Tổng Bí thư Tô Lâm: Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.

Ngày 15/1, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI năm 2024 với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn (Ảnh: TTXVN)

"Quốc lễ" công nghệ số

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây không chỉ là sự kiện quan trọng mà còn là dấu mốc khẳng định mạnh mẽ, vai trò tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số trong sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Theo Tổng Bí thư, cần biến diễn đàn năm nay trở thành “Quốc lễ công nghệ số”, mở ra những cơ hội mới, những hướng đi đột phá cho trí thức, nhà khoa học, cộng đồng công nghệ số Việt Nam.

Tổng Bí thư khẳng định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới. Điều này không chỉ mở ra cơ hội cải thiện năng suất lao động mà còn tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư nêu rõ, chuyển đổi số mang tính chiến lược dài hạn giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia, củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, chúng ta có thể phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy, khơi dậy sáng tạo và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến và bản sắc. Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu này cần sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự tham gia tích cực từ những người lao động và toàn thể người dân.

Đưa ra dẫn chứng Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính, đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính, đứng thứ 7 thế giới về tham gia phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử, Tổng Bí thư phân tích rằng, những con số có vẻ rất ấn tượng, đáng tự hào nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất của những số liệu này chưa. Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % trong những giá trị xuất khẩu đó? Hay chúng ta đang ở những phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài.

Tổng Bí thư phân tích tiếp: Một cái áo bán ra thì trong đó thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều là của người khác thì liệu thu nhập được bao nhiêu từ những sản phẩm này? Có chăng đóng góp của chúng ta chỉ là công lao động và ô nhiễm môi trường?

Từ dẫn chứng và phân tích trên, Tổng Bí thư đặt vấn đề phải nhìn thẳng vào sự thật, rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong năng lực cạnh tranh quốc tế.

Phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ

Tổng Bí thư yêu cầu trong thời gian tới phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, làm căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phải đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu phát triển, đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối công nghệ nano, công nghệ thông tin di động 5G, 6G, công nghệ vũ trụ, không gian. Tập trung vào việc làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới để tạo ra sự tự chủ công nghệ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tổng Bí thư chỉ đạo, cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số, thứ đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao, tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa, tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu.

Xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác công tư, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế để tạo ra các sản phẩm dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tổng Bí thư đề nghị nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu đến năm 2030 đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tong-bi-thu-to-lam-chuyen-doi-so-la-yeu-cau-cap-thiet-10298362.html