Tổng Bí thư Tô Lâm: Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc
Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức sáng 18-5 đã hoàn thành chương trình đề ra.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Đắc Nhân
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến những vấn đề đang diễn ra hiện nay trên phạm vi toàn cầu, đem lại những thuận lợi và thách thức. Ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại và sẽ rơi vào hoàn cảnh “trâu chậm uống nước đục”.
Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới
Tổng Bí thư cũng nêu rõ những thành tựu to lớn, có thể nói là vĩ đại của đất nước ta sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới. “Chúng ta có quyền tự hào, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, hiện nay chúng ta đang đổi mới, cải cách tập trung vào 4 đột phá: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng (2 nghị quyết này đã được quán triệt học tập) và hôm nay, chúng ta được quán triệt thêm 2 nghị quyết: Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Đến thời điểm này có thể gọi 4 nghị quyết trên là “bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh.
4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Tổng Bí thư đã điểm lại những tinh thần cốt lõi của các nghị quyết và mối quan hệ tác động lẫn nhau của các nghị quyết.
4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, nhưng có sự liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện.
Cả 4 nghị quyết đều thống nhất mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân.
Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế.
Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết 59). Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó cải cách toàn diện.

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân của tỉnh dự tại điểm cầu hội trường Tỉnh ủy. Ảnh: Đắc Nhân
Điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Về tổ chức thực hiện, tất cả các nghị quyết đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, người dân và giới trí thức. Các trục triển khai như thi hành pháp luật, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển tư nhân và hội nhập quốc tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Tổng Bí thư cũng nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025-2030) được thể hiện trong 4 nghị quyết nêu trên.
8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Trước mắt trong năm 2025, Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể.
Thứ hai, khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66.
Thứ ba, khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới; xây dựng khung pháp lý cho mô hình sandbox.
Thứ tư, tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA và đặc biệt là đàm phán hiệu quả FTA với Hoa Kỳ; chủ động chuẩn bị tham gia các hiệp định mới như: Hiệp định đối tác kinh tế số (DEPA), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF); tận dụng cam kết hội nhập để chuyển hóa thành tăng trưởng thực tế.
Thứ năm, thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn.
Thứ sáu, kiện toàn bộ máy lãnh đạo; thành lập các Ban chỉ đạo chuyên trách cấp trung ương và cấp tỉnh; bảo đảm cơ chế chỉ đạo thống nhất, kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Thứ bảy, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết.
Thứ tám, đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các nghị quyết.
Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chuẩn bị thật tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.
Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập...