Tổng Bí thư Tô Lâm: Cam kết tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh
'Chúng tôi sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh, trong đó, thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá, và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt'.
Chiều 16/4, tại Hà Nội, tại Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm".đã khai mạc với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025. Ảnh: Nhân Dân
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển nhanh, xanh, bền vững
Phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, trước những chuyển biến to lớn, nhanh chóng mang tính thời đại của thế giới ngày nay, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng vươn tới một kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới; xây dựng thành công xã hội Xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc; đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Với kinh nghiệm 40 năm đổi mới, Việt Nam xác định chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu nói trên dựa trên cần bảo đảm nguyên tắc bền vững, bao trùm, hài hòa, bao gồm: Phát triển nhanh phải đi đôi với bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: Phát triển đất nước phải song hành với trách nhiệm quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu; hợp tác quốc tế trên nguyên tắc "các bên cùng thắng"; Quá trình phát triển phải lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách, chiến lược; nhân dân là người thụ hưởng các thành quả của phát triển.
Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp chiến lược cho phát triển đất nước, bao gồm:
Thứ nhất, thúc đẩy cải cách thể chế là đột phá của đột phá. Tập trung cải cách, mở cửa, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xã hội; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, trong đó chú ý đến kinh tế tư nhân; tạo điều kiện để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Trong đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới. Chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng bền vững.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: nhìn về tương lai, Việt Nam đang nhanh chóng thúc đẩy các đột phá chiến lược, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển vừa nhanh, vừa xanh, bao trùm và bền vững. Ảnh: VGP
Về chuyển đổi xanh, nhờ cách tiếp cận đúng đắn, kịp thời, gắn Chiến lược tăng trưởng xanh với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, dù là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả quan trọng: Là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN, với công suất điện gió, điện mặt trời chiếm 2/3 tổng công suất của ASEAN; Là điển hình tốt về thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững. Dự án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp là mô hình tiên phong được rất nhiều đối tác, tổ chức quốc tế quan tâm, tham khảo; Là thành viên tích cực, trách nhiệm của toàn bộ các cơ chế đa phương, sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng (như Thỏa thuận Paris về khí hậu, Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, P4G...).
Đặc biệt, về thể chế, Việt Nam cơ bản xây dựng các cơ chế, khuôn khổ cần thiết cho tăng trưởng xanh, bao gồm Quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn, danh mục các dự án trọng điểm và các nghị định tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh.
Tuy vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhận định, là một nước đang phát triển có nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức về nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực, về khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu và về những biến động địa chính trị trên toàn cầu.
Nhìn về tương lai, Việt Nam đang nhanh chóng thúc đẩy các đột phá chiến lược, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển vừa nhanh, vừa xanh, bao trùm và bền vững.
Chúng tôi sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh, trong đó, thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá, và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ: Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Việt Nam chủ trương đặt mình vào dòng chảy của thế giới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình. Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.
Nhấn mạnh việc đăng cai tổ chức Hội nghị P4G lần thứ tư có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Qua đó, để phát huy vai trò là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của P4G và cộng đồng quốc tế; đồng thời, để tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050; để góp phần nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế và để phát huy vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng Hội nghị tạo những động lực mới thúc đẩy hợp tác giữa P4G với các đối tác, giữa các nước Bắc bán cầu và Nam bán cầu, giữa khu vực nhà nước và tư nhân nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tài chính xanh.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh P4G Việt Nam năm 2025. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Một nền kinh tế xanh cần các doanh nghiệp xanh. Một xã hội xanh cần các công dân xanh. Một thế giới xanh cần các quốc gia xanh
Trong phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" của Hội nghị lần này thể hiện khát vọng của tất cả chúng ta hướng đến một thế giới sáng, xanh, sạch, đẹp với quan điểm nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển, cho quá trình xanh hóa và phát triển bền vững trên hành tinh xanh tươi đẹp của chúng ta.
Đó là, bảo đảm cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu, bao trùm, "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi xanh.
Một nền kinh tế xanh cần các doanh nghiệp xanh. Một xã hội xanh cần các công dân xanh. Một thế giới xanh cần các quốc gia xanh. Việc tham gia, đóng góp và hưởng thụ thành quả từ quá trình chuyển đổi xanh vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của tất cả các quốc gia, dân tộc theo tinh thần "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, việc đề cao nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trách nhiệm trong chuyển đổi xanh. Đây là quá trình cần kiên định về mục tiêu, nhưng chủ động, linh hoạt về phương pháp và lộ trình, có tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Thành công của một quốc gia trong chuyển đổi xanh không chỉ thuộc về riêng quốc gia đó mà là của toàn thế giới, là tài sản chung của toàn nhân loại.
