Tổng Bí thư Tô Lâm kỳ vọng Gia Lai bứt phá mạnh mẽ

Làm việc với tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương kỳ vọng địa phương sẽ bứt phá mạnh mẽ, xứng đáng với tiềm năng thế mạnh sẵn có.

Sáng ngày 6/1, tại Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đến thăm và làm việc với tỉnh Gia Lai về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI.

Tham gia buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm có đại diện các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương và một số nhà đầu tư lớn.

Đại diện tại địa phương có ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, cùng các đồng trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng công trình Trạm y tế cho xã Glar, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) trị giá 5 tỷ đồng để địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe bà con đồng bào các dân tộc sống trên địa bàn.

Tổng Bí thư trao tặng công trình y tế cho xã Glar huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Tổng Bí thư trao tặng công trình y tế cho xã Glar huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Báo cáo với đoàn về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai trong nhiệm kỳ qua. Đại diện Tỉnh ủy cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng bình quân 6,21%/năm. Quy mô kinh tế gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Dự ước đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 75,69 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30,51%; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%. Bình quân hằng năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,11%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 7,03%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,94%; rừng mới trồng đạt 40.000 ha, đạt theo Nghị quyết đề ra.

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm đã có những tiến bộ rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng lao động. Hệ thống y tế và mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, phát triển tới tận buôn làng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo toàn diện, tạo chuyển biến đồng bộ trên các mặt công tác, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; giữ vững đoàn kết trong Đảng, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, có phương pháp và cách làm hiệu quả. Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã chủ động triển khai thực hiện chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, hướng tới nâng cao chất lượng văn kiện, nhân sự, bảo đảm các mặt để Đại hội thành công.

Bên cạnh đó, công tác quốc phòng an ninh luôn được chú trọng. Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngoài các mặt tích cực, tỉnh Gia lai cũng còn nhiều khó khăn, trong đó địa phương kiến nghị tăng lượng ngân sách cấp hàng năm để tạo điều kiện giúp tỉnh gia tăng nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị với Đoàn công tác và Bộ Giao thông vận tải sớm khởi công tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku trước tháng 8 năm 2025, phấn đấu dự án có thể đi vào khai thác, sử dụng trong nửa đầu nhiệm kỳ sau, sớm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Cảng hàng không Pleiku, tỉnh Gia Lai theo quy hoạch trong năm 2025 và có thể khai thác các chuyến bay quốc tế. Việc nâng cấp sân bay Pleiku không chỉ giúp phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho việc kết nối du lịch mà còn thúc đẩy kinh tế, mở rộng cơ hội hợp tác và đầu tư giữa Gia Lai và các tỉnh trong vùng Đông Bắc Campuchia và Nam Lào Bên cạnh đó, Trung ương cần quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng mới 08 công trình thủy lợi (gồm: 06 hồ chứa nước loại lớn, 01 hệ thống đập dâng, 01 trạm bơm điện) nâng diện tích tưới tăng thêm khoảng 3.400 ha và nâng cấp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bị xuống cấp để đảm bảo an toàn với tổng kinh phí khoảng 2.400 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và cùng với tỉnh đánh giá một cách toàn diện chương trình chuyển rừng nghèo sang trồng cây cao su của tỉnh; định hướng xử lý diện tích cây cao su bị chết, kém phát triển phù hợp nhất trên diện tích này; thống nhất đối với việc phục hồi lại rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên diện tích đất không còn rừng.

Về một số định hướng thảo luận, đưa ra các giải pháp phát triển trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, quyết tâm phát triển Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, phong phú, đặc sắc về vốn văn hóa, bền vững về mặt xã hội và môi trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Gia Lai tập trung thảo luận cho ý kiến về những khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội là vấn đề rất quan trọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh là cần tập trung xây dựng để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thắng lợi phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cùng với đó cần nghiên cứu triển khai Nghị quyết 18 TW và đề nghị Gia Lai thảo luận nêu rõ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Gia Lai đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị nông sản, chế biến sâu, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Phát triển du lịch thành ngành kinh tế xanh, mũi nhọn bền vững mang bản sắc Tây Nguyên, đóng góp vào ngành du lịch Việt Nam; Phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc phù hợp với địa phương như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo.

Để thực hiện được các định hướng trên, tỉnh Gia Lai phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Phương Đông - Mai Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-to-lam-ky-vong-gia-lai-but-pha-manh-me.html