Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật
Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Phó trưởng ban.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là một nghị quyết đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi; có cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đồng thời, mục tiêu của nghị quyết còn nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển; huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Nghị quyết đặt mục tiêu năm 2025 cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật; năm 2027 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp; năm 2028 hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước; được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội, quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...
Các nhiệm vụ, giải pháp lớn
Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như sau: Thứ nhất là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Thứ hai là đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Thứ ba làtạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Thứ tư là nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.
Thứ năm là tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Thứ sáu là thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Thành phần tham gia có đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan...
Bộ Chính trị ban hành quyết định số 288 thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật
Ban chỉ đạo sẽ trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Phó trưởng ban.
Các ủy viên gồm: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang.
Đồng thời có các ủy viên: Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn; Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.