Đối với Việt Nam, cùng với chuyển đổi số, xác định chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu khách quan, là yếu tố then chốt và động lực đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, xanh và phát triển bền vững, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời góp phần từng bước hiện thực hóa các cam kết tại COP26 về đưa mức phát thải ròng về bằng "0" vào năm 2050.
Từ kinh nghiệm thực tiễn với những kết quả tích cực bước đầu, nhất là về năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp xanh, tham gia các cơ chế, sáng kiến đa phương về chuyển đổi xanh, với vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, lấy con người làm trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 đề xuất của Việt Nam để các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá và thống nhất cách tiếp cận, giải pháp và khuôn khổ hợp tác thời gian tới.
Theo đó, thứ nhất là, thúc đẩy hoàn thiện tư duy xanh, trong đó chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh; xác định nguồn lực xanh bắt nguồn từ tư duy xanh, động lực tăng trưởng xanh bắt nguồn từ chuyển đổi xanh và sức mạnh xanh bắt nguồn từ nhận thức xanh của người dân, doanh nghiệp ở các quốc gia, khu vực và trên toàn cầu.
Thứ hai, xây dựng một cộng đồng xanh trách nhiệm. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò định hướng, khuyến khích, bảo đảm thể chế ổn định, thuận lợi cho tăng trưởng xanh; khu vực tư nhân là nòng cốt trong đầu tư công nghệ, phổ cập các tiêu chuẩn xanh; cộng đồng khoa học tiên phong trong phát triển công nghệ xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; người dân không ngừng nâng cao ý thức xanh và thật sự là chủ thể thụ hưởng những kết quả của chuyển đổi xanh.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạnh các mô hình hợp tác xanh nhiều bên, nhất là hợp tác đối tác công - tư (PPP), hợp tác Nam - Nam, Bắc - Nam, các khuôn khổ hợp tác đa phương... nhằm xóa bỏ rào cản về thể chế, tăng cường khả năng tiếp cận và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch dòng vốn xanh, công nghệ xanh và quản trị xanh. Các nước phát triển cần tiên phong thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính, công nghệ, kinh nghiệm cải cách thể chế; trong khi các nước đang phát triển cần phát huy mạnh mẽ nội lực gắn kết với sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi P4G tiếp tục phát huy hơn nữa vị thế, tiềm năng và thế mạnh, thực sự trở thành một "vườn ươm ý tưởng", một "phòng thí nghiệm" quốc tế về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, nơi những dự án thí điểm được nhân rộng, những sáng kiến, công nghệ đột phá được chắp cánh, bay cao, vươn xa, với tinh thần "nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa, trông rộng".
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Chính chúng ta hôm nay đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang là giữ gìn và bảo vệ Trái đất - ngôi nhà thân yêu của toàn nhân loại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, bản lĩnh vươn lên và trí tuệ sáng tạo của các quốc gia sẽ thực sự trở thành sức mạnh vô song, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bao trùm, bền vững trên toàn cầu, tất cả vì con người, của con người và do con người, vì hạnh phúc, ấm no của mọi người dân trên hành tinh xanh thân yêu của chúng ta.
Việt Nam là một trong 7 thành viên sáng lập, đối tác chính thức của P4G. Đây là lần thứ 4 Hội nghị được tổ chức và là Hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh đầu tiên mà Việt Nam đăng cai.
Hội nghị Thượng đỉnh P4G có chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", diễn ra từ ngày 16-17/4 tại Hà Nội. Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu đến từ 46 quốc gia, tổ chức quốc tế tham dự, trong đó có Thủ tướng Lào, Thủ tướng Ethiopia, Phó Thủ tướng Campuchia và Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc; nhiều Bộ trưởng các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, giới học giả, chuyên gia, doanh nghiệp trên thế giới.
Hội nghị tập trung vào các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, an toàn, bình đẳng, thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, một hành tinh xanh và một tương lai xanh cho mỗi người dân.
Việt Nam đăng cai tổ chức P4G lần thứ 4 với mục đích đóng góp vào nỗ lực chung thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững toàn cầu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thu hút và tranh thủ các nguồn lực quốc tế cho phát triển chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; đồng thời giúp nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.

Hội nghị Thượng đỉnh P4G thu hút hơn 1.000 đại biểu đến từ 46 quốc gia, tổ chức quốc tế tham dự. Ảnh: VGP
Nguồn: Tổng hợp