ cán bộ hôm nay - khi đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức: mô hình tăng trưởng truyền thống có khó khăn, các vấn đề môi trường, già hóa dân số, cạnh tranh địa chính trị gay gắt.
"Chỉ có đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận và dám làm điều chưa có tiền lệ, chúng ta mới có thể đưa đất nước tiến xa hơn. Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, phải có dũng khí nhận trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với cái mới, sẵn sàng vượt qua sự bảo thủ, trì trệ," Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu bài học về gắn bó mật thiết với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân; bài học về chống chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong; bài học về độc lập tư duy, phát huy nội lực, đi lên từ chính bản thân mình.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, trong thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn nhấn mạnh: Việt Nam đổi mới không theo lệnh của ai, không rập khuôn mô hình bên ngoài, mà xuất phát từ thực tiễn của chính mình, vì lợi ích của dân tộc. Đó là tầm nhìn sâu xa, phù hợp cả trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay. Việt Nam cần học hỏi quốc tế, hợp tác sâu rộng, nhưng quan trọng hơn là phát triển bản lĩnh nội tại: khoa học công nghệ, thể chế linh hoạt, nguồn nhân lực chất lượng cao và tinh thần dân tộc kiên cường.
Bước chuyển mình lịch sử của dân tộc
Trong thời điểm cả dân tộc đang chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp với không gian phát triển mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, cần phải tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh – tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực. Phải đào tạo và lựa chọn những cán bộ vừa có đức, vừa có tài, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, không chấp nhận cán bộ bảo thủ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chỉ lo an toàn cho bản thân.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước dâng hương tại Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại xã Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TTXVN
Cần kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời linh hoạt, thích ứng nhanh với các xu thế công nghệ, tài chính xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cần tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân; phải đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại, để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hôm nay, ngày 1/7, cả đất nước ta trên khắp 34 tỉnh, thành với 3.321 phường, xã, đặc khu bước vào ngày làm việc đầu tiên của mô hình đơn vị hành chính hai cấp. Đây là bước chuyển mình lịch sử của dân tộc. Về cơ bản mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo, với tinh thần phục vụ nhân dân cao nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất.
Tổng Bí thư tin tưởng, với sự quyết tâm chính trị rất cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt những mục tiêu yêu cầu đã đặt ra.
"Chúng ta học tập tinh thần và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta hành động theo những lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhất định sẽ thành công... Tinh thần Nguyễn Văn Linh luôn tỏa sáng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc," Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Cũng trong sáng 1/7, Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (xã Nguyễn Văn Linh) và tại Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở Quảng trường Trung tâm tỉnh Hưng Yên.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Trung tướng Nguyễn Bình, tri ân tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên cường, nhà quân sự tài năng có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã đến thăm gia đình cụ Phạm Thị Cuông (sinh năm 1919) sống tại thôn Cao Đông, xã Hoàng Hoa Thám, tỉnh Hưng Yên, là mẹ của Liệt sỹ Nguyễn Quang Trung.